Tổng thống Trump thủ vai chính trong phiên họp quốc hội Trung Quốc
Theo Nikkei Asian Review, phiên họp thường niên của quốc hội Trung Quốc là cơ hội hiếm có để thấy toàn bộ giới lãnh đạo ở đất nước tỉ dân tề tựu về một nơi. Dù chỉ thoáng qua nhưng phiên họp cho thấy quan chức nào thực sự thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chẳng hạn, tại phiên họp năm 2016, ông Vương Kỳ Sơn - nhân vật xếp thứ 6 trong Bộ Chính trị Trung Quốc, đã bất ngờ bước đến và vỗ vai Chủ tịch Tập Cận Bình, cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa hai nhà lãnh đạo.
Phiên họp quốc hội năm nay - dự kiến khai mạc vào ngày 22/5 sau khi bị trì hoãn hai tháng rưỡi, sẽ được tổ chức theo một cách rất bất thường. Bắc Kinh đã rút ngắn thời lượng phiên họp và nhiều khả năng cũng sẽ tinh giản bớt các cuộc họp báo.
Hơn nữa, trong bối cảnh nhiều cuộc họp hiện đang được tổ chức trực tuyến, phiên họp trên có thể cũng sẽ áp dụng hình thức tương tự.
Trước đó, các nhà phân tích dự đoán đây sẽ là thời khắc quan trọng để ông Tập Cận Bình tự hào tuyên bố "nhân dân Trung Quốc" đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Nikkei nhận thấy kịch bản này hẳn không còn đúng nữa.
Thay vào đó, nhiều khả năng phiên họp sẽ chỉ mang tính hình thức nhằm "đóng dấu" các quyết định của chính quyền ông Tập Cận Bình như những năm trước.
Qua màn hình, báo chí có thể sẽ không biết được nhiều thông tin. Và một người nhiều khả năng sẽ chiếm sóng trong các cuộc thảo luận, nhưng ông ta lại không có mặt.
"Kép chính" trong phiên họp quốc hội của Trung Quốc
"Vai chính trong phiên họp của quốc hội Trung Quốc năm nay sẽ do Tổng thống Donald Trump đảm nhận", một doanh nhân Trung Quốc cho hay. "Sự hiện diện của ông Trump thậm chí có thể chấm dứt 'nền kinh tế kế hoạch' đã tồn tại từ lâu tại Trung Quốc một lần và mãi mãi".
Nguồn tin trên cho biết những tuyên bố và hành động khó đoán trước của ông Trump đang hạn chế khả năng hoạch định mục tiêu kinh tế của Bắc Kinh.
Hàng năm vào tháng 3, ngay ngày đầu tiên của phiên họp quốc hội, Trung Quốc thường công bố các mục tiêu tăng trưởng kinh tế thường niên. Sau đó, chính phủ Trung Quốc sẽ vận hành chính sách dựa theo các mục tiêu đề ra và chắc chắn sẽ thành công, ít nhất là về mặt số liệu.
Nikkei cho biết mặc dù Trung Quốc hiện đã chuyển sang nền kinh tế thị trường, cách hoạch định chính sách như nêu trên là tàn dư của kỉ nguyên kinh tế kế hoạch theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Năm ngoái, bất chấp ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung, Bắc Kinh đề ra mục tiêu tăng trưởng là khoảng 6 - 6,5%. Cuối cùng, tăng trưởng GDP năm 2019 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt 6,1%.
Tuy nhiên, kịch bản cũ khó có thể lặp lại.
Khó đề ra mục tiêu tăng trưởng
Trước khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc nhận định tăng trưởng GDP năm nay tối thiểu phải đạt trên 5% nhưng ở thời điểm hiện tại, chính quyền ông Tập Cận Bình đang khó xác định mục tiêu tăng trưởng cụ thể.
So với cùng kì năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc đã giảm 6,8% trong quí I/2020 - đánh dấu lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 1992.
Trung Quốc có thể đặt mục tiêu tăng trưởng tương đối cao trong báo cáo, tuy nhiên điều này khá rủi ro. Nếu không thể hoàn thành mục tiêu, ông Tập và giới chức lãnh đạo Trung Quốc có thể phải gánh trách nhiệm.
Nikkei cho biết, trong quá khứ Trung Quốc từng không ngần ngại thổi phồng số liệu để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, nền kinh tế kế hoạch này có thể đang đi đến hồi kết.
