|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Khan hiếm (Scarcity) là gì? Chi phí cơ hội

23:39 | 08/09/2019
Chia sẻ
Khan hiếm (tiếng Anh: Scarcity) là tình trạng hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn lực không đủ so với mong muốn hay nhu cầu.
earth-hour

Hình minh hoạ (Nguồn: bridgei2i)

Khan hiếm

Khái niệm

Khan hiếm trong tiếng Anh được gọi là scarcity.

Khan hiếm là tình trạng hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn lực không đủ so với mong muốn hay nhu cầu. 

Nguồn lực sản xuất là tất cả những yếu tố được sử dụng để sản xuất hàng hóa hay dịch vụ và có thể được gọi theo một tên khác là các yếu tố sản xuất. 

Nguồn lực đầu vào để sản xuất hàng hóa và dịch vụ được chia thành bốn nhóm: tài nguyên thiên nhiên, vốn, lao động và tiến bộ kĩ thuật - công nghệ.

Vấn đề khan hiếm

Nguồn lực là khan hiếm vì số lượng nguồn lực được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ là có hạn ngày một cạn kiệt. Chúng ta có thể thấy sự cạn kiệt tài nguyên khoáng sản, đất đai, lâm sản, hải sản,... 

Trong khi đó, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ là vô hạn, ngày càng tăng, càng đa dạng và phong phú, nhất là nhu cầu về chất lượng ngày càng cao. Chẳng hạn, nhu cầu về phương tiện đi lại của con người từ xe đạp đến xe máy, ô tô, máy bay... 

Do vậy, vấn đề lựa chọn kinh tế tối ưu ngày càng phải đặt ra một cách nghiêm túc, gay gắt và thực hiện một cách rất khó khăn.

Con người phải đối mặt với sự khan hiếm nguồn lực nên luôn phải lựa chọn tối ưu. Việc lựa chọn sẽ đưa con người vào sự đánh đổi – muốn sản xuất thêm một đơn vị hàng hóa này thì phải từ bỏ một lượng hàng hóa khác. Đây chính là chi phí cơ hội để sản xuất một hàng hóa. 

Chi phí cơ hội là giá trị của phương án tốt nhất bị bỏ qua khi thực hiện sự lựa chọn. Chi phí cơ hội luôn xuất hiện khi tình trạng khan hiếm nguồn lực xảy ra, vì khi đó người ta sẽ buộc phải đánh đổi, nếu tiến hành hoạt động này thì phải bỏ qua hoạt động khác. 

Chính vì vậy, khi đưa ra bất cứ sự lựa chọn kinh tế nào, chúng ta cũng phải cân nhắc, so sánh các phương án với nhau dựa theo chi phí cơ hội của các phương án đó với nguyên tắc chọn phương án có chi phí cơ hội là nhỏ nhất.

Ví dụ

Chi phí cơ hội của việc tự kinh doanh hay đi làm thuê, chi phí cơ hội của sản xuất ô tô và nhập khẩu ô tô,...

Chi phí cơ hội không phải là tổng giá trị các lựa chọn bị bỏ lỡ mà chỉ là giá trị của lựa chọn tốt nhất có thể, bởi vì người ta không thể nào cùng một lúc sử dụng nhiều lựa chọn thay thế được. 

Với nguồn lực khan hiếm thì năng lực sản xuất của toàn bộ nền kinh tế sẽ được biểu diễn như thế nào.

 (Tài liệu tham khảo: Tổng quan về kinh tế học vĩ mô, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica) 

Diệu Nhi