|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Căng thẳng Mỹ-Trung lan sang mặt trận mới: Thị trường chứng khoán

17:49 | 22/05/2020
Chia sẻ
Căng thẳng Mỹ - Trung đã leo thang trong vài tuần qua và hiện giờ cuộc đối chọi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa mở rộng sang một mặt trận khác: thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bị thiệt nhiều hơn trong cuộc chiến mới này.
Căng thẳng giữa hai siêu cường Mỹ - Trung lan sang mặt trận mới: Thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Trung Quốc có thể chịu thiệt hại không nhỏ nếu dự luật mới của Washington chính thức được thông qua. (Ảnh minh họa: Financial Times)

Khi cuộc khủng hoảng COVID-19 kéo dài, mối quan hệ giữa hai siêu cường lại càng trở nên căng thẳng hơn. Quan chức chính phủ hai bên liên tục đổ lỗi cho phía còn lại về nguồn gốc của đại dịch. Hồi giữa tháng này, Tổng thống Donald Trump thậm chí còn đe dọa áp thuế quan bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc.

Ngày 20/5, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật có thể hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ hoặc huy động tiền từ các nhà đầu tư Mỹ, trừ khi các công ty này tuân thủ tiêu chuẩn kế toán và kiểm soát của Washington.

Mặc dù dự luật trên có thể được áp dụng cho bất kì doanh nghiệp nước ngoài nào tìm cách tiếp cận dòng tiền trên thị trường chứng khoán Mỹ, các nhà lập pháp cho biết động thái này nhắm vào Bắc Kinh. Cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba đã giảm hơn 2% sau thông tin trên.

CNBC dẫn lời các chuyên gia nhận định dự luật mới có thể sẽ tiếp tục gây tranh cãi khi căng thẳng Mỹ - Trung chiếm vị trí trung tâm ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

"Trong vài tháng qua, giới chính trị gia Mỹ đã đề xuất hủy niêm yết đối với các công ty Trung Quốc trên sàn giao dịch Mỹ thông qua nhiều tiêu chí khác nhau và giới hạn mức độ tham gia của nhà đầu tư Mỹ với thị trường Trung Quốc", các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư China Renaissance cho hay.

"Chúng tôi dự đoán cuộc tranh cãi này sẽ tiếp tục chiếm sóng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay", nhóm nhà phân tích nói.

Thượng nghị sĩ John Kennedy của bang Louisiana, người tài trợ cho dự luật mới, cho biết doanh nghiệp sẽ phải chứng minh "họ không thuộc sở hữu hoặc nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ nước ngoài".

"Chính phủ Trung Quốc thường hay gian lận và Dự luật Trách nhiệm của Doanh nghiệp Nước ngoài (HFCAA) sẽ ngăn chặn hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán Mỹ", ông Kennedy đăng tải trên mạng xã hội Twitter.

Theo ngân hàng China Renaissance, ngoài việc hủy niêm yết đối với doanh nghiệp Trung Quốc, các động thái khác mà Washington có thể thực hiện gồm giới hạn nhà đầu tư Mỹ tiếp xúc với thị trường tài chính Trung Quốc thông qua các quĩ hưu trí của chính phủ và hạn chế sự có mặt của doanh nghiệp Trung Quốc trong các chỉ số chứng khoán do công ty Mỹ quản lí.

Áp lực này chắc chắn sẽ khiến hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc tìm đến các thị trường khác, một số nhà phân tích nhận định. Theo CNBC, nhiều công ty đến từ thị trường tỉ dân thường đổ xô đi niêm yết tại Mỹ vì thị trường tài chính lớn nhất thế giới là môi trường đầu tư uy tín, hấp dẫn với mức định giá cao và sở hữu lực lượng nhà đầu tư hiểu biết.

"Động thái mới của Washington nhiều khả năng sẽ thúc đẩy các công ty Trung Quốc chuyển sang niêm yết tại đại lục hoặc Hong Kong", ông Wu Tianjun - chuyên gia tại Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU), cho hay.

Quay trở về thị trường Hong Kong

Trong khi chính phủ Mỹ siết chặt các qui định kế toán, Hong Kong lại tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các công ty đã niêm yết tại một thị trường sơ cấp, chẳng hạn như Mỹ, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán tại đây.

Chỉ trong tuần này, chỉ số Hang Seng của thị trường tài chính Hong Kong đã chứng kiến một thay đổi lớn, mở đường cho các đại gia công nghệ Trung Quốc mở rộng khả năng giao dịch tại châu Á và giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội tiếp cận cổ phiếu của các công ty này.

Chính quyền Hong Kong sẽ lần đầu tiên cho phép các công ty đã niêm yết trên một thị trường sơ cấp khác cũng như các công ty sở hữu cổ phiếu hai tầng được tham gia vào chỉ số Hang Seng.

Trước đó, vào năm 2018, sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong từng thực hiện một động thái tương tự, cho phép các công ty niêm yết chéo.

Các công ty Trung Quốc đã niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ nhiều khả năng sẽ tận dụng lợi thế trên để lên kế hoạch niêm yết chéo ở Hong Kong, ngân hàng Morgan Stanley nhận định.

Theo Morgan Stanley, một số công ty thuộc dạng này, chẳng hạn như JD.com và Trip.com, đều đang lên kế hoạch niêm yết chéo tại sàn chứng khoán Hong Kong. Ngân hàng Mỹ dự đoán xu hướng trên sẽ tiếp diễn trong bối cảnh chính quyền ông Trump ngày càng ra sức kiểm soát các công ty Trung Quốc giao dịch trên thị trường tài chính Mỹ.

Ngày 21/5, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Baidu chia sẻ vời tờ China Daily rằng công ty "đang thảo luận các lựa chọn" gồm niêm yết chéo ở Hong Kong hoặc một số thị trường khác.

Theo dữ liệu của China Renaissance, có 36 công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đủ điều kiện niêm yết chéo tại Hong Kong.

Doanh nghiệp Trung Quốc có thể "mất giá"

Ban đầu, Hong Kong được cho là sẽ hưởng lợi sau động thái của chính phủ Mỹ khi dòng tiền chảy vào thị trường tài chính này tăng lên.

"Trong dài hạn, xu hướng đó sẽ giúp duy trì và thu hút thêm dòng vốn vào thị trường Hong Kong cũng như giúp củng cố sức mạnh cho một cơ sở giao dịch và đầu tư cho doanh nghiệp Trung Quốc tại châu Á", Morgan Stanley nói.

Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc có thể chịu thiệt hại khi đánh mất lợi thế tức thời.

"Niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ là một lợi thế cho nên doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ bị 'mất giá' nếu không được niêm yết tại thị trường tài chính lớn nhất thế giới. Thị trường chứng khoán Mỹ từ lâu đã được xem là minh bạch hơn nhiều so với các thị trường ở đại lục hay Hong Kong", ông Wu của Đơn vị Tình báo Kinh tế cho hay.

Ngoài ra, động thái mới của Washington có thể khiến các nhà đầu tư bán lẻ tại Mỹ mất đi một số cơ hội tiếp cận hoạt động đầu tư tại các công ty Trung Quốc, vị chuyên gia trên nói thêm.

Yên Khê