Có hai nguyên nhân đứng sau sự việc: đại dịch COVID-19 và Tổng thống Trump.
COVID-19 có thể bùng phát thêm lần thứ hai hoặc thứ ba, không ai đoán được. Thái độ của ông Trump đối với Trung Quốc cũng khó lường không kém cho nên chẳng ai biết căng thẳng Mỹ - Trung sẽ tự chuyển biến ra sao.
Trạng thái bất ổn sẽ kéo dài ít nhất là cho đến tháng 11, khi cuộc bỏ phiếu tổng thống Mỹ diễn ra. Đến lúc đó, chỉ còn chưa đầy hai tháng là hết năm và Bắc Kinh nhiều khả năng không thể hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng.
Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Thương mại Mỹ hôm 15/5 đã cập nhật Qui định Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài, theo đó các sản phẩm bên ngoài nước Mỹ nhưng sử dụng công nghệ Mỹ vào danh mục "sản phẩm trực tiếp" của Mỹ và do đó phải tuân theo qui định xuất khẩu của Mỹ.
Theo qui định trên, Huawei không thể tiếp cận nguồn cung chip từ nhà cung ứng chất bán dẫn lớn nhất thế giới TMSC. Động thái mới của chính phủ Mỹ không khác nào một lệnh cấm thương mại với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Huawei là hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới và lệnh cấm có thể ảnh hưởng đến quá trình triển khai mạng 5G trên toàn cầu.
Mạng 5G siêu nhanh là xương sống cho kế hoạch kinh tế của Trung Quốc trong tương lai, vấn đề này dự kiến sẽ được thảo luận tại phiên họp quốc hội ngày 22/5.
Theo Nikkei, mạng 5G còn liên quan đến sáng kiến gây tranh cãi "Made in China 2025". Trong cuộc chiến thương mại, Mỹ đã chỉ trích "Made in China 2025" là dấu hiệu cho thấy tham vọng của Trung Quốc, buộc chính quyền Bắc Kinh giảm bớt mức độ ưu tiên cho sáng kiến trên. Tuy nhiên, Bắc Kinh gần đây đã thảo luận để bàn hướng khôi phục một số dự án liên quan.
Ngoài ra, giới quan sát hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ giảm thiểu tác động kinh tế mà đại dịch gây ra như thế nào.
13 tỉnh, thành như Bắc Kinh và Hồ Bắc đã công bố các vòng đấu thầu mới cho một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Truyền thông Trung Quốc cho biết các dự án này trị giá khoảng 34.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 4.800 tỉ USD). Khoản tiền này có vẻ đã vượt qua tổng giá trị các gói kích thích kinh tế của Mỹ.
Dù vậy, con số xuất hiện trên mặt báo chỉ mang tính tượng trưng vì 34.000 tỉ nhân dân tệ này sẽ được đầu tư trong nhiều năm chứ không phải bơm vào nền kinh tế ngay lập tức.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc không có kế hoạch phát tiền mặt cho người dân giống như chính quyền ông Trump.
Ngoài ra còn phải xét đến 8,5 triệu sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp vào mùa hè năm nay. Con số đó sẽ tăng lên hơn 10 triệu khi tính gộp sinh viên tại các trường cao đẳng, dạy nghề khác. Nếu thất nghiệp tăng vọt, tình trạng bất ổn xã hội có thể sẽ xảy ra.
Trung Quốc đang phải chịu áp lực lớn từ cộng đồng quốc tế vì không thể ngăn chặn đại dịch. Áp lực này cũng xuất hiện trong cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây.
Tại lễ khai mạc sự kiện của WHO, Chủ tịch Tập Cận Bình có phát biểu, nhấn mạnh Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp chống dịch thích hợp ngay từ đầu.
Đồng thời, ông Tập Cận Bình cũng chấp nhận khởi động một cuộc điều tra quốc tế. Ông Tập nói: "Trung Quốc ủng hộ ý tưởng đánh giá toàn diện chiến lược chống dịch COVID-19 trên thế giới sau khi dịch đã được kiểm soát nhằm rút ra bài học kinh nghiệm và giải quyết các điểm thiếu sót".
Dù vậy, trong ngày 20-21/5, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo vẫn công khai chỉ trích Trung Quốc không hợp tác trong điều tra cũng như cố tình tung tin giả về đại dịch.