|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phát súng đầu tiên của Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh Lạnh với Mỹ

16:02 | 27/05/2020
Chia sẻ
Giảm giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 là tín hiệu rõ ràng nhất về ý định khiêu khích Mỹ của Trung Quốc.
Phá giá đồng nhân dân tệ là phát súng khởi đầu Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh: Getty Images

Kể từ khi bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ hồi năm 2015, Trung Quốc đã có xu hướng để cho đồng nội tệ suy yếu, đặc biệt là khi Bắc Kinh muốn gửi đi thông điệp cho Mỹ.

Đồng nhân dân tệ suy yếu sẽ làm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Trung Quốc, và gây khó dễ cho các nhà xuất khẩu Mỹ. Do vậy phá giá đồng tiền có thể được coi là một động thái gây hấn. 

Mới đây, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thiết lập tỉ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ ở mức thấp nhất kể từ năm 2008, theo Bloomberg

Động thái này được thực hiện sau khi Tổng thống Trump cấm một quĩ hưu trí do chính phủ Mỹ kiểm soát đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc. Quyết định của ông Trump làm dấy lên rủi ro rằng các quĩ hữu trí khác trên toàn nước Mỹ cũng có thể bị cấm mua và nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng tuyên bố sẽ cấm vận kinh tế 33 doanh nghiệp và tổ chức Trung Quốc, dựa trên các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Mỹ còn cấm các nhà sản xuất Mỹ cung cấp hàng hóa cho Huawei. 

Không những thế, cụm từ "chiến tranh" ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trong các cuộc bàn luận về nền kinh tế toàn cầu và hệ thống tài chính.

Rất ít tài sản có thể trở thành chỗ trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư nếu chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra. Tất cả các bên đều sẽ thiệt hại nặng nề. Do vậy, khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa hai cường quốc đứng đầu thế giới gần như bằng không.

Đây chính là lí do hầu hết các thị trường chứng khoán lớn không rơi vào tình trạng bán tháo trong những ngày gần đây, bất chấp mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi.

Tuy nhiên, phản ứng của thị trường chứng khoán có thể đã quá lạc quan. Đại dịch COVID-19 đã gia tăng căng thẳng giữa hai nước, và nới rộng sự mất cân bằng trong nền kinh tế toàn cầu.

Nguyên nhân thực sự của căng thẳng Mỹ - Trung

Theo Bloomberg, một số chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng cốt lõi của vấn đề là bản thân nước Mỹ và đồng USD không còn đủ khả năng neo giữ hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không đủ sức để thay thế Mỹ. Tình thế nan giải này chỉ có thể được giải quyết nếu Mỹ và Trung Quốc ổn định được nền kinh tế trong nước.

Nhà báo Matthew Klein của tờ Barron và Giáo sư Michael Pettis của Đại học Bắc Kinh cho rằng nguyên nhân khiến cho Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau là xung đột giữa người giàu và người nghèo. 

Hai chuyên gia kinh tế này cho rằng vốn từ Mỹ chảy vào Trung Quốc giúp người giàu ở cả hai nước được hưởng lợi, trong khi người lao động chịu thiệt thòi lớn. Nếu Mỹ và Trung Quốc không tìm được cách để giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng, rạn nứt giữa hai nước sẽ ngày càng sâu thêm.

Ông Michael Howell, nhà sáng lập quĩ CrossBorder Capital thì lại cho rằng vấn đề gốc rễ là do sự chênh lệch giữa trình độ phát triển của ngành tài chính và ngành công nghiệp của Mỹ và Trung Quốc.

Ông Howell cho rằng khu vực tài chính trong nền kinh tế Mỹ phát triển quá mức, còn khu vực công nghiệp lại kém phát triển. Trung Quốc thì ngược lại.

Các nhà lãnh đạo của hai nước rất khó có thể giải quyết sự chênh lệch này. Trung Quốc cần "tài chính hóa" để không cần nhập khẩu vốn từ Mỹ; ngược lại, Mỹ cần "tái công nghiệp hóa" để không phải nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc giá rẻ. Trừ khi hai quá trình này xảy ra cùng một lúc, vấn đề sẽ không thể được giải quyết.

Không thể ngăn được Chiến tranh Lạnh?

Trong trường hợp thất bại, một cuộc Chiến tranh Lạnh mới sẽ trở thành phương án giải quyết khả dĩ. Chiến tranh Lạnh đầu tiên đã không ngăn cản được đà tăng trưởng ấn tượng của các nền kinh tế phương Tây, do vậy, cuộc Chiến tranh Lạnh tiếp theo chưa chắc sẽ gây ra họa quả thảm khốc.

Thay vì một thế giới xoay quanh đồng USD, chúng ta có thể chứng kiến một thế giới lưỡng cực. Trung Quốc có thể sẽ thiết lập sức ảnh hưởng lớn lên tài chính châu Á. Đây là một trong những mục tiêu mà Sáng kiến Vành đai và Con đường nhắm đến.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện đang hoán đổi thanh khoản với 14 ngân hàng trung ương khác nhau. Danh sách các quốc gia tham gia chương trình hoán đổi với Fed bao gồm những đồng minh thân cận của Mỹ như Mexico, Brazil, Australia, New Zealand, Singapore và Hàn Quốc.

Ông Howell, nhà sáng lập quĩ CrossBorder Capital cho rằng danh sách này rất giống phiên bản kinh tế của NATO. Nga và Trung Quốc hẳn nhiên không có tên trong danh sách trên. Có thể thấy mục tiêu cho chương trình của Fed là cô lập Trung Quốc.

Trong quá khứ, sự chia rẽ về tư bản đã dẫn đến các cuộc chiến tranh. Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới sẽ khiến cho hai khối kinh tế giao dịch và đầu tư với nhau ít hơn, nhưng lại không xảy ra đổ máu. Vậy nên, kết quả cuối cùng chưa chắc là đã quá tệ.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của hai nước có thể nhắm đến một kết cục tốt đẹp hơn. Các biện pháp mạnh tay nhằm giải quyết vấn đề trong nước sẽ giúp ích. Tranh cãi lẫn nhau chẳng mang lại lợi lộc gì.

Tuy vậy, dường như COVID-19 đã thúc đẩy cả hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung lựa chọn giải pháp dễ dàng hơn và gia tăng các cuộc đối đầu. Trong ngắn hạn, thị trường có thể tiếp tục tránh được Chiến tranh Lạnh. Nhưng về lâu dài, kể cả khi có vắc xin chống COVID-19, cuộc chiến này chắc chắn sẽ xảy ra.

Giang