8 con nợ tại BIDV được chuyển cho Cơ quan Thanh tra giám sát là ai?
Nội dung trên được Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Bộ Công an đề cập trong bản kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), CTCP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại du lịch Trung Dũng.
Bên cạnh các sai phạm trong việc BIDV cho vay đối với Công ty Bình Hà và Trung Dũng, cơ quan điều tra còn mở rộng điều tra vụ án trong việc ngân hàng cấp tín dụng cho Công ty Phú Sơn và nhiều công ty khác.
Theo đó để giải quyết triệt để các nội dung có liên quan, cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định chuyển vụ việc BIDV và Agribank phê duyệt cho vay và giải ngân cho Công ty Phú Sơn và 7 công ty có dư nợ lớn tại BIDV, cho Cơ quan Thanh tra Giám sát của Ngân hàng Nhà nước quản lí, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thu hồi nợ và xử lí tài sản đảm bảo, cùng các khoản cấp tín dụng khác đã được nêu tại Kết luận thanh tra 3571 ngày 20/10/2017 của Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, đây là các công ty có thực trạng hoạt động không hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng hoạt động, không có doanh thu; quá trình cho vay BIDV có nhiều sai phạm, nhưng hiện tại BIDV vẫn đôn đốc thu hồi nợ và xử lí tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay.
Trên cơ sở kết quả xử lí, thu hồi nợ, nếu Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN xác định có sai phạm và thiệt hại, có dấu hiệu tội phạm hình sự, đề nghị chuyển Cơ quan Điều tra để điều tra, xử lí theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, 8 công ty có dư nợ lớn tại BIDV được cơ quan điều tra nêu ra gồm:
Công ty Cổ phần Xi măng Phú Sơn: BIDV Hội sở và CN Đông Đô cấp tín dụng cho CTCP Xi măng Phú Sơn, đến nay còn dư nợ 10,6 triệu EUR (tương đương 283 tỉ đồng). Theo Cơ quan Điều tra, quá trình điều tra đến nay tuy đã tiến hành nhiều biện pháp điều tra nhưng vẫn gặp một số khó khăn trong việc thu thập tài liệu chứng cứ do Công ty Phú Sơn đã ngừng hoạt động từ năm 2012
Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex): Dư nợ tại BIDV là hơn 1.837 tỉ đồng. Công ty cũng có dư nợ tại 7 tổ chức tín dụng khác là hơn 3.350 tỉ đồng, gồm Vietinbank hơn 1.234 tỉ đồng; VIB 224 tỉ đồng; MB 224 tỉ đồng; Oceanbank 336 tỉ đồng; PVCombank 1.059 tỉ đồng; VRB 155 tỉ đồng; The Siam Commerical Bank 114 tỉ đồng. Hiện công ty này đã ngừng hoạt động, không có khả năng trả nợ cho BIDV.
Công ty cổ phần Bò sữa Tây Nguyên: Dư nợ tại BIDV là hơn 355 tỉ đồng, công ty này đã được cơ cấu nợ nhiều lần.
Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico): Dư nợ tại BIDV là hơn 723 tỉ đồng. Công ty còn có dư nợ tại 4 tổ chức tín dụng khác là hơn 2.588 tỉ đồng, trong đó Sacombank là 262 tỉ đồng; VPbank là hơn 1.781 tỉ đồng; NCB 300 tỉ và TPBank gần 544 tỉ đồng.
CTCP Tập đoàn Khải Vy: Dư nợ tại BIDV là hơn 412 tỉ đồng; dư nợ tại 1 tổ chức tín dụng khác là hơn 423 tỉ đồng (Ngân hàng Bảo Việt).
Công ty cổ phần Thuận Thảo - Nam Sài Gòn: Dư nợ tại BIDV là 230 tỉ đồng, công ty này đã được cơ cấu nợ nhiều lần nhưng vẫn không trả được nợ.
Công ty cổ phần Tiến Phước và 990: Dư nợ tại BIDV là hơn 1.823 tỉ đồng. Dư nợ tại 4 tổ chức tín dụng khác là hơn 273 tỉ đồng (Vietinbank hơn 157 tỉ đồng; Ngân hàng Bảo Việt hơn 116 tỉ đồng).
Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi: Dư nợ tại BIDV là 350 tỉ đồng, hiện vẫn còn tài sản đảm bảo và đang trong giai đoạn tái cơ cấu.