Lí thuyết về cung cầu vốn vay (Loanable funds theory) là gì?
Hình minh họa
Lí thuyết về cung cầu vốn vay (Loanable funds theory)
Định nghĩa
Lí thuyết về cung cầu vốn vay trong tiếng Anh là Loanable funds theory. Lí thuyết về cung cầu vốn vay là lí thuyết cho rằng lãi suất thị trường bị tác động bởi các yếu tố tác động tới cung và cầu của các món cho vay.
Lí thuyết về cung và cầu vốn vay thường được dùng để giải thích những biến động của lãi suất. Lí thuyết này cũng rất hữu ích để giải thích những biến động chung của lãi suất trong nền kinh tế.
Nội dung cơ bản của lí thuyết về cung cầu vốn vay
a. Xác định cung cầu vốn vay
- Cung vốn có được chủ yếu từ tiết kiệm của các hộ gia đình. Lượng cung vốn vay có mối quan hệ tỉ lệ thuận với lãi suất, do vậy đường cung vốn vay đi lên về bên phải trên đồ thị.
- Cầu vốn có được từ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, chính phủ và cũng từ nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình. Lượng cầu vốn vay có mỗi quan hệ tỉ lệ nghịch với lãi suất, nghĩa là lãi suất càng thấp thì giá khoản vay càng rẻ, doanh nghiệp sẽ có nhu cầu vay nhiều hơn và ngược lại.
Mối quan hệ tỉ lệ nghịch này được thể hiện qua đường cầu vốn đi xuống về bên phải trên đồ thị.
- Giao điểm của cung cầu vốn xác định lãi suất cân bằng thị trường.
b. Các yếu tố tác động tới cầu vốn vay
- Nhu cầu vay vốn của hộ gia đình: Các hộ gia đình thường có nhu cầu vay vốn để trang trải các chi phí mua nhà, ô tô, đồ dùng gia đình. Lượng cầu vốn vay của hộ gia đình có quan hệ tỉ lệ nghịch với lãi suất thị trường. Hình 8.1 thể hiện đường cầu lí thuyết về nhu cầu vay vốn của hộ gia đình.
- Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp: Doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để tài trợ mua sắm tài sản cố định và tài sản lưu động. Lượng cầu vốn vay của doanh nghiệp cũng có quan hệ tỉ lệ nghịch với lãi suất thị trường như trong hình 8.1.
Giáo trình Lí thuyết Tài chính tiền tệ, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân
- Nhu cầu vay vốn của Chính phủ:
Khi Chính phủ lập kế hoạch chi tiêu vượt quá nguồn thu của Chính phủ từ thuế và các nguồn thu khác, Chính phủ cần vay nợ trên thị trường để tài trợ cho các khỏan chi tiêu vượt quá đó.
Chính quyền các địa phương, các cơ quan của Chính phủ cũng có thể có nhu cầu vay nợ để tài trợ cho các chi phí thuộc phạm vi hoạt động của họ.
Khác với các nhu cầu vay vốn của hộ gia đình và doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn của Chính phủ được cho là không chịu ảnh hưởng của lãi suất, tức là đường cầu vốn thẳng đứng như trong Hình 8.2
Giáo trình Lí thuyết Tài chính tiền tệ, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân
- Nhu cầu vay nợ tổng hợp: Nhu cầu vay nợ trên thị trường được hình thành bằng cách tổng hợp nhu cầu vay nợ của ba đối đượng được phân tích ở trên và được thể hiện trong hình 8.3.
Giáo trình Lí thuyết Tài chính tiền tệ, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân
Lượng tổng cầu vay nợ trên thị trường cũng có đặc điểm có mối quan hệ tỉ lệ nghịch với lãi suất, tức là đường cầu vốn đi xuống về bên phải.
c. Cung các khoản vốn vay
Tổng lượng vốn được cung ứng trong nền kinh tế là lượng vốn được cung ứng từ các khu vực hộ gia đình, chính phủ, doanh nghiệp và lượng vốn được cung ứng bởi ngân hàng trung ương. Đường cung vốn tổng hợp dốc lên trên về bên phải, thể hiện lượng vốn được cung ứng ít nhạy cảm với thay đổi của lãi suất thị trường (Hình 8.4).
d. Lãi suất cân bằng thị trường
Giao điểm của đường cung vốn và cầu vốn xác định mức lãi suất cân bằng thị trường (Hình 8.5). Bất kì một yếu tố làm làm cho lãi suất lệch khỏi lãi suất cân bằng, đều làm cho người cho vay và người đi vay cạnh tranh nhau và đưa mức lãi suất trở về cân bằng.
e. Các yếu tố tác động tới lãi suất
- Tăng trưởng kinh tế
- Lạm phát
- Lượng cung tiền
- Thâm hụt ngân sách
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Lí thuyết Tài chính tiền tệ, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)