Trực thăng Mỹ rải tiền như mưa, tại sao trực thăng Trung Quốc vẫn im lìm dưới đất?
Dân quá tiết kiệm
Hàng triệu người Mỹ đã nhận được 1.200 USD trong gói cứu trợ trị giá 2.000 tỉ USD mà chính phủ Mỹ thông qua nhằm thúc đẩy nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19.
Theo tờ Inkstone, Hong Kong, Singapore, Nhật Bản và một số nền kinh tế khác cũng đã công bố những kế hoạch tương tự nhằm phát tiền cho người dân. Một số quốc gia khác, ví dụ như Canada, Đức và Anh cấp tiền cho những nhóm thu nhập thấp hoặc người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Nhưng cho đến hiện nay Trung Quốc – nơi đầu tiên COVID-19 xuất hiện, vẫn từ chối sử dụng biện pháp phát tiền trực tiếp cho người dân để hỗ trợ cho nền kinh tế, bất chấp GDP quí I của nước này tăng trưởng âm 6,8%.
Ông Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng của công ty công nghệ dữ liệu JD Digits trao đổi với Inkstone rằng tỉ lệ tiết kiệm của hộ gia đình cao giúp chính phủ Trung Quốc không cần phải gấp gáp phát tiền mặt cho người dân như những nước khác.
Theo ông Shen, một công dân Trung Quốc thông thường có đủ tiền tiết kiệm để sống sót trong vài tháng.
Trung Quốc có tỉ lệ tiết kiệm hộ gia đình thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Năm 2016, trung bình một hộ gia đình Trung Quốc tiết kiệm 36% thu nhập khả dụng, trong khi đó tại Mỹ, con số này là 7%.
Ngoài ra, tỉ lệ tiết kiệm cao đồng nghĩa với việc các nhà hoạch định chính sách không thể trông đợi người dân sẽ tiêu thật nhiều tiền nhằm thúc đẩy kinh tế trong một cuộc suy thoái.
Nhà kinh tế Shen cho biết: "Nếu chính phủ Trung Quốc phát tiền rộng rãi cho người dân, nhiều người sẽ tiết kiệm thay vì chi tiêu. Vậy nên biện pháp này có thể sẽ không phát huy được hiệu quả trong việc kích thích kinh tế".
Đây chính là lí do vì sao các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang sử dụng chương trình voucher (phiếu giảm giá) trả trước để thúc đẩy nền kinh tế.
Thông thường có hai loại voucher khác nhau: Một loại tương đương với tiền mặt nhưng chỉ có thể sử dụng để thanh toán cho một số mặt hàng nhất định, loại khác chỉ giảm giá cho hàng hóa hoặc dịch vụ.
Từ cuối tháng 3, khoảng 40 chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã phát lượng voucher trị giá khoảng 565 triệu USD để kích thích chi tiêu trong ngành bán lẻ, nhà hàng, du lịch và các lĩnh vực khác.
Nhưng nhà kinh tế Hu Xingdou thì cho rằng voucher chỉ có tác động tối thiểu trong việc cung cấp hỗ trợ ngay lập tức cho những người cần được giúp đỡ nhất. Voucher hạn chế cách người tiêu dùng tiêu tiền, hoặc yêu cầu người dân phải có sẵn tiền mới có thể sử dụng được.
Ví dụ, ở thành phố Nam Kinh, voucher ăn uống 14 USD chỉ được áp dụng cho những người gọi đồ ăn hơn 21 USD.
Ông Hu nói: "Một số voucher vẫn yêu cầu người dân phải tiêu tiền. Điều này có nghĩa là mục tiêu của chính phủ vẫn tập trung vào việc kích thích nền kinh tế và duy trì thành tựu của nền kinh tế, chứ không phải là giúp đỡ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn".
Nhà kinh tế này cho rằng Trung Quốc nên phát tiền mặt cho những người thuộc nhóm thu nhập thấp.
Ông Hu cho biết: "Tại Trung Quốc, thành tựu kinh tế được đo lường bằng GDP. Chỉ tiêu này không phản ánh cuộc sống của người dân, cũng như những nỗi đau khổ và vất vả mà họ phải trải qua".
Ông Hu lấy hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc làm ví dụ. Hàng loạt các dự án xây dựng đã thúc đẩy GDP của Trung Quốc, nhưng chúng hầu như không có ích gì trong việc tăng mức sống của những người không có tiền để đi tàu cao tốc thường xuyên.
Chậm cải cách tài chính
Theo Bloomberg, một nguyên nhân khác khiến chính phủ Trung Quốc không phát tiền mặt cho người dân là vì tốc độ cải cách tài chính của nước này diễn ra chậm chạp.
Tại Mỹ, khi cần vay tiền, chính phủ sẽ phát hành Trái phiếu Kho bạc. Số trái phiếu này được săn đón bởi cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các chính phủ nước ngoài sở hữu tới 1/4 số nợ công của Mỹ.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài chỉ nắm giữ 10% nợ công của Trung Quốc, mặc cho trong suốt nhiều năm chính phủ nước này liên tục nói về việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và mở cửa thị trường.
Các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước nắm giữ tới 2/3 lượng trái phiếu phát hành bởi chính phủ Trung Quốc. Các ngân hàng cũng không giao dịch trái phiếu chính phủ, mà giữ chúng cho đến khi đáo hạn.
Vì vậy, khi chính phủ Trung Quốc mở rộng thâm hụt tài khóa và vay tiền, họ phải xem xét liệu việc mua thêm trái phiếu mới có ngăn cản các ngân hàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp không.
Vốn dĩ, các ngân hàng lớn của Trung Quốc không có động lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ. Các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ có qui mô không lớn và lãi suất thấp, khiến cho ngân hàng chỉ thu được biên lợi nhuận mỏng. Do vậy, ngân hàng thường ưa thích sử dụng tiền gửi của khách hàng để mua trái phiếu chính phủ hơn là cho doanh nghiệp nhỏ vay.
Nếu muốn phát tiền mặt cho người dân, nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ phải phát hành trái phiếu để có tiền tài trợ cho chương trình này. Nhưng nếu làm vậy, các doanh nghiệp sẽ càng gặp khó hơn khi vay tiền, vì ngân hàng sẽ ưu tiên mua vào trái phiếu chính phủ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/