|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nhánh văn hóa là gì? Cách phân định

12:18 | 08/09/2019
Chia sẻ
Nhánh văn hoá được hiểu như là một nhóm khác biệt tồn tại trong một nền văn hoá, xã hội rộng lớn và phức tạp hơn, những thành viên của nhánh văn hoá có hành vi đặc trưng.
ag2rlamondiale-culture-branches-infographie-arbre

Hình minh hoạ (Nguồn: markomilacic)

Nhánh văn hóa

Khái niệm

Nhánh văn hóa tạm dịch sang tiếng Anh là culture branches.

Nhánh văn hoá được hiểu như là một nhóm khác biệt tồn tại trong một nền văn hoá, xã hội rộng lớn và phức tạp hơn, những thành viên của nhánh văn hoá có hành vi đặc trưng, các hành vi này bắt nguồn từ những niềm tin, giá trị, phong tục riêng, khác với các thành viên khác của xã hội.

Phân định

Có nhiều quan điểm khác nhau trong việc phân định các nhánh văn hoá trong một nền văn hoá do hình thành nhiều tiêu chuẩn phân chia nhánh văn hoá khác nhau. 

Một số tiêu thức phân chia nhánh văn hoá được các tác giả hiện nay thừa nhận là dựa trên địa lí, chủng tộc - dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, một số tiêu thức khác đang còn có nhiều ý kiến khác nhau đó là dựa trên cơ sở tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp.

Nhánh văn hoá ở Việt Nam và các nước trên thế giới

- Việt Nam

Xét trên khía cạnh dân tộc, người Việt Nam có những niềm tin, những giá trị, những phong tục tập quán được chia sẻ chung bởi tất cả các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. 

Tuy nhiên trong 54 dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, mỗi dân tộc lại có những đặc trưng, giá trị, truyền thống, chuẩn mực riêng; chúng ta gọi đây là các nhánh văn hoá theo dân tộc của Việt Nam. 

Trên góc độ địa lí có thể thấy Việt Nam được chia thành ba miền (Bắc – Trung – Nam) và cư dân sống ở mỗi miền cũng có những đặc trưng riêng trong hành vi tiêu dùng cũng như trong các giá trị văn hoá khác.

- Thế giới

Các nền văn hoá trên thế giới thường có sự giao lưu, giao thoa và tiếp biến văn hoá mạnh mẽ với nhau tạo nên các nhánh văn hoá khác biệt và đặc trưng. 

Nền văn hoá Mỹ là một ví dụ. Mỹ còn được gọi là hợp chủng quốc Hoa Kỳ, sự hình thành của nó bắt nguồn từ rất nhiều nhánh văn hoá khác nhau mà những người di cư sang Mỹ mang đến từ nền văn hoá bản địa của họ. Sự khác biệt này làm cho thị trường Mỹ rất phong phú về nhu cầu và hành vi tiêu dùng. 

Các doanh nghiệp Mỹ cũng như các doanh nghiệp nước ngoài làm kinh doanh tại thị trường Mỹ đều phải chú ý đến sự khác biệt giữa các nhánh văn hoá để có thể đưa ra các chính sách marketing phù hợp. 

Phân tích đặc điểm của các nhánh văn hoá trong một nền văn hoá đem lại rất nhiều thông tin quan trọng cho hoạt động marketing của doanh nghiệp.

Từ việc phát hiện những đặc điểm chung và riêng có về nhu cầu, hành vi của thị trường mục tiêu đến việc thiết kế đặc điểm sản phẩm, nhãn hiệu, bao gói, xây dựng kênh phân phối, phương thức phân phối phù hợp đến việc xây dựng chính sách truyền thông, xúc tiến tối ưu tác động vào thị trường mục tiêu có đặc điểm văn hoá riêng.

Một số nhánh văn hoá tiêu biểu của Việt Nam

Con người với một nguồn gốc dân tộc thường cấu thành một nhánh văn hoá. Sự phân biệt này là thay đổi thường xuyên bởi ngôn ngữ và giọng nói, màu da. Dấu hiệu nhận dạng về dân tộc được hình thành từ khi sinh ra và ít có khả năng thay đổi. 

Nhánh văn hoá này thường có một số đặc trưng cơ bản sau:

- Họ có chung nguồn gốc từ một hoặc một số dòng họ

- Họ có khuynh hướng cư trú tại một địa phương

- Họ có xu hướng lập gia đình trong nhóm

- Hành vi của các cá nhân trong một nhóm đối tượng khá thống nhất

Nếu coi Việt Nam là một nền văn hoá lớn thì trong nền văn hoá này sẽ có nhiều nhánh văn hoá nhỏ: Nhánh văn hoá của người Kinh, nhánh văn hoá của người Tày, nhánh văn hoá của người Thái, nhánh văn hoá của người Dao, người Khơ me v.v.. 

Còn nếu coi cả khu vực Đông Nam Á là một kiểu văn hoá thì Việt Nam có thể xem như một nhánh văn hoá. Có vô vàn cách tiếp cận nghiên cứu văn hoá Việt Nam và cũng có vô vàn những vấn đề cần nghiên cứu. 

Chúng ta chỉ giới hạn nghiên cứu vào một số đặc trưng gần gũi nhất với hành vi người tiêu dùng:

- Về nguồn gốc xuất xứ

Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc xuất xứ của dân tộc Việt Nam:

+ Nguồn gốc bản địa

+ Nguồn gốc cư dân trên các quần đảo Thái Bình Dương v.v..

Với những kết quả gần đây nhất, viện sĩ Trần Ngọc Thêm, một nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam có uy tín cho rằng, chủ thể văn hoá Việt Nam ra đời trong phạm vi của trung tâm hình thành loài người phía Đông và trong khu vực hình thành của đại chủng phương nam.

- Về tôn giáo

Tại Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều tôn giáo khác nhau, từ những nhánh tôn giáo phương Đông cổ đại đến phương Tây cận, hiện đại. Trong đó, phương Đông với ba tôn giáo chính là Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ, đặc biệt đối với cư dân đồng bằng bắc bộ. 

Sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa ba tôn giáo này hình thành một thứ "Đạo" giáo mới ảnh hưởng đến đời sống tâm linh cũng như sinh hoạt hàng ngày của chúng ta đó là Đạo gia tiên thờ cúng ông bà, tổ tiên.

Các nhánh Kitô giáo cũng đã thâm nhập vào Việt Nam từ nhiều thế kỉ trước đây cũng đã và đang phát triển mạnh mẽ và làm phong phù đời sống tinh thần của xã hội. 

Xét về số lượng có khoảng 10% dân số Việt Nam theo các nhánh khác nhau của Kitô giáo. Ngoài ra còn một số tôn giáo khác như Bà la môn giáo, đạo Cao đài, Hoà Hảo ở một số tỉnh phía Nam. 

Mỗi một tôn giáo như vậy có ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin, hành vi tiêu dùng, quan niệm sống, đến phong tục, tập quán đối với những tín đồ của nó trong ăn uống, cưới xin, ma chay, trong cách hành lễ cũng như trong việc tiêu dùng những sản phẩm dịch vụ thông thường.

(Tài liệu tham khảo: Hành vi mua của khách hàng, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)

Diệu Nhi