|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Làm sao ông Trump trừng phạt Trung Quốc mà không tự hại mình?

18:29 | 28/05/2020
Chia sẻ
Chính quyền Tổng thống Trump đang loay hoay tìm cách trừng phạt Trung Quốc vì thái độ tự mãn của nước này trong đại dịch mà không "thổi bay" nhiệm kì hai của ông Trump cũng như khiến nền kinh tế Mỹ sa lầy.
'Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa', làm sao ông Trump trừng phạt Trung Quốc mà vẫn bình an vô sự? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Trung Quốc hồi năm 2017. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù các biện pháp cứng rắn như tăng cường lệnh trừng phạt và thuế quan đều đang được thảo luận, Nhà Trắng cũng đang nghiên cứu một số phương án khác như gia tăng sức ép với các đại gia mạng 5G của Trung Quốc, hủy niêm yết công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ, trừng phạt quan chức Bắc Kinh liên quan đến khu tự trị Tân Cương,...

Tổng thống Trump phải chấp nhận thực tế là thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc đang hoạt động kém hiệu quả, trong khi ông từng hết lời ca ngợi đây là thành tựu chính sách tiêu biểu trong nhiệm kì hiện tại.

Đông đảo người dân Mỹ, đặc biệt là nông dân ở các tiểu bang chiến lược trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đồng thời bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc thương chiến, đang hi vọng xuất khẩu thêm 200 tỉ USD hàng hóa sang Trung Quốc, vớt vát phần nào lợi nhuận.

Tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc nhập khẩu chưa đến một nửa khối lượng hàng hóa công nghiệp, nông sản và năng lượng đề ra trong thỏa thuận, CNN ước tính. Điều đó làm suy yếu trụ cột chính trong nỗ lực tái tranh cử của ông Trump.

"Thỏa thuận giai đoạn một là một thỏa thuận chính trị mà theo đó, ứng cử viên Trump có thể bước ra ngoài và thông báo cho cử tri một thắng lợi tròn trĩnh trị giá 200 tỉ USD", ông Chad Bown - thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Peterson nói.

Tuy nhiên, ông Bown cho biết trong cái rủi có cái may: Nếu Trung Quốc không tuân thủ cam kết mua hàng, thất bại của chính quyền ông Tập có thể đơn giản hóa câu chuyện của ông Trump và cho phép ông củng cố chính sách bài xích Trung Quốc.

Quốc hội Mỹ bất đồng: Trừng phạt Trung Quốc nhưng không nên quá tay

Ông Trump đã nhiều lần đả kích Trung Quốc không hành động và thông báo sớm với thế giới về đại dịch COVID-19. Tại thủ đô Washington, giới chính trị gia nhìn chung đều đồng ý rằng chính phủ Mỹ cần phải làm gì đó để trừng phạt Trung Quốc nhưng sự thống nhất của họ chỉ dừng lại ở đó.

Tổng thống Trump đang cố gắng tuyên truyền thông điệp rằng cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ của nước Mỹ là do sự bưng bít thông tin của Trung Quốc mà ra.

Trong khi đó, các nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ - cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa, đều nói với CNN rằng họ tin Mỹ nên nhanh chóng đánh giá lại mối quan hệ Washington - Bắc Kinh.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới cùng những bất đồng nội bộ xoay quanh các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Trung Quốc nhiều khả năng sẽ hạn chế phạm vi của bất kì thỏa thuận lưỡng đảng nào.

Đảng Dân chủ không thích thú gì chuyện trao cho ông Trump một chiến thắng quan trọng. Ngoài ra, Đảng Dân chủ còn lo ngại rằng bất kì động thái lớn nào cũng sẽ phát triển thành một cuộc đối đầu qua lại có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ - vốn đã suy yếu vì đại dịch.

Trong vài tuần gần đây, các nhà lập pháp Mỹ đã bắt đầu thảo luận về một loạt các biện pháp để chuyển chuỗi cung ứng vật tư y tế và thuốc men quan trọng về Mỹ như giảm thuế, cung cấp ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tại Mỹ.

Washington còn đàm phán cùng "Bộ tứ mở rộng" gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ cùng ba nước Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand để hợp tác kinh tế nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu. Phá vỡ chuỗi cung ứng này có thể mất nhiều năm và nhiều khả năng sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế trong ngắn hạn khi các nước tìm giải pháp riêng.

Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ cũng đang thông qua một số biện pháp, dự luật trừng phạt khác dành cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, Đảng Dân chủ rất cảnh giác, họ không muốn lún quá sâu vào chiến lược chỉ trích Trung Quốc của ông Trump khi mà chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa nước Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống mới.

