|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình thay đổi của Kurt Lewin (Kurt Lewin's Change Model) là gì?

11:15 | 03/01/2020
Chia sẻ
Mô hình thay đổi của Kurt Lewin (tiếng Anh: Kurt Lewin's Change Model) là một mô hình biểu diễn quá trình thay đổi của tổ chức: tạo ra nhận thức rằng cần phải thay đổi, chuyển sang cấp độ hành vi mới, củng cố hành vi mới thành chuẩn mực.
Mô hình thay đổi của Kurt Lewin (Kurt Lewin's Change Model) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa

Mô hình thay đổi của Kurt Lewin

Khái niệm

Mô hình thay đổi của Kurt Lewin trong tiếng Anh là Kurt Lewin's Change Model.

Mô hình thay đổi của Kurt Lewin gồm có ba bước: phá vỡ sự đông cứng (của hiện trạng), thay đổi, tái đông cứng. Đây là một mô hình rất đơn giản và thực tế để hiểu quá trình thay đổi của tổ chức.

Đối với Lewin, quá trình thay đổi đòi hỏi phải tạo ra nhận thức rằng cần phải thay đổi, sau đó chuyển sang cấp độ hành vi mới, và cuối cùng, củng cố hành vi mới đó thành chuẩn mực.

Ngày nay, mô hình thay đổi của Kurt Lewin vẫn được sử dụng rộng rãi và làm cơ sở cho nhiều mô hình thay đổi hiện đại.

Các bước trong mô hình thay đổi của Kurt Lewin 

1. Phá vỡ sự đông cứng

Vì nhiều người sẽ chống lại sự thay đổi, mục tiêu của giai đoạn này là tạo ra nhận thức rằng tình trạng hiện tại đang cản trở sự phát triển của tổ chức. Các hành vi, cách suy nghĩ, quy trình, con người và cấu trúc tổ chức cũ đều phải được kiểm tra, xem xét cẩn thận để cho nhân viên thấy sự cần thiết phải thay đổi đối với tổ chức để tạo ra hoặc duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường. 

Giao tiếp đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này, để nhân viên được thông báo về sự thay đổi sắp xảy ra, lí do của sự thay đổi và những lợi ích chúng sẽ mang lại cho mỗi nhân viên. Lí do là vì là càng biết nhiều về một thay đổi, con người sẽ càng cảm thấy sự cần thiết và cấp bách của nó, và càng có động lực để chấp nhận thay đổi.

2. Thay đổi

Lewin nhận ra rằng thay đổi là một quá trình trong đó tổ chức phải chuyển đổi hoặc chuyển sang trạng thái mới. Đây là lúc sự thay đổi trở thành hiện thực. Do đó, đây cũng là thời gian mà hầu hết mọi người đấu tranh với thực tế mới. Đây là khoảng thời gian đầy những sự không chắc chắn và sợ hãi, và do đó là bước khó thực hiện nhất. 

Trong bước thay đổi, mọi người bắt đầu tìm hiểu các hành vi, qui trình và cách suy nghĩ mới. Trong suốt quá trình này, nhân viên nên được nhắc nhở về các lí do cho sự thay đổi và cách chúng sẽ đem đến lợi ích cho họ sau khi thực hiện đầy đủ.

3. Tái đông cứng

Lewin gọi giai đoạn cuối của mô hình thay đổi của mình là đóng băng, nhưng nhiều người gọi nó là tái đông cứng để tượng trưng cho việc củng cố và ổn định trạng thái mới sau khi thay đổi. 

Lewin nhận thấy bước này là đặc biệt quan trọng để đảm bảo rằng mọi người không quay trở lại lối suy nghĩ cũ hoặc cách làm cũ trước khi thực hiện thay đổi. 

Tổ chức phải nỗ lực để đảm bảo sự thay đổi không bị biến mất; thay vào đó, nó cần phải được gắn kết vào văn hóa của tổ chức và được duy trì như là cách suy nghĩ hoặc hành vi được chấp nhận. 

Tổ chức thường sử dụng phần thưởng để khen thưởng cho những nỗ lực cá nhân để củng cố trạng thái mới; vì tin rằng mọi người có xu hướng lặp lại những hành vi nhận được phản hồi tích cực.

(Theo study.com)

Giang