|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Ngân hàng phát hành (Issuing Bank) trong hoạt động thanh toán quốc tế là gì?

10:09 | 04/09/2019
Chia sẻ
Ngân hàng phát hành (tiếng Anh: Issuing Bank) trong hoạt động thanh toán quốc tế là ngân hàng thực hiện phát hành L/C theo đơn của Người yêu cầu, nghĩa là nó đã cấp tín dụng cho Người yêu cầu.
d

Hình minh họa (Nguồn: Chargebacks911)

Ngân hàng Phát hành (Issuing Bank)

Ngân hàng Phát hành - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Issuing Bank hoặc Opening Bank.

Ngân hàng Phát hành trong hoạt động thanh toán quốc tế là ngân hàng thực hiện phát hành L/C theo đơn của Người yêu cầu, nghĩa là nó đã cấp tín dụng cho Người yêu cầu. 

Ngân hàng Phát hành thường được hai bên mua bán thỏa thuận và qui định trong hợp đồng. Nếu không có sự thỏa thuận trước, thì nhà Nhập khẩu được phép tự chọn Ngân hàng Phát hành

Ngân hàng Phát hành còn được gọi là ngân hàng mở (Opening Bank). (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)

L/C có giá trị tại Ngân hàng Phát hành (available with Issuing Bank)

f

Qui trình nghiệp vụ L/C có giá trị tại Ngân hàng Phát hành

Chú thích:

(1) Hai bên mua bán kí kết hợp đồng ngoại thương với điều khoản thanh toán theo phương thức L/C.

(2) Căn cứ các điều khoản và điều kiện của hợp đồng ngoại thương, nhà Nhập khẩu làm đơn gửi đến ngân hàng phục vụ mình, yêu cầu ngân hàng này phát hành một L/C cho nhà Xuất khẩu hưởng.

(3) Căn cứ vào đơn mở L/C, nếu đồng ý, Ngân hàng Phát hành lập L/C và thông qua ngân hàng đại lí hoặc chi nhánh của mình ở nước nhà Xuất khẩu để thông báo L/C cho nhà Xuất khẩu.

(4) Khi nhận được L/C, Ngân hàng Thông báo thông báo L/C cho nhà Xuất khẩu.

(5) Nhà Xuất khẩu kiểm tra L/C, nếu phù hợp với hợp đồng đã kí thì tiến hành giao hàng, nếu không phù hợp thì đề nghị sửa đổi, bổ sung L/C cho phù hợp với hợp đồng ngoại thương.

(6) và (6') Sau khi giao hàng, nhà Xuất khẩu lập bộ chứng từ theo yêu cầu của L/C và xuất trình (thông qua Ngân hàng Thông báo hoặc một ngân hàng khác) cho Ngân hàng Phát hành để được thanh toán.

(7) Ngân hàng Phát hành sau khi kiểm tra bộ chứng từ, nếu thấy xuất trình phù hợp thì tiến hành thanh toán; nếu thấy không phù hợp thì từ chối thanh toán và gửi trả lại toàn bộ và nguyên vẹn bộ chứng từ cho nhà Xuất khẩu.

(8) Ngân hàng Phát hành đòi tiền nhà Nhập khẩu và chuyển bộ chứng từ cho nhà Nhập khẩu sau khi đã nhận được tiền hoặc chấp nhận thanh toán.

Ghi chú:

Việc thể hiện hai ngân hàng là Ngân hàng Thông báo và Ngân hàng chuyển chứng từ trong sơ đồ trên không có nghĩa là hai ngân hàng này phải hoàn toàn khác nhau, mà nhằm mục đích làm rõ: 

1. Nghiệp vụ thông báo L/C và việc chuyển chứng từ thanh toán là hai nghiệp vụ độc lập với nhau. Nghĩa là Ngân hàng Thông báo L/C không nhất thiết đồng thời phải là ngân hàng chuyển chứng từ.

2. Trong thực tế, Ngân hàng Thông báo L/C thường đồng thời là ngân hàng chuyển chứng từ thanh toán.

L/C có giá trị trực tiếp tại Ngân hàng Phát hành có hạn chế rất lớn ở chỗ, việc quyết định bộ chứng từ có phù hợp hay không chỉ được diễn ra tại Ngân hàng Phát hành, làm hạn chế đáng kể khả năng của nhà Xuất khẩu trong việc tu chỉnh, thay thế, bổ sung chứng từ, khiến cho bộ chứng từ bị từ chối thanh toán là rất cao, làm cho vai trò là công cụ thanh toán của L/C trở nên không hiệu quả.

Hơn nữa, nhà Xuất khẩu sẽ thu được tiền chậm và khó khăn trong việc tìm nguồn tài trợ cho bộ chứng từ. Do có hạn chế, nên loại L/C này ít dùng, thay vào đó, loại L/C có giá trị tại Ngân hàng được Chỉ định dùng phổ biến. 

(Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)

Khai Hoan Chu