Lợi nhuận bất thường (Abnormal returns) là gì? Tầm quan trọng
Lợi nhuận bất thường
Lợi nhuận bất thường – danh từ, trong tiếng Anh là Abnormal returns.
Thuật ngữ lợi nhuận bất thường dùng để mô tả phần lợi nhuận khác thường của một chứng khoán hoặc một danh mục đầu tư trong một khoản thời gian nhất định.
Khi đó, tỉ suất lợi nhuận của kết quả đầu tư này không tương đồng với tỉ suất hoàn vốn kì vọng hay tỉ suất hoàn vốn ước tính của nó. Tỉ suất hoàn vốn ước tính được tính dựa vào mô hình định giá tài sản – là trung bình của số liệu thống kê qua nhiều năm hoặc là kết quả của nhiều phuong pháp định giá khác nhau.
Sự quan trọng của lợi nhuận bất thường
Lợi nhuận bất thường là nhân tố quan trọng để đánh giá khả năng quản lý rủi ro của một danh mục khi so sánh với thị trường chung hay các chỉ số. Lợi nhuận bất thường có thể giúp đánh giá kĩ năng của một người quản lý danh mục đầu tư trên phương diện kiểm soát rủi ro. Nó cũng giúp cho nhà đầu tư biết được mình có nhận được phần lợi nhuận tương ứng với khẩu vị rủi ro của mình hay không.
Lợi nhuận bất thường có thể âm hoặc dương. Thuật ngữ này thực chất chỉ ám chỉ đến việc lợi nhuận thực tế và lợi nhuận ước tính khác nhau như thế nào. Ví dụ, một quỹ tương hỗ có tỉ suất lợi nhuận thực tế là 30%, trong khi lúc đầu chỉ ước tính là 10% thì lợi nhuận bất thường của nó sẽ là dương 20%. Ngược lại, nếu như lợi nhuận thực tế chỉ là 5% thì khi đó, lợi nhuận bất thường của nó sẽ là âm 5%.
Lợi nhuận bất thường tích lũy (CAR)
Lợi nhuận bất thường tích lũy, danh từ - trong tiếng Anh là Cumulative Abnormal Return, hay viết tắt là CAR.
Lợi nhuận bất thường tích lũy là tổng của tất cả lợi nhuận bất thường. Thường thì việc tính toán lợi nhuận bất thường tích lũy chỉ xảy ra trong khung thời gian ngắn như là vài ngày.
Lợi nhuận bất thường tích lũy được dùng để đánh giá ảnh hưởng của việc kiện tụng, thu mua, và những sự kiện khác đến giá chứng khoán. Lợi nhuận bất thường tích lũy còn hữu dụng trong việc xác định tính chính xác của các mô hình định giá bằng việc ước tính tỉ suất sinh lời kì vọng.
Mô hình định giá tài sản vốn (CAPM)
Mô hình định giá tài sản vốn – danh từ, trong tiếng Anh là Capital Asset Pricing Model, viết tắt là CAPM.
Mô hình định giá tài sản vốn là một phương pháp dùng để tính lợi nhuận kì vọng của một chứng khoán hay một danh mục đầu tư dựa vào tỉ suất hoàn vốn phi rủi ro, hệ số beta và lợi nhuận kì vọng của thị trường.
Sau khi tính được lợi nhuận kì vọng của một chứng khoán hay danh mục đầu tư, lợi nhuận bất thường có thể được tính bằng cách lấy lợi nhuận thực tế trừ đi lợi nhuận kì vọng đã tính. Lợi nhuận bất thường có thể âm hoặc dương tùy thuộc vào hiệu suất của chứng khoán hay danh mục đầu tư đó trong một giai đoạn nhất định.
(Theo Investopedia)