|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tín dụng đen (Usury) là gì? Phân biệt tín dụng đen và vay tín chấp

11:24 | 09/10/2019
Chia sẻ
Tín dụng đen hay còn gọi là cho vay nặng lãi (tiếng Anh: Usury) tín dụng phi chính thức, nằm ngoài khuôn khổ hoạt động của hệ thống ngân hàng và không tuân theo các qui định của pháp luật về hoạt động tín dụng, ngân hàng.
tín dụng đen

Tín dụng đen

Khái niệm

Tín dụng đen hay thường được gọi là cho vay nặng lãi trong tiếng Anh là usury.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đen được hiểu là các tổ chức, cá nhân có hoạt động cho vay không được cấp phép của Ngân hàng Nhà nước có lãi suất rất cao so với qui định, hay còn gọi là cho vay nặng lãi. Còn theo cơ quan công an, tín dụng đen có hai biểu hiện chính là lãi suất cao gắn với hoạt động của các băng nhóm tội phạm và vi phạm pháp luật. (Theo Quochoi.vn)

Như vậy, có thể hiểu tín dụng đen là tín dụng phi chính thức, nằm ngoài khuôn khổ hoạt động của hệ thống ngân hàng và không tuân theo các qui định của pháp luật về hoạt động tín dụng, ngân hàng.

Hoạt động của tín dụng đen

Khác với công ty tài chính cũng cho vay tín chấp với lãi suất rất cao nhưng có những ràng buộc nhất định như người vay phải chứng minh được thu nhập, có công ăn việc làm, có mục đích sử dụng vốn rõ ràng, với món vay lớn như mua xe máy họ cũng nắm giấy tờ xe của người vay, thì tín dụng đen chỉ cần biết nhà cửa của con nợ là có thể cho vay. 

Họ không cần biết người vay sử dụng tiền làm gì cũng như thu nhập có đủ để trả nợ hay không. Trong thực tế, những người tìm đến tín dụng đen hầu hết là người nghèo, người không có tài sản thế chấp, người có nhu cầu cần gấp một khoản tiền nào đó nhưng không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. 

Thủ tục cho vay của các đường dây tín dụng đen khá đơn giản, tiện lợi nhưng ẩn chứa trong đó không ít chiêu lừa bịp mà người vay nợ không dễ dàng phát hiện. Hệ quả của vay nóng không chỉ là lãi suất "cắt cổ", mà còn có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khác như bị cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích,... (Theo Giáo trình Lý thuyết tài chính - tiền tệ, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)

Những bất cập

Do qui định pháp luật hiện nay chưa rõ ràng nên các đối tượng cho vay dạng tín dụng đen dễ dàng lách bằng nhiều cách.

Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 qui định, để khép tội người cho vay nặng lãi cần nhiều yếu tố, gồm: Cho vay lãi suất gấp 05 lần mức 20%/năm trở lên; Thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Khi có đủ 02 yếu tố này, người cho vay nặng lãi mới bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm…

Để đối phó với qui định của pháp luật hòng thoát tội, người cho vay nặng lãi thường thỏa thuận với người vay về việc chỉ ghi trên Giấy vay nợ lãi suất theo qui định, trong khi lãi suất cho vay trong thực tế cao hơn rất nhiều. Khi đó, người vay cũng không thể có căn cứ để tố cáo.

Đồng thời, hoạt động tín dụng đen cũng thường hoạt động trá hình dưới hình thức các cơ sở kinh doanh, buôn bán được pháp luật công nhận như cầm đồ…

Phân biệt tín dụng đen và vay tín chấp 

Tín dụng đen và vay tín chấp đều là hình thức cho vay nhanh, thủ tục nhanh gọn và đơn giản, đáp ứng nhu cầu dùng ngay của khách hàng. Tuy nhiên, chúng có sự khác biệt rất lớn cả về tính chất lẫn cách thức giải quyết hợp đồng.

Dưới đây là bảng so sánh sự khác nhau giữa tín dụng đen và vay tín chấp để khách hàng có cái nhìn tổng quát về 2 hình thức vay vốn này.

Vay tín chấp

Tín dụng đen

Ảnh hưởng

Là sản phẩm hỗ trợ bơm tiền ra thị trường, kiểm soát dòng tài chính, điều tiết kinh tế.

Gây ra sự bất thường cho dòng lưu thông tiền tệ, tạo ra các con nợ, gián tiếp gây mất cân bằng xã hội.

Chủ thể cho vay

Ngân hàng, các tổ chức tín dụng và công ty tài chính uy tín được cấp phép của nhà nước.

Cá nhân hay một nhóm người không được cấp phép.

Thủ tục

Nhanh gọn, đơn giản, thời gian giải ngân từ 30 phút đến 3 ngày.

Rất nhanh, thường giải ngân mất 10 - 30 phút.

Phương thức kí kết hợp đồng

Hợp đồng đi kèm các điều khoản rõ ràng.

Thường thỏa thuận bằng 1 bản hợp đồng, có khi thỏa thuận bằng miệng.

Lãi suất trong hợp đồng

Dao động từ 20 - 35%/năm

Rất cao, khoảng 108 - 360%/năm.

Hình thức xử lý vi phạm cam kết

Theo đúng trong hợp đồng và khuôn khổ pháp luật nhà nước Việt Nam.

Xử theo luật giang hồ, có riêng đội chuyên đi đòi nợ thuê.

 (Theo thebank.vn)

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.