|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lời nguyền tài nguyên (Resource Curse) là gì? Bản chất của lời nguyền tài nguyên

18:12 | 20/09/2019
Chia sẻ
Lời nguyền tài nguyên (tiếng Anh: Resource Curse) là thuật ngữ chỉ tình huống nghịch lí mà một quốc gia phải gánh chịu khi có lượng tài nguyên thiên nhiên dồi dào nhưng lại có tăng trưởng kinh tế trì trệ.
9e3fca340db9cf4c26e0b01643382ca5

Hình minh họa. Nguồn: oilprice.com

Lời nguyền tài nguyên 

Khái niệm

Lời nguyền tài nguyên trong tiếng Anh là Resource Curse.

Lời nguyền tài nguyên là một tình huống nghịch lí trong đó các quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào phải chịu sự trì trệ trong tăng trưởng kinh tế hoặc thậm chí suy thoái. 

Lời nguyền tài nguyên xảy ra khi một quốc gia tập trung mọi phương tiện sản xuất của mình vào một ngành công nghiệp duy nhất, chẳng hạn như khai thác mỏ và bỏ qua việc đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng khác.

Kết quả là nước này trở nên quá phụ thuộc vào giá cả hàng hóa và tổng sản phẩm quốc nội biến động rất mạnh. Ngoài ra, tình trạng tham nhũng thường xuyên diễn ra nếu quốc gia này không có luật tài nguyên và chế độ phân phối thu nhập phù hợp, dẫn đến tới các qui định không công bằng.

Lời nguyền tài nguyên thường xảy ra ở các thị trường mới nổi sau khi quốc gia này phát hiện một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn. 

Bản chất của lời nguyền tài nguyên

Thông thường các rắc rối của lời nguyền tài nguyên nảy sinh ở các nước kém phát triển với các ngành công nghiệp tương đối tập trung và chưa được phân hóa. Khi phát hiện một nguồn tài nguyên thiên nhiên mới, vốn đầu tư sẵn có có xu hướng đổ dồn vào ngành công nghiệp này. 

Ngành công nghiệp mới trở thành một nguồn tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế do nó tạo ra việc làm và nguồn thu nhập khả dụng mới.

Lời nguyền bắt nguồn từ việc ngành công nghiệp mới đang mang lại sự thịnh vượng kinh tế này bắt đầu tác động tiêu cực đến các bộ phận khác của nền kinh tế với việc chuyển hướng mọi phương tiện sản xuất và nguồn vốn đầu tư sẵn có cho chính nó.

Sự tập trung vốn, lao động và các nguồn lực kinh tế cho một ngành duy nhất có thể khiến các quốc gia dễ bị tổn thương khi ngành công nghiệp đó gặp suy thoái. Các quốc gia có nền kinh tế đa dạng hơn có xu hướng vượt qua các chu kì kinh tế tốt hơn so với các quốc gia có nền kinh tế tập trung.

Trường hợp này đặc biệt đúng với các nước sản xuất dầu như Nga,  Saudi Arabia và Venezuela.  Saudi Arabia gần đây đã công bố một kế hoạch kinh tế mới có tên Saudi Vision 2030 nhằm đa dạng hóa nền kinh tế , thoát khỏi sự lệ thuộc vào ngành công nghiệp dầu mỏ và phá vỡ lời nguyền tài nguyên.

Thuật ngữ liên quan

Một thuật ngữ thường được chỉ ra khi nhắc đến lời nguyền tài nguyên là "căn bệnh Hà Lan", là tình trạng xảy ra ở Hà Lan sau khi nước này một phát hiện lượng khí đốt tự nhiên lớn. Các bước của bệnh Hà Lan bao gồm:

1. Một quốc gia tìm thấy trữ lượng tài nguyên thiên nhiên dồi dào 

2. Nền kinh tế bắt đầu tập trung vào ngành công nghiệp thu nhập cao này

3. Lao động có tay nghề từ các ngành khác chuyển sang lĩnh vực tài nguyên  

4. Tiền lương cao hơn khiến đồng tiền quốc gia trở nên kém cạnh tranh

5. Các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, bắt đầu bị ảnh hưởng

Cả căn bệnh Hà Lan và lời nguyền tài nguyên đều có tác động nghịch lí đối với nền kinh tế chung của một nước sau khi phát hiện trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn.

(Theo investopedia)

Hằng Hà