Người giao nhận hàng không (Air Freight Forwarder) là ai?
Người giao nhận hàng không (Air Freight Forwarder) (Nguồn: Yusen Logistics)
Người giao nhận hàng không (Air Freight Forwarder)
Người giao nhận hàng không - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Air Freight Forwarder.
Người giao nhận hàng không là người giao nhận, gom hàng, vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Người giao nhận hàng không bên cạnh việc thực hiện chức năng giao nhận hàng hóa còn đồng thời có thể là người chuyên chở hàng hóa bằng phương thức vận tải hàng không.
Người giao nhận hàng không có thể là đại lí hàng hoá hàng không của IATA hoặc không phải đại lí.
Nhiệm vụ của người giao nhận hàng không
Ngoài các dịch vụ như đại lí hàng hoá hàng không, người giao nhận hàng không còn phải cung cấp các dịch vụ sau đây:
Gom hàng
Người giao nhận gom những lô hàng nhỏ của người gửi hàng có cùng nơi đến thành những lô hàng lớn để gửi cho hãng hàng không trên một vận đơn. Đại lí của anh ta tại nơi đến sẽ nhận hàng và phân phối cho từng ngời nhận. Người này gọi là đại lí phân phối hàng lẻ (Break Bulk Agent).
Bằng việc gom hàng, người giao nhận được hưởng giá cước thấp từ hãng hàng không. Khoản tiền chênh lệch này, người giao nhận cũng dành cho người gửi hàng một phần bằng cách thu cước theo giá thấp hơn mức cước mà người gửi hàng trực tiếp gửi hàng với hãng hàng không.
Khi gom hàng, người giao nhận sẽ cấp vận đơn của riêng mình là vận đơn gom hàng (House AWB).
Dịch vụ đối với hàng xuất khẩu
+ Theo dõi quá trình vận chuyển của hàng hoá, kể cả việc chuyển tải, tiếp gửi và giao hàng tại nơi đến cuối cùng.
+ Cung cấp các lô hàng lớn cho việc thuê cả chuyến máy bay.
+ Ghi kí mã hiệu hàng hoá.
+ Xếp hàng vào container để giao cho hãng hàng không...
Dịch vụ đối với hàng nhập khẩu
+ Lo liệu việc giao hàng lẻ cho người nhận.
+ Làm thủ tục hải quan và giao hàng.
+ Cấp tiền để trả thuế nhập khẩu và hải quan.
+ Lập chứng từ để tái xuất...
Trách nhiệm của người giao nhận hàng không kể từ khi nhận hàng từ hãng hàng không đến khi giao hàng cho người nhập khẩu trong nội địa. (Theo Giáo trình Thương vụ Vận tải, NXB Giao thông Vận tải)