|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Sản xuất (Manufacturing) là gì? Khái niệm ngắn hạn và dài hạn trong sản xuất

20:14 | 06/09/2019
Chia sẻ
Sản xuất (tiếng Anh: Manufacturing) có thể hiểu đơn giản là quá trình biến đầu vào hay còn gọi là các yếu tố sản xuất thành các đầu ra (hay là sản phẩm).
Manufacturing

Hình minh hoạ (Nguồn: scoop)

Sản xuất

Khái niệm

Sản xuất hay sản xuất của cải vật chất trong tiếng Anh được gọi là manufacturing.

Sản xuất là hoạt động chủ yếu trong các hoạt động kinh tế của con người.

Sản xuất là quá trình làm ra sản phẩm để sử dụng hay để trao đổi trong thương mại. 

Quyết định sản xuất dựa vào những vấn đề chính sau: 

- Sản xuất cái gì? 

- Sản xuất như thế nào? 

- Sản xuất cho ai? 

- Giá thành sản xuất và làm thế nào để tối ưu hóa việc sử dụng và khai thác các nguồn lực cần thiết làm ra sản phẩm? 

Sản xuất có thể hiểu đơn giản là quá trình biến đầu vào hay còn gọi là các yếu tố sản xuất thành các đầu ra (hay là sản phẩm). 

Ví dụ: Để sản xuất quần áo, các doanh nghiệp phải sử dụng đầu vào như lao động, vải, kim, chỉ, máy may, cúc, kéo để sản xuất ra những bộ quần áo mùa hè, mùa đông, quần áo bảo hộ,...

Phân loại đầu vào

Chúng ta có thể chia đầu vào theo những tiêu thức chung nhất thành lao động, nguyên vật liệu và vốn. 

Trong đó, mỗi loại có thể được chia nhỏ hơn như: 

- Lao động bao gồm lao động lành nghề (thợ mộc, kĩ sư), lao động giản đơn (lao động nông nghiệp) và những nguồn lực kinh doanh của những nhà quản lí. 

- Nguyên liệu bao gồm thép, chất dẻo, điện, nước, bất kì hàng hóa nào hãng mua và chuyển chúng thành sản phẩm cuối cùng. 

- Vốn bao gồm nhà xưởng, thiết bị và hàng tồn kho.

Hàm sản xuất

Các yếu tố đầu vào không phải là độc lập mà có quan hệ với nhau. Mối quan hệ đó được mô tả bằng hàm sản xuất.

Hàm sản xuất là một mô hình toán học cho biết lượng đầu ra tối đa có thể thu được từ các tập hợp khác nhau của các yếu tố đầu vào tương ứng với một qui trình công nghệ nhất định. 

Chúng ta cần chú ý ở đây hàm sản xuất thể hiện các phương án hiệu quả về mặt kĩ thuật, nên lượng đầu ra được phản ánh là đầu ra tối đa. Ứng với mỗi trình độ công nghệ nhất định, sự kết hợp các yếu tố đầu vào khác nhau nên sẽ tương ứng vớI một hàm sản xuất khác nhau. 

Ví dụ, công nghệ hiện đại sẽ sử dụng ít lao động hơn; công nghệ giản đơn chưa có sự áp dụng máy móc, khoa học, kĩ thuật sẽ làm cho việc sử dụng lao động nhiều hơn.

Ngắn hạn và dài hạn trong sản xuất

Một điều hết sức quan trọng mà trong sản xuất phải phân biệt là khái niệm ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn và trong dài hạn có sự khác nhau về trình độ công nghệ sản xuất nên mức sản lượng sẽ khác nhau. 

Vậy ngắn hạn và dài hạn trong sản xuất được phân biệt theo tiêu thức nào?

- Ngắn hạn là khoảng thời gian mà trong đó ít nhất có một yếu tố đầu vào của sản xuất không thể thay đổI được. Yếu tố này được gọi là yếu tố cố định. 

Ví dụ, trong 2 năm đầu sản xuất, công ty may Tiến An đã đầu tư xây dựng nhà máy, mua nguyên vật liệu, thuê lao động để sản xuất quần áo xuất khẩu. 

Trong thờI gian này, công ty đã phải thuê thêm lao động trong những lúc có đơn hàng lớn và nguyên liệu phải mua liên tục mới đảm bảo sản xuất đầy đủ số lượng quần áo theo đơn đặt hàng. 

Tuy nhiên, cơ sở sản xuất, dây chuyền máy móc của Công ty vẫn chưa thay đổi. Như vậy, công ty may Tiến An đang sản xuất trong ngắn hạn.

- Dài hạn là khoảng thời gian cần để cho tất cả các đầu vào đều có thể thay đổi. 

Ví dụ, với công ty may Tiến An, khi hoạt động trên thị trường đã có nhiều uy tín và nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn. Với qui mô nhà xưởng thiết bị như hai năm trước là không đủ, công ty đã quyết định đầu tư thêm nhà máy sản xuất nữa. 

Như vậy, với khái niệm về dài hạn có thể khẳng định khi công ty thay đổi qui mô sản xuất, công ty đang sản xuất trong dài hạn.

Chú ý, phân biệt ngắn hạn và dài hạn không dựa vào khoảng thời gian cụ thể mà căn cứ vào sự thay đổi của các yếu tố đầu vào. 

Vì vậy, với mỗi ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau, thời gian được coi là ngắn hạn, dài hạn là khác nhau. Nó không đồng nhất với tất cả các hãng, doanh nghiệp.

(Tài liệu tham khảo: Lí thuyết về hành vi của doanh nghiệp, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)


Diệu Nhi