|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hong Kong đào đâu ra tiền mà phát cho mỗi người dân gần 1.300 USD?

18:58 | 04/03/2020
Chia sẻ
Hong Kong dự định sẽ phát tiền cho người dân để hỗ trợ cho nền kinh tế trước tác động tiêu cực của dịch virus corona (COVID-19). Tuy nhiên kế hoạch này sẽ không khả thi nếu chính quyền thành phố quyết định đánh thêm thuế để tài trợ cho khoản chi này.
Chính sách tiền trực thăng của Hong Kong chật vật để cất cánh - Ảnh 1.

Người dân đi lại trên đường phố Hong Kong. Ảnh: Getty Images

Nếu muốn tặng người dân tiền mặt để tiêu, tốt nhất chính quyền nên thuyết phục được công chúng rằng chương trình này có thể được chi trả bằng cách đơn giản là in thêm tiền. Nếu người dân phải đóng thêm thuế trong tương lai thì sẽ chẳng còn ai mặn mà với gói hỗ trợ này nữa.

Đây sẽ là vấn đề nan giải đối với Bộ trưởng tài chính Hong Kong Paul Chan. 

Theo Bloomberg, thành phố này dự định tặng cho mỗi người thường trú trên 18 tuổi 10.000 đô la Hong Kong (1.285 USD) để giảm thiểu tác động của dịch virus corona tới nền kinh tế. Tổng cộng chính quyền Hong Kong sẽ cần phải bỏ ra tới 71 tỉ HKD (9,14 tỉ USD).

Nhưng dĩ nhiên kể cả bộ trưởng tài chính cũng không thể biến không khí thành tiền. Hiện người dân Hong Kong đang chất vấn ông Paul Chan rằng liệu thành phố có định áp thuế tiêu dùng để tiếp tục tài trợ cho các biện pháp cứu trợ này hay không.

Việc phải đóng thuế là điều mà không người dân nào muốn, vì nó đồng nghĩa với việc họ phải nộp tiền để được nhận quà.

Một số nhà phân tích đánh giá biện pháp phát tiền cho người dân là một vũ khí mà các nền kinh tế lớn cũng có thể sử dụng để chống lại ảnh hưởng tiêu cực của dịch virus corona đối với chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng.

Lãi suất tại nhiều nước trên khắp thế giới đã quá thấp và khó có thể cắt giảm thêm. Bên cạnh đó, chính phủ các nước cũng không có đủ các dự án có thể nhanh chóng thúc đẩy chi tiêu. 

Do vậy, việc phát tiền mặt cho người dân có lẽ là cách tốt nhất để thúc đẩy hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh dịch virus corona có thể cản trở việc điều động công nhân và vận chuyển vật liệu.

Hong Kong không phải là ví dụ tiêu biểu về chính sách phát tiền cho người dân. Theo nhà kinh tế học nổi tiếng Milton Friedman, việc "rải tiền từ trực thăng" này đòi hỏi phải phối hợp các chính sách tiền tệ và tài khóa.

Nhưng vì Hong Kong từ bỏ chính sách tiền tệ của riêng mình để neo giá trị đồng HKD vào đồng USD, thành phố này không thể thực hiện chính sách "tiền trực thăng". Số tiền 71 tỉ HKD chính quyền Hong Kong hứa tặng cho người dân sẽ được thanh toán từ khoản dự trữ 1.100 tỉ HKD của thành phố.

Chính sách tiền trực thăng của Hong Kong chật vật để cất cánh - Ảnh 2.

Liệu Hong Kong có nên tăng thuế?

Dự trữ của Hong Kong có thể giúp đẩy lùi thách thức trong hiện tại. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu chính quyền phải liên tục hỗ trợ cho người dân tiền vì suy thoái kéo dài? Với vị thế là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, Hong Kong không thể mạo hiểm để cho dự trữ của mình kiệt quệ dẫn tới bị hạ bậc xếp hạng tín dụng.

Mùa hè năm nay, khoảng 7 triệu người thường trú ở Hong Kong sẽ nhận được thông báo rằng tài khoản ngân hàng của họ vừa tăng thêm 10.000 HKD. Nhưng những người này sẽ không thể chối bỏ được cảm giác rằng thực chất đây chỉ là khoản vay mà họ sẽ phải trả lại trong tương lai bằng cách đóng thuế nhiều hơn.

Nếu vậy, có thể sẽ có nhiều người giữ lại một phần số tiền này để tiết kiệm, và mục tiêu phát tiền để kích thích kinh tế của chính quyền Hong Kong sẽ thất bại.

Thành phố giàu có châu Á này không đánh thuế tiêu dùng, và thuế suất thu nhập cao nhất chỉ là 17%. Ngân sách Hong Kong phụ thuộc nhiều vào phí đánh vào quyền sử dụng đất và thuế chuyển nhượng bất động sản.

