Lí thuyết Mosaic (Mosaic Theory) là gì? Một số nguồn tìm kiếm thông tin
Hình minh họa
Lí thuyết Mosaic
Khái niệm
Lí thuyết Mosaic trong tiếng Anh là Mosaic Theory.
Lí thuyết Mosaic là một phương pháp phân tích được các nhà phân tích chứng khoán sử dụng để thu thập thông tin về một doanh nghiệp.
Lí thuyết Mosaic liên quan đến việc thu thập thông tin công khai, không công khai và không trọng yếu về một công ty để xác định giá trị cơ bản của chứng khoán công ty đó, giúp nhà phân tích đưa ra khuyến nghị với khách hàng dựa trên những thông tin này.
Giới đầu tư vẫn đang tranh luận về việc liệu phong cách phân tích này có lạm dụng thông tin nội bộ hay không, nhưng Viện CFA đã công nhận Lí thuyết Mosaic là một phương pháp phân tích hợp lệ.
Lí thuyết Mosaic và phương pháp Lời đồn
Lí thuyết Mosaic có nét tương đồng với phương pháp Lời đồn - kĩ thuật phân tích công ty do bậc thầy đầu tư Philip Fisher phổ biến trong cuốn sách năm 1958 của ông.
Các nhà đầu tư sử dụng phương pháp lời đồn để đưa ra kết luận về một công ty bằng cách sử dụng kiến thức trực tiếp từ các cuộc thảo luận với nhân viên, đối thủ cạnh tranh của công ty và các chuyên gia trong ngành để xâu chuỗi thông tin lại với nhau.
Cả lí thuyết Mosaic và phương pháp Lời đồn đều thu thập những mẩu thông tin không trọng yếu và kết hợp chúng lại để tạo thành một kết luận trọng yếu.
Một số nguồn tìm kiếm thông tin cho lí thuyết Mosaic
Báo cáo tài chính
Các nhà đầu tư có kiến thức và thông thạo các khái niệm kế toán chẳng hạn như báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và bảng cân đối kế toán, có thể nghiên cứu hiệu suất tài chính của công ty để tìm kiếm những điểm đáng lưu ý.
LinkedIn và Glassdoor
Các trang web này cung cấp thông tin sâu sắc và hữu ích về nhân viên công ty, từ các những người thuộc bộ phận chăm sóc khách hàng cho đến quản Lí cấp cao. Các nhà đầu tư có thể đưa ra kết luận về tỉ lệ thôi việc và mức độ hài lòng của nhân viên bằng cách xem xét hồ sơ người dùng và nội dung được đăng.
Google Trends
Nhà đầu tư có thể sử dụng công cụ nghiên cứu này của Google để xác định xem liệu một sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty có thu được nhu cầu mạnh mẽ từ người tiêu dùng hay không.
Ví dụ, một nhà đầu tư có thể kết luận rằng một công ty có khả năng nhận được đề nghị mua thôn tính từ một tập đoàn đa quốc gia do một sản phẩm mới mà họ bán ở thị trường nước ngoài có được nhu cầu mạnh mẽ từ khách hàng.
The Pew Research Center
Trang web này cung cấp cho nhà đầu tư những hiểu biết vĩ mô không chịu chi phối bởi đảng phái chính trị về xu hướng hiện tại, quan điểm và các vấn đề đang định hình thế giới. Chẳng hạn, nhà đầu tư có thể biết rằng công ty mà anh ta đang quan tâm có quan điểm khác hẳn với tâm lí và tình cảm của công chúng về một vấn đề cụ thể, và điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của nó.
(Theo investopedia)