Lắp ráp theo đơn hàng (Assemble to Order - ATO) là gì?
Hình minh họa
Lắp ráp theo đơn hàng
Khái niệm
Lắp ráp theo đơn hàng trong tiếng Anh là Assemble to Order.
Lắp ráp theo đơn hàng (ATO) là một chiến lược sản xuất kinh doanh trong đó các sản phẩm do khách hàng đặt được sản xuất nhanh chóng và có thể tùy chỉnh ở một mức độ nhất định.
Chiến lược ATO yêu cầu các bộ phận cơ bản của sản phẩm phải được sản xuất sẵn nhưng chưa được lắp ráp. Sau khi nhận được đơn đặt hàng, các bộ phận sẽ được nhanh chóng lắp ráp và gửi đến khách hàng.
Chiến lược ATO là sự kết hợp giữa chiến lược sản xuất để lưu kho - sản phẩm được hoàn thiện từ trước - và chiến lược sản xuất theo đơn đặt hàng - sản phẩm được sản xuất sau khi công ty nhận được đơn đặt hàng.
Chiến lược ATO cố gắng kết hợp lợi ích của cả hai chiến lược trên - giúp cho khách hàng nhận được sản phẩm một cách nhanh chóng đồng thời cho phép sản phẩm có thể tùy chỉnh.
Những tiến bộ trong qui trình sản xuất và hệ thống quản lý hàng tồn kho được hỗ trợ bởi công nghệ đã đóng một vai trò lớn trong việc biến chiến lược ATO thành hiện thực. Nếu được đi kèm với các phương thức vận chuyển sản phẩm giá rẻ hơn thì nó sẽ trở thành một cơ hội lớn để khách hàng tùy chỉnh sản phẩm theo ý muốn nhanh chóng.
(Theo investopedia)
Lợi ích của ATO
ATO phát huy được lợi thế tốt nhất trong các tình huống mà sản phẩm được cấu tạo từ các bộ phận tách rời nhau có thể sắp xếp lại, thay thế hay trao đổi dễ dàng; nói cách khác, sản phẩm chứa các mô-đun được tiêu chuẩn hóa, và đo đó có thể được kết hợp để tạo ra thành các sản phẩm cuối khác nhau.
Vì vậy, số lượng mô-đun bị giới hạn, nhưng thông qua việc kết hợp chúng theo những cách khác nhau, công ty có thể tạo ra nhiều kiểu sản phẩm cuối cùng.
Máy tính xách tay là một ví dụ tốt về một sản phẩm như vậy. Thông qua ATO, nhà sản xuất có thể cung cấp sản phẩm cho khách hàng trong thời gian tương đối ngắn (thường từ vài ngày đến vài tuần) với số lượng lớn các biến thể sản phẩm khác nhau; ví dụ khách hàng có thể tùy chọn phiên bản máy tính có chip i3 hay i5, ram 4GB hoặc 8GB,v.v....
Từ quan điểm hoạt động, rủi ro về hàng tồn kho và vốn bị ràng buộc trong ATO thấp hơn so với chiến lược sản xuất để lưu kho, vì số loại mô-đun khác nhau là thấp hơn so với số loại sản phẩm cuối khác nhau, và tương ứng là số lượng và giá trị hàng tồn kho cũng thấp hơn.
Việc mô-đun hóa sản phẩm để phục vụ cho ATO thường rất kho khắn và tốn thời gian, và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ nghiên cứu và phát triển. Trong trường hợp tốt nhất, cách làm việc này khi được kết hợp thời gian giao hàng ngắn sẽ tạo ra nhiều lựa chọn sản phẩm cho khách hàng với qui trình sản xuất hiệu quả.
(Theo logistiikanmaailma.fi)