|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thu nhập quốc dân (National income) và thu nhập khả dụng (Disposable income) là gì?

14:40 | 08/09/2019
Chia sẻ
Tuy thu nhập quốc dân (tiếng Anh: National income) là chỉ tiêu phản ánh thu nhập từ tất cả các yếu tố của nền kinh tế, nhưng để dự đoán khả năng tiêu và tích lũy của dân cư phải dựa vào thu nhập khả dụng (tiếng Anh: Disposable income).
money_universal_basic_income

Hình minh hoạ (Nguồn: diem25)

Thu nhập quốc dân và thu nhập khả dụng

Khái niệm

Thu nhập quốc dân trong tiếng Anh được gọi là national income.

Thu nhập khả dụng hay thu nhập có thể sử dụng trong tiếng Anh được gọi là disposable income.

Thu nhập quốc dân là phần thu được khi lấy tổng sản phẩm quốc dân ròng (NNP) trừ đi phần thuế gián thu.

Thu nhập quốc dân phản ánh tổng thu nhập từ các yếu tố sản xuất: lao động, vốn, đất đai, tài nguyên, khả năng quản lí,... của nền kinh tế hay đồng thời cũng là thu nhập của tất cả các hộ gia đình (các cá nhân) trong nền kinh tế. 

Như vậy, khái niệm thu nhập quốc dân trùng hợp với khái niệm sản phẩm quốc dân ròng theo chi phí cho các yếu tố sản xuất.

Thu nhập khả dụng là phần thu nhập quốc dân còn lại sau khi các hộ gia đình nộp lại các loại thuế trực thu và nhận được các trợ cấp của Chính phủ hoặc doanh nghiệp.

Tuy thu nhập quốc dân là chỉ tiêu phản ánh thu nhập từ tất cả các yếu tố của nền kinh tế, do vậy đã phản ánh mức sống của dân cư. 

Nhưng để dự đoán khả năng tiêu và tích lũy của dân cư, Nhà nước phải dựa vào các chỉ tiêu trực tiếp hơn, tác động đến tiêu dùng và tích lũy. Đó là thu nhập có thể sử dụng.

Công thức

- Thu nhập quốc dân

Thu nhập quốc dân ròng cũng có thể tính bằng cách lấy tổng sản phẩm quốc dân trừ đi khấu hao và thuế gián thu.

Y = GNP - Khấu hao (Dp) - Thuế gián thu (Te) 

Hay Y = NNP - thuế gián thu (Te)

Trong đó: 

+ Y là thu nhập quốc dân ròng

+ NNP là tổng sản phẩm ròng quốc gia

+ Thuế gián thu: Thông thường đây được coi là những loại thuế đánh vào sản xuất kinh doanh hàng hóa và dịch vụ và do vậy, việc trả thuế chỉ là gián tiếp (người nộp thuế không phải là người chịu thuế mà thực chất là người tiêu dùng phải gánh chịu). 

Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế hải quan và thuế giá trị gia tăng là các ví dụ về thuế gián thu. Sự phân biệt giữa thuế trực thu và thuế gián thu là một sự phân biệt truyền thống trong tài chính công cộng. 

Tuy nhiên, sự phân biệt này không phải là một sự phân biệt hoàn toàn chặt chẽ, đồng thời cũng không phải là đặc biệt bổ ích theo quan điểm phân tích. 

Có một số ví dụ về thuế mà sự phân loại là không dễ dàng và sự phân biệt giữa chúng không phải là rất có ích theo quan điểm phân tích phạm vi ảnh hưởng.

+ Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu đánh vào phần thu nhập sau khi trừ các chi phí liên quan đến thu nhập của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

- Thu nhập có thể sử dụng

Thuế trực thu chủ yếu là các loại thuế đánh vào thu nhập do lao động; thu nhập do thừa kế tài sản của cha ông để lại, các loại đóng góp của cá nhân như bảo hiểm xã hội, lệ phí giao thông,...

Thu nhập của các hộ gia đình kinh doanh cá thể hay chung vốn cũng là một dạng thuế trực thu và phải trừ ra từ thu nhập quốc dân.

Tương tự các loại thuế lợi tức đánh vào các công ty cổ phần (công ty do nhiều người sở hữu) và phần lợi nhuận không chia của các công ty để lại để tích lũy tái sản xuất mở rộng, cũng không nằm trong thành phần của thu nhập có thể sử dụng (Yd).

Toàn bộ thu nhập có thể sử dụng (Yd) chỉ bao gồm thu nhập mà các hộ gia đình có thể tiêu dùng (C), và để dành hay tiết kiệm (S).

Ta có: Yd = C + S

(Tài liệu tham khảo: Đo lường các biến số kinh tế vĩ mô cơ bản, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)

Diệu Nhi