|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tám bước thay đổi của Kotter (Kotter's 8-Step Change Model) là gì?

11:19 | 12/12/2019
Chia sẻ
Tám bước thay đổi của Kotter (tiếng Anh: Kotter's 8-Step Change Model) là một cách tiếp cận có hệ thống để đạt được thay đổi thành công và bền vững thông qua việc chia quá trình thay đổi thành tám bước.
Tám bước thay đổi của Kotter (Kotter's Eight Phases of Change) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: thevoyageteam.com)

Tám bước thay đổi của Kotter

Tám bước thay đổi của Kotter trong tiếng Anh là Kotter's 8-Step Change Model.

Tám bước thay đổi của Kotter là một cách tiếp cận có hệ thống để đạt được thay đổi thành công và bền vững thông qua việc chia quá trình thay đổi thành tám bước.

Kotter nhận ra rằng những sai lầm thường gặp trong quá trình thay đổi là:

- Cho phép tự bằng lòng quá nhiều;

- Không tạo được liên minh bền vững;

- Đánh giá thấp sự cần thiết của một sứ mệnh rõ ràng;

- Không truyền tải rõ ràng sứ mệnh;

- Chấp nhận rào cản;

- Không tạo được những thắng lợi ngắn hạn;

- Tuyên bố thành công quá sớm;

- Không gắn liền thay đổi với văn hóa công ty.

Kotter cho rằng những sai sót này có thể tránh được nếu hiểu rõ vì sao tổ chức thay đổi và các bước cần có để tạo ra thay đổi đó.

Áp dụng tám bước thay đổi của Kotter

Kotter nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trải qua cả tám bước, các bước bao gồm:

1. Tạo nên tính cấp bách

Khi phải đối phó với sự tự mãn, cần loại bỏ những dấu hiệu an toàn giả tạo. Nhà quản lí cần đảm bảo rằng những người thích hợp nhạy cảm trước tình trạng khẩn cấp do khủng hoảng và họ đồng ý rằng thực hiện công việc như thường lệ không còn là lựa chọn hợp lí nữa.

2. Thành lập nhóm dẫn đường

Một liên minh dẫn đường mạnh cần thiết cho việc tạo ra thay đổi trong tổ chức. Các thành viên trong nhóm này cần nhận ra giá trị của thay đổi được định trước và phải chia sẻ lòng tin, sự cam kết. Hơn thế, họ phải có tín nhiệm, kĩ năng, quan hệ, danh tiếng và quyền hạn chính thức để dẫn dắt thay đổi.

3. Phát triển tầm nhìn và chiến lược

Tầm nhìn là một cấu thành trọng tâm trong việc dẫn dắt thay đổi. Nó là cầu nối giữa tình trạng hiện tại và tương lai, tạo ra nhận thức về định hướng và các nỗ lực điều chỉnh đồng hướng. Những tầm nhìn tốt nhất là có thể cảm nhận, rõ ràng, đơn giản, gây phấn chấn và phù hợp tình huống.

4. Truyền đạt tầm nhìn thay đổi

Truyền đạt tầm nhìn tới bất cứ ai có liên quan rất quan trọng nếu mọi người đều phải nắm bắt và cam kết theo đuổi sự thay đổi. Truyền đạt tầm nhìn không phù hợp và thông điệp không nhất quán là hai cạm bẫy chính ngăn cản thay đổi thành công.

5. Trao quyền cho nhân viên

Liên minh dẫn đường cần loại bỏ mọi rào cản có thể gắn chặt trong các qui trình, cơ cấu của tổ chức hoặc tồn tại trong nhận thức của nhân viên. Điều này cho phép mọi người đều tham gia vào nỗ lực thay đổi.

6. Tạo ra những thắng lợi ngắn hạn

Thay đổi có thể cần thời gian và công sức đáng kể. Vì vậy, mọi người cần được động viên và hậu thuẫn bằng cách tạo ra những thắng lợi ngắn hạn. Những thắng lợi này cần rõ ràng, được nhiều người biết tới và liên quan mật thiết tới các nỗ lực thay đổi.

7. Củng cố lợi nhuận và tạo ra nhiều thay đổi hơn

Xây dựng động lực bằng cách củng cố các thành tựu, sử dụng chúng như những viên gạch lát đường tới thắng lợi to lớn hơn, cho phép mọi người tạo thêm các hoạt động mới liên quan tới sứ mệnh đang dẫn dắt thay đổi.

8. Gắn liền cách tiếp cận mới với văn hóa công ty

Sau khi tạo ra thay đổi hiệu quả, những người lãnh đạo phải làm cho thay đổi trở thành cố định và ngăn không để mọi việc lại trở lại như cũ. Kotter cho rằng chìa khóa thực sự để bảo toàn thay đổi nằm trong tự thân việc thay đổi văn hóa công ty, thông qua sự nhất quán trong hành động thành công qua một giai đoạn chín muồi.

(Tài liệu tham khảo: Những mô hình quản trị kinh điển, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Đức Nhượng