Kinh tế tài nguyên và môi trường (Environmental and Resource Economics) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: framboisechocolatandco)
Kinh tế tài nguyên và môi trường
Khái niệm
Kinh tế tài nguyên và môi trường trong tiếng Anh gọi là: Environmental and Resource Economics.
Kinh tế tài nguyên và môi trường là một môn khoa học nghiên cứu vận dụng các quo luật phát triển kinh tế vào việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường khỏi sự suy thoái.
Các nhà kinh tế cổ điển cho rằng nền kinh tế là một hệ thống gồm những tổ chức và các hoạt động nhằm phân bố sao cho hiệu quả các tài nguyên khan hiếm để thỏa mãn nhu cầu và ước muốn của con người.
Các mô hình kinh tế cổ điển không nói gì đến tương quan kinh tế – môi trường. Nền kinh tế được coi như là một hệ thống khép kín (xem hình 1).
Mô hình kinh tế cổ điển được xây dựng dựa trên các giả thuyết sau:
- a) Không có chính quyền
- b) Tất cả thu nhập được chi tiêu
- c) Không có mậu dịch quốc tế
- d) Hệ thống kín tự túc
Hình 1: Nền kinh tế khép kín
Trong thực tế, nền kinh tế là một hệ thống mở và vận động theo đường vòng tròn.
Để hoạt động (tức là để cung cấp hàng hóa, dịch vụ hay của cải cho con người), nền kinh tế phải khai thác tài nguyên (nguyên liệu và nhiên liệu) từ môi trường, chế biến những tài nguyên này (biến chúng thành những sản phẩm hoàn chỉnh để tiêu thụ).
Và thải trở lại môi trường chung quanh một khối lượng lớn những tài nguyên bị hao mòn hoặc/và đã qua quá trình biến đổi hóa học (thành những chất thải).
Quan hệ giữa kinh tế và môi trường
Mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường được thể hiện dưới dạng mô hình cân bằng vật chất, dựa trên cơ sở nhiệt động lực học.
- Qui luật nhiệt động lực học thứ I: Hoạt động kinh tế là một quá trình chuyển đổi vật chất và năng lượng.
- Qui luật nhiệt động lực học thứ II: Không thể nào có khả năng thu hồi (tái sinh) 100% những sản phẩm phế thải để đưa vào lại chu trình tài nguyên.
Bản chất đa chức năng của tài nguyên môi trường
Môi trường có 3 chức năng và dịch vụ cơ bản có giá trị về mặt kinh tế:
– Cung cấp tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo và không tái tạo: các tài nguyên này cung cấp nơi ở, thức ăn, vật liệu làm công cụ cho sản xuất sản phẩm tiêu dùng;
– Tạo ra không gian sống, phục vụ con người với những cảnh quan thiên nhiên để thưởng thức về mặt thẩm mĩ, vui chơi giải trí, đem lại niềm vui tinh thần;
– Hấp thụ chất thải,
Ba chức năng này được coi là ba thành phần của một chức năng tổng quát của môi trường đó là: Một hệ thống hỗ trợ sự sống.
Các chức năng này đều có giá trị kinh tế nhưng trên thực tế, do không nhận ra các giá trị này nên các hàng hóa và dịch vụ môi trường thường không có giá cả thị trường dẫn đến việc chúng ta thường lạm dụng tài nguyên môi trường.
Các tài nguyên môi trường ngày càng khan hiếm, do đó cần tiến hành phân tích kinh tế, lập những chiến lược để giảm bớt hậu quả của quá trình đó.
Cần có sự cân bằng giữa quyền lợi của những người sử dụng trực tiếp (như một nguồn nguyên liệu hay bãi đổ chất thải) và những người sử dụng gián tiếp (thưởng thức cảnh quan) hay giữa thế hệ hiện tại và thế hệ tương lai.
Lí thuyết kinh tế chứng minh rằng với một số giả định nhất định khi không có các ngoại tác, cơ chế thị trường có khả năng thực hiện phân phối tài nguyên một cách có hiệu quả. Khi xuất hiện các ngoại tác hay hàng công cộng cần được phân phối, thị trường sẽ bị thất bại.
(Tài liệu tham khảo: Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, TS. Lê Ngọc Uyển- TS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh- ThS Hoàng Đinh Thảo Vy, Đại Học Mở TP. Hồ Chí Minh)