Bài xích Trung Quốc lúc này có thể trao cho ông Trump "con dê tế thần" mà ông cần để đánh lạc hướng dư luận khỏi những thiếu sót trong chính sách chống dịch thời gian qua.

Cảnh cáo Trung Quốc nhưng không gây hại kinh tế

Chính quyền ông Trump hiện đang tập trung nỗ lực vào các biện pháp có thể gửi thông điệp đến Trung Quốc mà không ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.

Ngày 15/5, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kế hoạch sửa đổi Qui định Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài. Theo đó, các sản phẩm được làm ra ở nước ngoài nhưng sử dụng công nghệ Mỹ cũng được coi là "sản phẩm trực tiếp" của Mỹ và do đó phải tuân theo qui định xuất khẩu của Mỹ.

Qui định mới đã chặn đứng nguồn cung chip của gã khổng lồ Huawei Technologies, cản trở kế hoạch triển khai mạng 5G của Bắc Kinh.

Đến ngày 20/5, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật có thể hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ hoặc huy động tiền từ các nhà đầu tư Mỹ, trừ khi các công ty này tuân thủ tiêu chuẩn kế toán và kiểm soát của Washington.

Sự kiện mới nhất trong chuỗi trả đũa của Washington là việc Quốc hội Mỹ hôm 27/5 đã thông qua dự luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương. Trong vài ngày tới, ông Trump sẽ phải cân nhắc kí dự luật này.

Dù Washington liên tục giáng đòn lên Bắc Kinh, một số cố vấn cấp cao của ông Trump như Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer lại rất cẩn trọng vì sợ mất thỏa thuận giai đoạn một khó khăn lắm mới đạt được.

Lĩnh vực nông nghiệp và chế tạo của Mỹ cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc thương chiến kéo dài hơn hai năm qua.

Ông Trump cũng sử dụng quan điểm cứng rắn của mình với Trung Quốc như lời cảnh báo hậu quả nếu người dân Mỹ bỏ phiếu cho ứng viên khác, chẳng hạn như cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Nhiệm kì hai liệu có lung lay?

Cuộc thương chiến của ông Trump với Trung Quốc gây ra hậu quả kinh tế nhất định với một số tiểu bang đang dao động như Ohio và Pennsylvania khi thuế quan làm tăng chi phí kinh doanh cho các nhà sản xuất và khiến nông dân phải ngồi trên hàng nghìn tấn nông sản ứ đọng.

Theo Fed, ngành chế tạo của Mỹ đã chứng kiến một cuộc suy thoái nhẹ khi sản lượng công nghiệp giảm 1,3% trong năm 2019.

Số trang trại gia đình phá sản vào năm 2019 tăng gần 20% so với năm trước - chỉ xếp sau số liệu năm 2010 khi kinh tế Mỹ mới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009.

Khi giá trị nhập khẩu của Trung Quốc vẫn chưa đạt đến mức năm 2017, Washington cho biết họ có thể gia hạn chương trình trợ cấp trang trại thêm năm thứ ba vì nông dân rất cần tiền để trang trải cuộc sống. Nếu như vậy, gói cứu trợ nông nghiệp vốn đã lớn nay còn mở rộng hơn.

Thuế quan trừng phạt của Mỹ cũng làm tăng chi phí cho các công ty nội địa có nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc. Mỹ vẫn còn duy trì phần lớn thuế quan đối với 360 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc dù hai bên đã kí thỏa thuận hồi giữa tháng 1.

Ngoài bầu cử tổng thống, thời điểm hiện tại có thể cũng không phù hợp để Washington đáp trả Bắc Kinh. Đảng Cộng hòa nhận thức rõ điều này nên vẫn chưa thúc đẩy một dự luật cải cách lớn buộc doanh nghiệp Mỹ về nước hoặc trừng phạt Trung Quốc.

Đảng Cộng hòa cũng e ngại thái độ quyết liệt và hành động nhanh chóng mà ông Trump dành cho Trung Quốc ngay thời điểm Mỹ đang cần Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận thương mại để bán được các mặt hàng nông sản quan trọng như đậu nành.

Ngoài ra, ngành xuất khẩu Mỹ đang phụ thuộc vào thị trường tỉ dân cũng như ngành y tế nước này cần nguồn cung dược phẩm và đồ bảo hộ từ Trung Quốc. Cho nên, các thượng nghị sĩ nói rằng việc trừng phạt Bắc Kinh ngay lúc này là một sai lầm.

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.