|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lí thuyết đánh đổi cấu trúc vốn (Trade-Off Theory Of Capital Structure) là gì?

08:49 | 06/11/2019
Chia sẻ
Lí thuyết đánh đổi cấu trúc vốn (tiếng Anh: Trade-Off Theory Of Capital Structure) đề cập đến ý tưởng một công ty sẽ lựa chọn bao nhiêu nguồn vốn vay và bao nhiêu nguồn vốn chủ sở hữu để tài trợ nhằm cân bằng các chi phí và lợi ích.
Brown Restaurant Photo Collage Food Facebook Post

Hình minh họa

Lí thuyết đánh đổi cấu trúc vốn (Trade-Off Theory Of Capital Structure)

Định nghĩa

Lí thuyết đánh đổi cấu trúc vốn trong tiếng Anh là Trade-Off Theory Of Capital Structure. 

Lí thuyết đánh đổi cấu trúc vốn đề cập đến ý tưởng một công ty sẽ lựa chọn bao nhiêu nguồn vốn vay và bao nhiêu nguồn vốn chủ sở hữu để tài trợ nhằm cân bằng các chi phí và lợi ích. (Theo Trade-off Theory of Capital Structure, Eiiff)

Bản chất

- Lí thuyết đánh đổi cấu trúc vốn về cơ bản đòi hỏi phải bù đắp chi phí nợ so với lợi ích của nợ.

- Lí thuyết đánh đổi cấu trúc vốn nhằm mục đích giải thích vì sao các doanh nghiệp thường được tài trợ một phần bằng nợ vay, một phần bằng vốn cổ phần. 

Một do lớn khiến các doanh nghiệp không thể tài trợ hoàn toàn bằng nợ vay là vì, bên cạnh sự hiện hữu lợi ích tấm chắn thuế từ nợ, việc sử dụng tài trợ bằng nợ cũng phát sinh nhiều chi phí, điển hình nhất là các chi phí kiệt quệ tài chính bao gồm cả chi phí trực tiếp lẫn chi phí gián tiếp của việc phá sản có nguyên nhân từ nợ.

Nội dung

- Theo lí thuyết đánh đổi, cấu trúc vốn mục tiêu là điểm mà tại đó những lợi ích thu được từ việc tăng nợ bị triệt tiêu hết bởi chi phí khánh kiệt tài chính phải gánh chịu thêm. Tình trạng khánh kiệt tài chính xảy ra khi doanh nghiệp không đủ khả năng để thực hiện các cam kết cho chủ nợ bởi EBIT thấp hơn tiền lãi phải trả. 

- Phần lớn các trường hợp khánh kiệt tài chính sẽ dẫn đến phá sản. Trong quá trình phá sản sẽ phát sinh các khoản chi phí như chi phí pháp và chi phí hành chính, và các khoản thiệt hại của doanh nghiệp do vỡ nợ nên buộc các nhà quản bỏ qua các các cơ hội đầu tư có lời. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ nên vay nợ đến mức mà khoản lợi thuế từ một đồng vốn vay tăng thêm bằng khoản chi phí khánh kiệt tài chính tăng thêm từ việc vay vốn.

- Với mỗi phần trăm tỉ lệ nợ tăng thêm, trong khi lợi ích tấm chắn thuế gia tăng thì chi phí kiệt quệ tài chính cũng gia tăng. Sẽ đến một lúc nào đó, khi mà với mỗi tỉ lệ nợ tăng thêm, hiện giá lợi ích từ tấm chắn thuế không cao hơn hiện giá chi phí kiệt quệ tài chính thì việc vay nợ không còn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. 

- Chính vì điều này, các công ty luôn tìm cách tối ưu hóa tổng giá trị doanh nghiệp dựa trên nguyên tắc cân bằng này để xác định nên lựa chọn bao nhiêu nợ và bao nhiêu vốn cổ phần trong cấu trúc vốn của mình. Điểm xác định cấu trúc vốn tối ưu là tại đó với mỗi lượng nợ tăng thêm thì PV(tấm chắn thuế)= PV( chi phí kiệt quệ tài chính).

*PV (Present Value): giá trị hiện tại

Ưu điểm và hạn chế

Ưu điểm

- Giải thích được các khác biệt trong cấu trúc vốn giữa nhiều ngành. Chẳng hạn, các công ty tăng trưởng công nghệ cao, có tài sản hầu hết là tài sản vô hình thường sử dụng ít nợ.

- Làm rõ hơn tác động của thuế, chi phí khánh kiệt tài chính đến cấu trúc vốn và giá trị doanh nghiệp.

Hạn chế

- Chưa giải thích được tại sao một số doanh nghiệp vẫn thành công, kết quả kinh doanh tốt trong khi nợ vay rất ít, hay trong thực tế khi giá cổ phiếu của doanh nghiệp đang cao và doanh nghiệp đang có nhu cầu về tài trợ bên ngoài thì công ty có nhiều khả năng phát hành cổ phiếu hơn là vay nợ.

- Chưa lượng hóa được hết các yếu tố để doanh nghiệp xác định cấu trúc vốn mục tiêu, gồm: chi phí trực tiếp (chi phí kiệt quệ tài chính, chi phí liên quan đến phá sản), chi phí gián tiếp (chi phí do mất khách hàng, mất nhà cung cấp, nhân viên…).

(Tài liệu tham khảo: Thuyết đánh đổi cấu trúc vốn (Trade Off Theory), Luận văn A-Z; Trade-Off Theory Of Capital Structure / Lý Thuyết Đánh Đổi Cấu Trúc Vốn - Saga)

Minh Lan

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.