|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nhóm chiến lược (Strategic Group) là gì? Đặc điểm

16:52 | 07/09/2019
Chia sẻ
Nhóm chiến lược (tiếng Anh: Strategic Group) bao gồm các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh cùng áp dụng các chiến lược marketing giống nhau nhằm vào cùng một thị trường mục tiêu. Theo đó, nó có những đặc điểm cần chú ý.

4c6299e91aa8f3f6aab9

Hình minh họa (Nguồn: Baomoi.com)

Nhóm chiến lược (Strategic Group)

Khái niệm

Nhóm chiến lược trong tiếng Anh gọi là Strategic Group.

Nhóm chiến lược bao gồm các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh cùng áp dụng các chiến lược marketing giống nhau nhằm vào cùng một thị trường mục tiêu. Những doanh nghiệp trong cùng một nhóm chiến lược trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau. 

Đồng thời họ có cùng những đối thủ cạnh tranh là các công ty khác thuộc cùng nhóm chiến lược khác. Ví dụ, Coca-cola và Pepsi đã tạo thành một nhóm chiến lược trên thị trường đồ uống có ga.

Từ việc phát hiện ra những nhóm chiến lược, doanh nghiệp có thể có những ý tưởng quan trọng. Một doanh nghiệp nào đó có thể dễ dàng xâm nhập vào một nhóm chiến lược nào đó hơn các doanh nghiệp ở nhóm chiến lược khác.

Đặc điểm

Mặc dù trong nội bộ từng nhóm chiến lược luôn cạnh tranh với nhau một cách tương đối khốc liệt nhưng khi cần, họ vẫn thường liên kết với nhau để cạnh tranh với các nhóm chiến lược khác. 

Thực sự là, các doanh nghiệp trong nhóm chiến lược cạnh tranh mạnh mẽ với nhau nhưng lại rất dễ bị tổn thương. Ví dụ, Cocacola và Pepsi cạnh tranh với nhau về quảng cáo, sử dụng hình ảnh định vị chống lại nhau, nhưng họ không thích cạnh tranh với nhau về giá, bởi vì họ đã trải qua nhiều cuộc chiến về giá và gây tổn thất cho họ. 

Điều này tạo nên những thương hiệu lớn nhưng dễ bị tấn công bởi các thương hiệu có giá thấp hơn. 

Các nhóm chiến lược thường có ý đồ thôn tính thị trường của nhau, điều này đặc biệt quan trọng khi khách hàng không thấy có sự khác biệt rõ nét giữa các sản phẩm được đem ra chào bán. Rõ ràng, trong kinh doanh, bao giờ các doanh nghiệp và cả các nhóm chiến lược cũng đều muốn mở rộng phạm vi thị trường của mình. 

Để thực hiện được điều này, các doanh nghiệp cần có những thông tin chi tiết về từng đối thủ cạnh tranh như thông tin về chất lượng sản phẩm, tính năng và danh mục sản phẩm của đối thủ, chính sách giá, phạm vi phân phối, chính sách bán hàng và quảng cáo, hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, khả năng cung ứng của đối thủ...

Tất nhiên, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thuộc các nhóm chiến lược khác nhau phụ thuộc các rào cản thâm nhập nhóm và các yếu tố địa lí và lịch sử.

Nhà quản trị marketing có thể lập bảng so sánh từng biến số cụ thể của marketing - mix giữa doanh nghiệp với tất cả các đối thủ cạnh tranh chính trên thị trường để xác định các biện pháp marketing của các doanh nghiệp giống và khác nhau như thế nào trong mức độ đáp ứng khách hàng.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Thanh Hoa