|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ đẩy nhanh quá trình rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, Việt Nam có thể là nhân tố quan trọng

20:31 | 05/05/2020
Chia sẻ
Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang đẩy nhanh quá trình di chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc trong khi cân nhắc áp thuế quan mới để trừng phạt Bắc Kinh vì che đậy thông tin liên quan đến đại dịch. Ngoài ra, Mỹ cũng đang cân nhắc thành lập liên minh kinh tế với Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam.
Mỹ  - Ảnh 1.

Chính quyền Tổng thống Trump quyết tâm đưa chuỗi cung ứng rời Trung Quốc về Mỹ hoặc đến một số nước đối tác thân cận. (Ảnh: The Economic Times)

Tổng thống Donald Trump từ lâu đã cam kết sẽ đưa chuỗi cung ứng từ nước ngoài, mà đặc biệt là từ Trung Quốc, trở về Mỹ. Gần đây, ông Trump cũng được cho là đang ra sức chỉ trích Trung Quốc để đánh lạc hướng dư luận khỏi phản ứng chống dịch chậm chạp và giật cục của chính quyền liên bang, nhằm mục đích ghi điểm với cử tri trước thềm bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Hiện tại, thiệt hại kinh tế và số ca tử vong cao ngất của Mỹ đang thúc đẩy chính quyền ông Trump dốc sức mang hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc về quê nhà hoặc đến các nước thân thiện hơn, Reuters dẫn lời một số quan chức chính phủ Mỹ cho hay.

"Trong vài năm qua, chúng tôi đã làm việc để giảm mức độ phụ thuộc của chuỗi cung ứng Mỹ vào Trung Quốc, tuy nhiên hiện tại chúng tôi đang đẩy mạnh sáng kiến đó", ông Keith Krach - Thứ trưởng phụ trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay.

"Tôi nghĩ chúng ta cần biết lĩnh vực nào là quan trọng và nút thắc nằm ở đâu", ông Krach nói. Vị thứ trưởng này còn cho biết thêm rằng vấn đề chuyển chuỗi ứng ra khỏi Trung Quốc là rất quan trọng đối với an ninh của Mỹ và chính phủ liên bang có thể sẽ sớm thông báo phương án hành động mới.

Theo Reuters, Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan khác trong chính phủ Mỹ đang nghiên cứu các biện pháp để khuyến khích doanh nghiệp chuyển cả nguồn cung và hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Các ưu đãi về thuế và trợ cấp là hai trong số các biện pháp đang được cân nhắc để thúc đẩy doanh nghiệp hành động.

"Cả chính phủ Mỹ đang đồng lòng làm việc", một nguồn tin của Reuters nói. Các cơ quan đang thăm dò xem hoạt động sản xuất nào được coi là "trọng yếu" và làm thế nào để sản xuất những sản phẩm này bên ngoài Trung Quốc.

Chính sách thương mại của ông Trump đối với Bắc Kinh từng bị giằng co giữa các cố vấn ủng hộ thương mại và các diều hâu có tư tưởng bài xích Trung Quốc, hiện tại nhóm diều hâu cho hay thời của họ đã đến.

"Thời điểm này là một cơn bão hoàn hảo, đại dịch đã làm lộ rõ những mối lo mà doanh nghiệp gặp phải khi làm ăn với Trung Quốc", một quan chức cấp cao khác bên trong chính phủ Mỹ cho hay.

"Toàn bộ lợi nhuận mà mọi người nghĩ họ đã kiếm được thông qua các thỏa thuận với Trung Quốc trước đây giờ không bằng một phần thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra", vị quan chức trên nói.

Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế

Bên cạnh các mức thuế suất lên đến 25% đối với 350 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc hiện tại, Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng ông có thể áp thuế bổ sung để trừng phạt chính quyền Bắc Kinh.

Doanh nghiệp Mỹ - đối tượng phải trả thuế, đã than thở không ít lần về các mức thuế suất hiện có, đặc biệt là khi doanh số bán hàng của họ giảm mạnh vì lệnh phong tỏa.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ông Trump sẽ chùn bước và không đánh thuế. Một số biện pháp trừng phạt khác dành cho Trung Quốc có thể bao gồm lệnh cấm vận đối với quan chức chính phủ hoặc doanh nghiệp.

Hôm 4/5, Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành một cuộc thăm dò về an ninh quốc gia, nhiều khả năng kết quả của cuộc khảo sát có thể khiến Washington áp thêm thuế quan với linh kiện máy biến áp nhập khẩu. Bộ này nói rằng họ cần đảm bảo nguồn cung linh kiện trên để đối phó với sự cố mất điện.

Theo Reuters, Mỹ đang nỗ lực tạo ra một liên minh gồm các "đối tác đáng tin cậy", gọi là "Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế". Mạng lưới này bao gồm các công ty và nhóm dân sinh vận hành theo cùng một bộ tiêu chuẩn trên mọi mặt, từ thương mại điện tử, năng lượng, cơ sở hạ tầng đến nghiên cứu, thương mại, giáo dục.

Chính phủ Mỹ đang hợp tác với Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để "thúc đẩy kinh tế toàn cầu đi lên", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu hôm 29/4. Khu vực Mỹ Latin cũng có thể đóng một vai trò quan trọng.

Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, trở thành trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới vào năm 2010 và chiếm khoảng 28% tổng sản lượng công nghiệp toàn cầu năm 2018, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc.

Nhiều công ty Mỹ đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở sản xuất ở Trung Quốc và doanh số của họ cũng phụ thuộc nhiều vào thị trường 1,4 tỉ dân.

Đại dịch đã nêu bật lên vai trò quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi ứng thuốc gốc (generic drugs), chiếm phần lớn đơn thuốc tại Mỹ. Ngoài ra, COVID-19 còn cho thấy sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng các loại hàng hóa như camera chụp thân nhiệt cũng như thực phẩm.

Yên Khê

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.