Sự nghiệp đồ sộ của con trai ông Trần Bắc Hà trước khi bị truy nã quốc tế
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 12 bị can về các tội danh liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Nam (BIDV - Mã: BIDV) và Công ty CP chăn nuôi Bình Hà, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trung Dũng.
Trong đó, đáng chú ý cái tên Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV. Theo cơ quan điều tra, ông Tùng đã chiếm đoạt gây thiệt hại cho BIDV gần 150 tỉ đồng. Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã trong nước và quốc tế đối với bị can này.
Ngoài thân thế khủng, ông Trần Duy Tùng (sinh năm 1985) cũng từng được biết đến là doanh nhân trẻ tuổi lừng lẫy ở Bình Định với sự nghiệp kinh doanh đồ sồ, khiến nhiều người phải ngã mũ thán phục.
Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn An Phú
Ông Trần Duy Tùng là thành viên sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phú, doanh nghiệp đã đứng ra nhận nợ 129 tỉ đồng, đến nay đã hoàn trả bớt nên thiệt hại trong vụ BIDV của ông Tùng chỉ còn 26 tỉ đồng.
Tập đoàn An Phú được thành lập năm 2009, hiện có vốn điều lệ 200 tỉ đồng; từng tham gia đầu tư nhiều dự án lớn tại Bình Định như Dự án như Khu đô thị thương mại An Phú, Dự án quần thể du lịch khu vực chùa Linh Phong. Ngoài ra, An Phú còn đầu tư dự án trung tâm thương mại tại Lào, dự án nuôi bò thịt tại Hà Tĩnh và dự án thay đổi hệ thống đèn LED có tổng mức đầu tư hàng trăm triệu USD.
Đáng chú ý trong đó, Dự án nuôi bò thịt tại Hà Tĩnh có tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 4.223 tỉ đồng với qui mô 150.000 con bò/năm trên diện tích hơn 6.000 ha. Đây là dự án được hợp tác ban đầu bởi Tập đoàn An Phú, CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) và BIDV, tuy nhiên sau đó thuộc sở hữu của CTCP Chăn nuôi Bình Hà.
Năm 2014, Tập đoàn An Phú cùng các cổ đông gồm CTCP Tập đoàn Đầu tư IPA, Công ty TNHH Vạn Lợi và ông Nguyễn Cao Bằng đã mua lại toàn bộ cổ phần tại Dự án Khu liên hợp gang thép tại Khu công nghiệp Thanh Bình tại Bắc Kạn với nỗ lực hồi sinh dự án này. Trong đó, An Phú góp vốn 51%.
Tuy nhiên, do tranh chấp trong nội bộ cổ đông của chủ đầu tư và các vấn đề liên quan đến năng lực tài chính, đến năm 2015, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đã ra quyết định rút giấy phép đầu tư dự án. Hiện, các công việc liên quan đến hoàn trả khu mặt bằng có tổng diện tích hơn 17ha vẫn chưa được hoàn tất.
Tập đoàn An Phú cũng từng gây sự chú ý với dự án Khu phức hợp Khách sạn, Thương mại và Căn hộ cao cấp Thiên Hưng trên khu đất vàng K200 tại TP Quy Nhơn, diện tích hơn 10.000 m2. Dự án được liên danh bởi Tập đoàn An Phú, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng và một "tập đoàn lớn" với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 2.900 tỉ đồng.
Thiên Hưng là công ty thuộc sở hữu của bà Trần Lan Phương, con gái ông Trần Bắc Hà, được thành lập năm 2014 với vốn điều lệ 300 tỉ đồng.
Cả Thiên Hưng và Tập đoàn An Phú đều có trụ sở chính tại Số 1 đường Hàn Mặc Tử, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Đây cũng chính là Resort Hoàng Gia Quy Nhơn 4 sao thuộc sở hữu của Công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn, do vợ ông Trần Bắc Hà là bà Ngô Kim Lan chủ sở hữu.
Cả ba công ty này đều bị điều tra hồ sơ nhà đất trong vụ án liên quan ông Trần Bắc Hà.
