Nghiệp vụ tín dụng (Credit operations) là gì? Các loại hình tín dụng chủ yếu
Hình minh họa (Nguồn: Credit.com)
Nghiệp vụ tín dụng (Credit operations)
Nghiệp vụ tín dụng - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Credit operations.
Nghiệp vụ tín dụng là nghiệp vụ trong các hoạt động cho vay, chiết khấu, bảo lãnh và cho thuê tài chính, trong đó, hoạt động cho vay được xem là hoạt động sinh lời chủ yếu của các ngân hàng trung gian nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Một số loại hình tín dụng chủ yếu
Hoạt động cho vay trong tín dụng ngân hàng rất đa dạng và phong phú. Sau đây là một số loại hình tín dụng chủ yếu.
Cho vay ứng trước
Cho vay ứng trước là hình thức cho vay trong đó ngân hàng cung cấp cho người đi vay một khoản tiền vay nhất định để sử dụng trước. Người đi vay chỉ phải trả lãi vào lúc hoàn trả vốn gốc. Cho vay ứng trước có hai loại:
- Cho vay ứng trước có bảo đảm: Là cho vay có bảo đảm bằng việc thế chấp, cầm cố tài sản hoặc có sự bảo lãnh.
- Cho vay ứng trước không có bảo đảm: Là cho vay chỉ dựa vào uy tín của khách hàng đối với Ngân hàng mà không cần có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc sự bảo lãnh. Do vậy gọi là cho vay tín chấp.
Cho vay theo hạn mức
Là hình thức cho vay trong đó ngân hàng và khách hàng thỏa thuận trước số tiền tối đa (gọi là hạn mức tín dụng) mà khách hàng được vay từ ngân hàng trong một khoảng thời gian nhất định.
Sau khi đã thỏa thuận về hạn mức tín dụng, khách hàng có thể vay làm nhiều lần trong khoảng thời gian thỏa thuận mà không phải làm đơn xin vay với điều kiện tổng số tiền của các lần vay không vượt quá hạn mức tín dụng.
Hình thức cho vay này thường được áp dụng với khách hàng có nhu cầu vay vốn thường xuyên.
Cho vay thấu chi
Là hình thức cấp tín dụng ứng trước đặc biệt trong đó Ngân hàng cho phép khách hàng chi vượt quá số tiền dư trên tài khoản vãng lai trong một hạn mức và thời hạn nhất định trên cơ sở hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với khách hàng.
Cho vay chiết khấu
Là cho vay dưới hình thức ngân hàng thương mại mua lại các thương phiếu chưa đến hạn trả tiền với giá thấp hơn số tiền ghi trên thương phiếu. Khi đến hạn, ngân hàng sẽ đòi toàn bộ số tiền ghi trên thương phiếu ở người trả tiền thương phiếu. Phần lãi của ngân hàng chính là chênh lệch giữa giá mua và số tiền ghi trên thương phiếu.
Tín dụng ủy thác thu hay bao thanh toán (Factoring)
Là nghiệp vụ trong đó công ty "factor" - công ty con của ngân hàng - cam kết mua lại các khoản thanh toán chưa tới hạn phát sinh từ những hoạt động xuất khẩu, cung ứng hàng hóa và dịch vụ với giá chiết khấu. Các khoản nợ này thường là ngắn hạn (từ 30 đến 120 ngày).
Tín dụng thuê mua (Leasing)
Còn được gọi là tín dụng thuê mua, là hình thức tín dụng trung, dài hạn được thực hiện thông qua việc cho thuê tài sản như máy móc, thiết bị, các động sản và các bất động sản khác.
Ngân hàng sẽ dùng vốn của mình để mua tài sản theo yêu cầu của người thuê và nắm giữ quyền sở hữu đối với tài sản cho thuê.
Tín dụng bằng chữ kí (bảo lãnh)
Là hình thức tín dụng trong đó ngân hàng không trực tiếp cho khách hàng vay bằng tiền nhưng bằng uy tín (chữ kí) của mình, ngân hàng tạo điều kiện để khách hàng sử dụng vốn vay của người khác và đảm bảo thanh toán hộ khách hàng. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)