|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Người lao động trí óc là ai? Đặc điểm và động cơ làm việc

10:54 | 06/04/2020
Chia sẻ
Người lao động trí óc là nhóm nhân viên có mức lương trung bình cao hơn, làm công việc có tay nghề cao, nhưng không phải lao động thủ công.
Người lao động trí óc là ai? Đặc điểm và động cơ làm việc - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Pinterest)

Người lao động trí óc

Khái niệm

Người lao động trí óc trong tiếng Anh gọi là: White-collar worker.

Người lao động trí óc thuộc nhóm nhân viên được biết đến với mức lương trung bình cao hơn, và làm công việc có tay nghề cao, nhưng không phải lao động thủ công. Người lao động trí óc vốn gắn với hình ảnh "áo sơ mi và cà vạt", làm các công việc văn phòng và quản lí, và không "làm bẩn tay". (Theo Investopedia)

Đặc điểm lao động trí óc 

Người lao động trí óc chủ yếu làm việc bằng đầu óc chứ không nặng về cơ bắp như lao động chân tay, họ có điều kiện để tiếp cận với văn hoá, công nghệ và tri thức nhân loại nên họ có điều kiện sáng tạo; họ đòi hỏi phải có sự dân chủ và bình đẳng cao trong xã hội; họ xem nhẹ nhưng vẫn dễ dàng cảm thông với lao động chân tay. 

Lao động của người lao động trí óc chủ yếu bằng thông tin nghề nghiệp, nên họ dễ có những tư tưởng chấp nhận các suy nghĩ mới. Họ dễ bị chi phối bởi người có trí tuệ cao hơn họ. 

Một số người, nhất là những người trẻ tuổi thường sống rất thực dụng, ít gắn bó với nơi công tác của mình, dễ thay đổi công việc, thích làm việc ở những nơi có điều kiện tốt và có thu nhập cao. 

Động cơ làm việc của lao động trí óc 

- Động cơ kinh tế 

Người lao động trí óc cũng giống như người khác, họ làm việc trước hết vì nhu cầu thu nhập kinh tế, để tạo dựng cho bản thân và gia đình một cuộc sống vật chất và tiện nghi cao.

- Động cơ thay đổi, thăng tiến 

Người lao động trí óc còn làm việc vì tâm huyết nghề nghiệp, vì sở thích chuyên môn mà họ đeo đuổi và vì các khát vọng tìm tòi sáng tạo để đóng góp cao cho cộng đồng, cho doanh nghiệp. 

Người lao động trí óc còn làm việc vì danh tiếng cá nhân, doanh nghiệp; vì trật tự, kỉ cương nơi công tác và vì mong muốn được phát triển và thành đạt. 

- Động cơ quán tính, thói quen 

Người lao động trí óc còn làm việc vì thói quen quán tính, đó là những con người bình thường, họ thấy mọi người làm như thế nào thì mình cũng phải làm thế để nuôi sống gia đình. 

- Động cơ đố kị 

Cũng có một số người lao động trí óc trong những giai đoạn nào đó của cuộc đời, họ làm việc chỉ vì cạnh tranh để mà tồn tại. Họ sẵn sàng công phá, kìm hãm những người khác. 

- Động cơ lương tâm, trách nhiệm 

Có những người lao động trí óc chân chính làm việc vì động cơ tiến bộ và mưu cầu hạnh phúc chung cho nhân loại; họ làm việc với một tầm nhìn sâu sắc và một bản chất nhân đạo cao.

Nhìn chung người lao động trí óc làm việc vì cả một tổ hợp rất nhiều động cơ khác nhau đã nêu. 

Người lao động trí óc là một tầng lớp dân cư quan trọng của mỗi xã hội; họ gắn bó với cuộc sống của dân tộc và họ chịu tác động to lớn của sự hưng thịnh chung của xã hội, của các đặc điểm truyền thống của dân tộc mà các nhà quản lí kinh tế phải coi trọng và tận dụng. 

Tương ứng với các đặc điểm tâm lí và động cơ làm việc nói trên, để quản lí người lao động trí óc cũng phải sử dụng tổng hợp các phương pháp quản lí kinh tế, hành chính, giáo dục, vận động; nhưng phải tuỳ điều kiện cụ thể của từng đối tượng mà lựa chọn hình thức thực hiện.

(Tài liệu tham khảo: Tâm lí học lãnh đạo và quản lí, PGS.TS. Đỗ Thị Hải Hà, Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)

Tuyết Nhi