Tuy nhiên, do doanh nghiệp vi phạm cam kết từ phía chủ đầu tư nên đến năm 2018 khu đất K200 đã được thu hồi. UBND tỉnh Bình Định sau đó đã điều chỉnh chức năng và chuẩn bị đấu giá, hiện đã có Công ty TNHH HANA E&C (Hàn Quốc) mong muốn đầu tư dự án khách sạn 5 sao với tổng vốn đầu tư 150 triệu USD.
Về phía Tập đoàn An Phú và Thiên Hưng, sau khi bị thu hồi dự án trên, đã bổ sung thêm một loạt ngành nghề kinh doanh liên quan đến các hoạt động nông nghiệp như trồng cây, chăn nuôi hay bán buôn thực phẩm.
Trong danh sách nợ thuế tại tỉnh Bình Định đến ngày 31/3/2019, Tập đoàn An Phú đứng thứ hai với số nợ hơn 13,5 tỉ đồng.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Souk Houng Hueng
Ngoài Tập đoàn An Phú, ông Trần Duy Tùng còn được biết đến là Tổng giám đốc Công ty TNHH Souk Houng Hueng, theo nguồn tin từ VietnamFinance. Công ty này được thành lập vào ngày 13/5/2014, có địa chỉ tại bản Xangkhu, huyện Xaythani, thành phố Viêng Chăn, Lào.
Souk Houng Hueng hoạt động trong lĩnh vực trồng cây ăn quả công nghệ cao dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào (AVIL). Hiệp hội này trước đây do ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch.
Souk Houng Hueng cũng nắm giữ 10% cổ phần tại Ngân hàng Lào - Việt, tương ứng với số tiền góp vốn 216 tỉ đồng. Trong khi, BIDV nắm 65% và Ngân hàng Ngoại thương Lào Đại chúng sở hữu 25% vốn điều lệ.
Vào cuối năm 2017, ông Trần Bắc Hà, trên tư cách Chủ tịch AVIL và ông Trần Duy Tùng, Tổng Giám đốc Souk Houng Heang, đã trực tiếp thư tuyển dụng tới nhiều trường đại học để đăng tuyển hàng nghìn kĩ sư, lao động kĩ thuật, sinh viên cho các dự án phát triển cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại Lào.
Đây là một phần trong kế hoạch triển khai siêu dự án nông nghiệp công nghệ cao của Souk Houng Heang tại Lào, nguồn lực tài chính của dự án được tài trợ phần lớn bởi BIDV và LaoVietBank.
Thành viên HĐQT Cảng Quy Nhơn
Ngoài ra, ông Trần Duy Tùng cũng từng có thời gian ngắn đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT của CTCP Cảng Quy Nhơn.
Cụ thể, ông Tùng được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT Cảng Quy Nhơn vào tháng 7/2017 thay cho ông Trần Tuấn Nghĩa. Tuy nhiên, đến ngày 22/9/2017, ông Tùng đã bất ngờ gửi đơn xin từ chức thành viên HĐQT Cảng Quy Nhơn sau khi xuất hiện tin đồn về việc ông Trần Bắc Hà bị bắt.
Cảng Quy Nhơn là cảng biển trọng điểm ở khu vực miền Trung, trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt nam (Vinalines) sở hữu 98,02%, còn lại 1,82% là do cổ đông cá nhân trong nước nắm giữ.
Cảng Quy Nhơn bắt đầu thực hiện cổ phần hóa từ năm 2013 và hoàn thành vào năm 2015; trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành trở thành cổ đông lớn nhất, có lúc nắm giữ đến 86,23% vốn.
Cuối năm 2016, một số cựu lãnh đạo tỉnh và cán bộ hưu trí tỉnh Bình Định có đơn tố cáo việc cổ phần hóa 100% cảng Quy Nhơn có dấu hiệu thất thoát tài sản Nhà nước.
Vào tháng 4-2017, Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.
Đến tháng 5/2019, Vinalines lại tiếp nhận lại hơn 30,3 triệu cổ phần Cảng Quy Nhơn (75,01% vốn điều lệ) từ Hợp Thành với tổng giá trị 404 tỉ đồng.
Cảng Quy Nhơn cũng nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/