|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vụ án BIDV: Duyệt cho công ty mới thành lập vay tín chấp hàng nghìn tỉ nuôi bò, mất khả năng thu hồi hơn 680 tỉ đồng

18:01 | 01/04/2020
Chia sẻ
Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa công bố bản kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), CTCP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại du lịch Trung Dũng, hàng loạt sai phạm đã được chỉ ra.

Trong đó có hành vi vi phạm qui định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng trong việc BIDV cấp tín dụng cho Công ty Chăn nuôi Bình Hà.

Ngân hàng dùng người không có năng lực, lợi dụng chính sách nông nghiệp

Theo cơ quan điều tra, ngay từ thời điểm tháng 3/2015, ông Trần Bắc Hà lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT BIDV, trực tiếp làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh để xúc tiến đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương dự án chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh, cấp đất và áp dụng chính sách ưu đãi cho liên danh giữa công ty "sân sau" là CTCP Tập đoàn An Phú (do con ông Hà là Trần Duy Tùng thành lập) với CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai dưới sự bảo trợ vốn của BIDV.

Nhưng sau đó ông Trần Bắc Hà lại dùng ba cá nhân không có năng lực tài chính và không có kinh nghiệm chăn nuôi bò để thành lập Công ty Bình Hà vào ngày 10/4/2015 với số vốn điều lệ đăng kí là 200 tỉ đồng; cơ cấu cổ đông công ty Bình Hà gồm Đinh Văn Dũng nắm 45%; Trần Anh Quang nắm 30% và Thái Thành Vinh nắm 25% cổ phần. 

Dự án nuôi bò được lập vào tháng 4/2015 với tổng mức đầu tư 4.223 tỉ đồng, qui mô dự kiến 150 ngàn con bò/năm để xin vay vốn tại BIDV thực hiện dự án.

Cơ quan điều tra xác định, dù công ty Bình Hà là công ty mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh, thuộc doanh nghiệp chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng theo tiêu chuẩn của BIDV; vốn tự có và tài sản bảo đảm không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo chính sách tín dụng của BIDV; hồ sơ pháp lý của dự án chưa đầy đủ; chưa đánh giá hết phương án kinh doanh và phương án trả nợ khi dự án không hiệu quả.

Mặc dù đã đánh giá và thẩm định dự án xác định có 8 yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng tới hiệu quả của dự án nhưng ông Trần Bắc Hà lợi dụng vị trí Chủ tịch BIDV và lợi dụng chủ trương của Chính phủ, NHNN về chương trình cho vay trong nông nghiệp, trong khi Công ty Bình Hà cũng chưa được UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị và NHNN đưa vào diện đối tượng được cho vay thí điểm, ông Trần Bắc Hà vẫn chỉ đạo BIDV CN Hà Tĩnh, các phòng ban và HĐQT BIDV thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng và giải ngân cho Công ty Bình Hà.

Từ 18/8/2015 đến 6/11/2017, BIDV đã giải ngân cho Công ty Bình Hà tổng cộng 2.687 tỉ đồng, với các điều kiện ưu đã về vốn tự có và tài sản bảo đảm. Tổng dư nợ đến thời điểm cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án (tháng 11/2018) của Công ty Bình Hà tại BIDV là hơn 1.459 tỉ đồng, trong đó số dư nợ không có khả năng thu hồi là hơn 890 tỉ đồng.

Duyệt vay với vốn tự có chỉ 16,2%, dùng chính nguồn vốn BIDV để góp vốn điều lệ

Cơ quan điều tra nêu, BIDV Hội sở và BIDV CN Hà Tĩnh có các sai phạm khi phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà. Cụ thể, vốn tự có đối với khoản vay đầu tư dài hạn là 23,2%/tổng vốn đầu tư dài hạn và tài sản bảo đảm với khoản vay dài hạn là toàn bộ tài sản hình thành sau đầu tư của dự án. 

Vốn tự có đối với khoản vay đầu tư ngắn hạn là 16,2%/tổng vốn đầu tư ngắn hạn và biện pháp bảo đảm là thế chấp nguồn tiền của dự án và đàn bò vỗ béo về cơ bản cũng chính là thế chấp tài sản hình thành tư dự án. Do đó việc cho vay vốn lưu động chủ yếu là tín chấp.

Bên cạnh việc BIDV cho Công ty Bình Hà vay với điều kiện ưu đãi về vốn tự có/vốn đối ứng như trên, ba cổ đông của Công ty Bình Hà do chưa đủ năng lực tài chính đã thực hiện chiếm đoạt tiền BIDV cho Công ty Bình Hà vay để dùng chính tiền đó góp vốn trở lại vào Công ty Bình Hà nhằm mục đích chứng minh vốn đối ứng để BIDV tiếp tục giải ngân. 

Thông qua việc Công ty Bình Hà giải ngân cho các nhà thầu và chiếm đoạt tiền bán bò, ba cổ đông lấy tiền để góp vốn điều lệ cho Công ty Bình Hà. 

BIDV CN Hà Tĩnh được hội sở chỉ đạo làm đầu mối cho vay, giải ngân, kiểm tra việc sử dụng vốn vay đảm bảo Công ty Bình Hà sử dụng vốn đúng mục đích, để Đinh Văn Dũng, TGĐ Công ty Bình Hà (giai đoạn từ tháng 4/2015-tháng 10/2016), Trần Anh Quang, TGĐ công ty Bình Hà (giai đoạn từ tháng 10/2016 đến nay) câu kết với đối tác ký hợp đồng để nhận lại và chiếm đoạt 20% tổng giá trị hợp đồng BIDV giải ngân cho Công ty Bình Hà vay, để tạm ứng và thanh toán cho các nhà thầu và chiếm đoạt tiền bán bò, để nộp tiền góp vốn, chứng minh vốn đối ứng để tiếp tục được BIDV giải ngân; gây thiệt hại hơn 890 tỉ đồng.

Quá trình điều tra đến nay, BIDV phối hợp với cơ quan điều tra thu hồi thêm hơn 207 tỉ đồng nên tổng dư nợ gốc của Công ty Bình Hà hiện còn hơn 1.252 tỉ đồng và số tiền không có khả năng thu hồi là hơn 683 tỉ đồng.

Cơ quan Điều tra cũng chỉ ra trách nhiệm của cán bộ tín dụng khi thẩm định dự án đầu tư. Cụ thể, việc BIDV phê duyệt phương án kinh doanh, trả nợ của Công ty Bình Hà từ việc nhập trực tiếp bò giống, bò thịt từ Úc, nhập cỏ voi Pakchong từ Thái Lan để làm thức ăn cho bò; trong khi Công ty Bình Hà chưa đủ điều kiện nhập khẩu, phải nhập khẩu bò Úc thông qua HAGL, dẫn đến tăng chi phí kinh doanh.

Ngoài ra, giống cỏ voi Pakchong trồng tại dự án Bình Hà không hiệu quả, do tình trạng sương muối dẫn đến cỏ không phát triển héo chết, hoặc có phát triển thì năng suất không cao, chất lượng dinh dưỡng không đảm bảo để bò có thể tăng trưởng, dẫn đến chi phí thức ăn tăng.

Bên cạnh đó, quá trình thẩm định dự án chưa tính đến chi phí môi giới, vận chuyển và sự hao hụt trọng lượng bò trong quá trình vận chuyển khi mua bò từ HAGL, bán bò cho các lò mổ chủ yếu tại Hà Nội, làm giảm hiệu quả kinh tế và tăng chi phí; là nguyên nhân dẫn đến việc kinh doanh bị thua lỗ nặng.

Hoàng Trung

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.