|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình giao dịch 'một cửa' (One Stop Trading Model) tại ngân hàng là gì?

15:46 | 11/10/2019
Chia sẻ
Mô hình giao dịch 'một cửa' (tiếng Anh: One Stop Trading Model) là mô hình cho phép khách hàng khi đến giao dịch với ngân hàng chỉ giao dịch với một cán bộ ngân hàng vẫn có thể giải quyết toàn bộ các nhu cầu của mình.

mô hình giao dịch một cửa

Hình minh họa (Nguồn: 24hsata)

Mô hình giao dịch ''một cửa" (One Stop Trading Model)

Khái niệm

Mô hình giao dịch ''một cửa" trong tiếng Anh gọi là One Stop Trading Model.

Mô hình giao dịch "một cửa" là mô hình cho phép khách hàng khi đến giao dịch với ngân hàng chỉ giao dịch với một cán bộ ngân hàng vẫn có thể giải quyết toàn bộ các nhu cầu của mình về tiền gửi, thanh toán, mua bán ngoại tệ, tiền vay... 

Cán bộ ngân hàng tiếp khách trong mô hình giao dịch "một cửa" gọi là giao dịch viên vừa làm nhiệm vụ kế toán viên, vừa là thủ quĩ thực hiện thu, chi tiền và có hạn mức thu, chi tiền, hạn mức xử lí nghiệp vụ (đối với nghiệp vụ cho vay, mua bán ngoại tệ...) phù hợp với trình độ, kinh nghiệm làm việc của mình. 

Đối với giao dịch trong hạn mức, giao dịch viên kiểm tra chứng từ, thực hiện giao dịch và thu, chi tiền của khách hàng ngay. Đối với dịch trên hạn mức, giao dịch viên cần phải có kiểm soát viên phi nghiệp vụ kiểm tra, đối chiếu và phê duyệt trên hệ thống máy tính cũng như trên chứng từ trước khi thực hiện thu chi tiền của khách hàng.

Qui trình giao dịch trong mô hình giao dịch "một cửa"

(1) Giao dịch viên ứng quĩ đầu ngày và nộp quỹ cuối ngày.

(2) Khách hàng yêu cầu giao dịch.

(3) Giao dịch viên thực hiện chi (thu) tiền mặt cho khách hàng 

(4) Giao dịch viên chuyền chứng từ cho bộ phận kiểm soát khi vượt quyền giao dịch

(5) Kiểm soát chuyển chứng từ sau khi kiểm soát cho giao dịch viên. 

(6) Giao dịch viên trả tiền (Thu) cho khách hàng.

(7) Giao dịch viên ứng quĩ đầu ngày và nộp quỹ cuối ngày.

Đồng thời với mô hình giao dịch "một cửa", tổ chức bộ máy kế toán tại chi nhánh thay đổi mô hình thành hai khu vực: Khu vực Front End và khu vực Back End. Khu vực Front End thực hiện giao dịch trực tiếp với khách hàng, xử lí các giao dịch liên quan để giải phóng khách hàng nhanh. 

Toàn bộ các phần công việc còn lại để hoàn thiện qui trình xử lí nghiệp vụ sẽ được thực hiện tại bộ phận Back End. 

Khu vực Back End là khu vực hỗ trợ xử lí các nghiệp vụ, phần hành công việc không liên quan trực tiếp đến tài khoản khách hàng, nhận toàn bộ các chứng từ liên quan đến công việc nội bộ và thực hiện các công việc đối chiếu chi tiết và tổng hợp.

(Tài liệu tham khảo, Sách chuyên khảo Kế toán Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Tài Chính)

Thanh Hoa