|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lí thuyết phần thưởng tính lỏng (Liquidity Premium Theory) là gì?

17:00 | 01/10/2019
Chia sẻ
Lí thuyết phần thưởng tính lỏng (tiếng Anh: Liquidity Premium Theory) cho rằng lãi suất của một công cụ nợ dài hạn sẽ bằng trung bình của những lãi suất ngắn hạn được trông đợi cộng với phần thưởng cho tính thanh khoản.

19bb7a0a44e8e9114df7518284b0798e

Hình minh họa (Nguồn: www.elama.net)

Lí thuyết phần thưởng tính lỏng (Liquidity Premium Theory)

Lí thuyết phần thưởng tính lỏng trong tiếng Anh là Liquidity Premium Theory.

Lí thuyết phần thưởng tính lỏng phát biểu rằng lãi suất của một công cụ nợ dài hạn sẽ bằng trung bình của những lãi suất ngắn hạn được trông đợi trong thời gian tồn tại của công cụ nợ đó cộng với phần thưởng cho tính thanh khoản (còn được gọi là phần thưởng cho thời hạn) và phần thưởng này bị chi phối bởi điều kiện cung - cầu của công cụ đó.

Giả định then chốt của lí thuyết phần thưởng tính lỏng là các công cụ nợ có ngày đáo hạn khác nhau có thể thay thế cho nhau. Điều này hàm ý là lợi tức kì vọng thu được từ một công cụ nợ có thể ảnh hưởng đến lợi tức kì vọng của các công cụ nợ có kì hạn khác.

Tuy nhiên, sự thay thế này là không hoàn hảo, nhà đầu tư vẫn có xu hướng ưa thích những công cụ nợ có kì hạn ngắn hơn do loại công cụ kì hạn này có mức rủi ro lãi suất thấp hơn. 

Vì vậy nhà đầu tư phải nhận được phần thưởng dương cho tính thanh khoản để họ sẵn sàng năm giữ công cụ nợ dài hạn hơn và điều này sẽ làm thay đổi lí thuyết dự tính bằng cách bổ sung thêm phần thưởng dương cho tính thanh khoản vào phương trình mô tả mối quan hệ giữa lãi suất dài hạn và ngắn hạn.

Với nội dung trên, lí thuyết phần thưởng tính lỏng là sự kết hợp lí thuyết dự tính với lí thuyết thị trường phân cách.

Đường cong lãi suất trong lí thuyết phần thưởng tính lỏng

Lí thuyết phần thưởng tính lỏng bổ sung hoàn hảo cho thuyết dự tính khi đề cập tới phần thưởng tính lỏng. Theo đó, hình dạng đường cong lãi suất là kết quả của sự thay đổi của cả các mức lãi suất ngắn hạn dự tính trong tương lai và phần thưởng tính lỏng tùy thuộc vào mức độ biến động dự tính của hai nhân tố này mà đường cong lãi suất có thể dốc lên, dốc xuống hoặc nằm ngang.

Ngoài việc giải thích được tại sao đường cong lãi suất lại có những hình dạng khác nhau ở những thời điểm khác nhau, lí thuyết phần thưởng tính lỏng còn giải thích được các hiện tượng phức tạp xảy ra trong thực tế.

Hiện tượng lãi suất của những công cụ nợ có kì hạn thanh toán khác nhau diễn biến theo nhau qua thời gian được giải thích như sau: Một sự tăng các lãi suất ngắn hạn chỉ ra rằng các lãi suất ngắn hạn, tính trung bình sẽ cao hơn trong tương lai và rằng các lãi suất dài hạn sẽ tăng theo chúng.

Hiện tượng đường cong lãi suất có xu hướng dốc lên ngay cả khi lãi suất ngắn hạn hiện hành đặc biệt thấp và đường cong lãi suất có xu hướng dốc xuống khi lãi suất ngắn hạn ở mức cao được giải thích là do: Khi lãi suất ngắn hạn thấp, mọi người nói chung dự tính chúng sẽ tăng trong tương lai và trung bình lãi suất ngăn hạn dự tính cao so lãi suất ngắn hạn hiện hành.

Với phần thưởng kì hạn dương, lãi suất dài hạn cao hơn hẳn lãi suất ngắn hạn hiện hành và đường cong lãi suất khi ấy có xu dốc lên. Ngược lại, nếu các lãi suất ngắn hạn ở mức cao, mọi người thường dự tính chúng giảm xuống. Các lãi suất dài hạn lúc đó sẽ sụt xuống dưới các lãi suất ngắn hạn.

Bởi vì trung bình của các lãi suất ngắn hạn dự tính sẽ thấp hơn lãi suất ngắn hạn hiện hành nhiều đến mức mặc dù được cộng phần thưởng tỉnh lỏng dương vào trung bình của các lãi suất ngắn hạn, đường cong lãi suất vẫn dốc xuống.

Hiện tượng xuất hiện những đường cong lãi suất dốc xuống ngay cả khi phần thưởng tính lỏng dương là do lãi suất ngắn hạn được trông đợi sụt giảm nhiều trong tương lai dẫn đến mức trung bình của các lãi suất ngắn hạn dự tính giảm mạnh so lãi suất ngắn hạn hiện hành. 

Trong trường hợp này, ngay cả khi phần thưởng tính lỏng dương được cộng thêm vào số trung bình này, lãi suất dài hạn vẫn thấp hơn lãi suất ngắn hạn hiện hành.

Lí thuyết cũng giải thích vì sao các đường cong lãi suất thường dốc lên bằng cách công nhận rằng phần thưởng tính lỏng dương bởi vì người đầu tư có xu hướng ưa thích loại công cụ nợ ngăn hơn. 

Ngay cả khi các mức lãi suất ngắn hạn dự tính giữ nguyên giá trị trung bình trong tương lai, lãi suất dài hạn vẫn cao hơn lãi suất ngắn hạn do đó đường cong lãi suất có xu hướng phố biến là dốc lên.

Lí thuyết phần thưởng tính lỏng đã kết hợp các đặc điểm của cả giả thuyết dự tính và lí thuyết thị trường phân cách. Những giải thích về cấu trúc kì hạn lãi suất là khá thuyết phục và thực tiễn.

Căn cứ vào lí thuyết này, nội dung thông tin của đường cong lãi suất là rất rõ ràng: Nó cho phép dự đoán chiều hướng biến động của lãi suất ngắn hạn trong tương lai cũng như cho thấy mức độ diễn biến theo nhau của các mức lãi suất trên các bộ phận thị trường tài chính.

(Tài liệu tham khảo, Giáo trình Tiền tệ ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Lao Động)

Thanh Hoa