Theo Bloomberg, đối thủ của Hong Kong là Singapore cũng đang nới lỏng hầu bao để chống lại tác động của dịch virus corona. Nhưng đảo quốc sư tử có nguồn doanh thu đa dạng hơn, bao gồm khung thuế lũy tiến cao hơn Hong Kong (cao nhất là 22%), thuế hàng hóa và dịch vụ 7% (sẽ tăng lên 9% vào năm 2025), thuế thu từ casino và tiền thu được từ quĩ đầu tư và công ty đầu tư quốc gia.

Bộ trưởng tài chính Chan dự đoán ngân sách thành phố sẽ thâm hụt 139 tỉ HKD (17,89 tỉ USD) trong 12 tháng tới. Ông cũng cảnh báo tình trạng thâm hụt sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.

Dự trữ lũy kế của thành phố được dự báo sẽ giảm xuống còn 937 tỉ HKD (120,61 tỉ USD) vào tháng 3/2025, đủ để tài trợ chi tiêu công trong 15 tháng.

Hồi tháng 3/2018, dự trữ của Hong Kong đủ cho chính quyền chi tiêu trong 28 tháng. Nhưng năm ngoái, những cuộc biểu tình chống chính quyền đã giáng đòn mạnh xuống kinh tế thành phố này. Chưa kịp thoát khỏi suy thoái, Hong Kong đã lại phải chống chọi với dịch virus corona.

Hong Kong không thể mãi dựa vào của cải tích lũy từ quá khứ. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television, Bộ trưởng Tài chính Paul Chan cho biết chính quyền thành phố đang cân nhắc thảo luận về các biện pháp để tăng doanh thu, bao gồm cả việc áp đặt thuế tiêu dùng.

Ông Chan nói: "Hong Kong vốn nổi tiếng là có hệ thống thuế đơn giản và thuế suất thấp. Tôi sẽ kêu gọi các học giả, chuyên gia về thuế và các ngành trong nền kinh tế cùng hợp tác với chính quyền để tìm ra biện pháp thích hợp".

Trước đây, Hong Kong đã xem xét đến hệ thống thuế đánh vào dịch vụ và hàng hóa theo mô hình của Singapore. Nhưng ông Chan cho rằng trong xã hội vẫn còn bất bình đẳng thu nhập, thuế tiêu dùng sẽ tác động mạnh đến người nghèo hơn là người giàu.

Singapore cũng có tình trạng bất bình đẳng, nhưng đảo quốc này có hệ thống phức tạp để phân phối lại tiền cho người nghèo. Khác với Hong Kong, hầu hết người dân Singapore sống trong nhà ở xã hội. Kích thước của các căn hộ trở thành công cụ để kiểm tra thu nhập của mọi người.

Trong khi đó, Hong Kong mới chỉ bắt đầu áp dụng một số chế độ phúc lợi xã hội trong những lĩnh vực như giáo dục, y tế và nhà ở để thu hẹp chênh lệch thu nhập. Thuế hàng hóa và dịch vụ lũy thoái có thể sẽ khiến cho mọi thành quả mới thu được biến mất. Và chắc chắn công chúng sẽ phản ứng dữ dội trước những sắc thuế này. 

Các lựa chọn khả thi khác

Một lựa chọn khác của Hong Kong là sử dụng lợi nhuận đầu tư từ thặng dư ngân sách quá khứ để tài trợ cho các khoản tiền hỗ trợ người dân trong tương lai.

Ngoài ra, Hong Kong cũng có thể dùng hơn 90 tỉ HKD (11,6 tỉ USD) có trong các quĩ đầu tư phục vụ mục đích đặc biệt của chính quyền.

Trong trường hợp không thực hiện các thay đổi mang tính cấu trúc, cách duy nhất Hong Kong có thể duy trì các "món quà" hào phóng mà không phải đánh đổi hệ thống thuế cạnh tranh là giữ cho giá nhà ở cao và bán thêm đất cho các tập đoàn phát triển bất động sản.

Vì đất trống tại đảo Hong Kong và Cửu Long không còn nhiều, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào các dự án mới đầy tranh cãi như Lantau Tomorrow. Nội dung kế hoạch trị giá 624 tỉ HKD này xoay quanh việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên 1.000 héc-ta đất khai hoang.

Giá nhà ở đắt đỏ cũng sẽ sinh ra bất bình đẳng và xung đột xã hội. Nhưng một khi đã quyết định mạo hiểm với dự án bất động sản, chính quyền Hong Kong sẽ không thể quay đầu lại.

Những nền kinh tế lớn mạnh hơn có thể thử nghiệm chính sách "rải tiền từ trực thăng". Còn Hong Kong chỉ có thể phát tiền cho dân từ trên nóc các khu chung cư xa xỉ với hi vọng rằng sự ảo tưởng về tiền bạc sẽ khiến người dân tiếp tục mơ ước về một ngày có thể sở hữu một căn hộ đắt đỏ phía trên.

Giang