|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trừng phạt Trung Quốc: Ông Trump dọa nhiều nhưng không làm được bao nhiêu

17:53 | 20/05/2020
Chia sẻ
Tuy lớn tiếng đe dọa, Tổng thống Trump sẽ khó có thể thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc cho dù là về thương mại, tài chính, công nghệ hay chủ quyền.

Đối với Tổng thống Donald Trump, việc lớn tiếng đổ lỗi Trung Quốc tỏ ra là chiến thuật hiệu quả nhằm đánh lạc hướng dư luận muốn chỉ trích những thất bại của nước Mỹ trong ứng phó dịch COVID-19. 

Để chứng tỏ lời nói đi đôi với việc làm, chính quyền của ông Trump đang xem xét nhiều chính sách mạnh tay trừng phạt Trung Quốc với cáo buộc bưng bít thông tin về đại dịch ở Vũ Hán.

Các biện pháp cụ thể được nhắc tới gần đây bao gồm hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc giao dịch ở Mỹ hay thậm chí là cắt đứt hoàn toàn quan hệ giữa hai nước.

Tuy nhiên, "trừng phạt Trung Quốc" vốn vẫn là chuyện nói dễ hơn làm và nếu làm thật, không chỉ hai siêu cường mà cả thế giới có thể rơi vào hỗn loạn kinh tế, thậm chí chiến tranh quân sự.

Theo South China Morning Post (SCMP), chính quyền Tổng thống Trump có thể công kích Trung Quốc trên ba mặt trận gồm: thương mại, tài chính và công nghệ. Tuy nhiên, mỗi mặt trận đều có nguy cơ gây ra những tổn thất khổng lồ cho nước Mỹ.

Tái phát động thương chiến?

Ông Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ áp thuế trở lại với hàng hóa Trung Quốc, nhưng như cuộc chiến thương mại năm 2019 cho thấy, nâng thuế quan không mang lại lợi ích cho kinh tế Mỹ, thậm chí còn làm náo loạn thị trường tài chính toàn cầu, khiến môi trường kinh doanh thêm bất ổn.

Tuần trước, quan chức Mỹ - Trung nối lại đối thoại và phía Trung Quốc tái khẳng định cam kết mua thêm 76,7 tỉ USD hàng hóa Mỹ trong năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Diễn biến này cho thấy lời đe dọa tái khởi động thương chiến của ông Trump khó trở thành hiện thực.

Chỉ còn 6 tháng nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống, do vậy ông Trump sẽ không muốn thỏa thuận thương mại đổ bể và gây tổn hại tới hàng triệu nông dân cũng như ngành năng lượng Mỹ.

Quỵt 1.000 tỉ USD nợ Trung Quốc?

Lựa chọn gây chiến thứ hai là lĩnh vực tài chính. Một số thông tin cho rằng các quan chức Nhà Trắng đang thảo luận việc Mỹ sẽ quỵt luôn số tiền đang nợ Trung Quốc. Tuy nhiên Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow đã nhanh chóng bác bỏ tin này.

Ông Kudlow hiểu rằng vỡ nợ sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với xếp hạng tín dụng của Mỹ trên thị trường tài chính thế giới, đồng thời đe dọa vị thế đồng tiền dự trữ của USD.

Trung Quốc hiện đang nắm giữ 1.100 tỉ USD trái phiếu Mỹ. Đối với Bắc Kinh, nếu mất 1.100 tỉ USD mà có thể lật đổ sự thống trị của đồng USD thì đây quả là cái giá quá rẻ.

Thêm vào đó, nếu Mỹ quyết định không thanh toán nghĩa vụ nợ cho Trung Quốc tức là đã công khai chiếm đoạt tài sản của một quốc gia có chủ quyền – một hành động thường được coi là lời tuyên chiến. Trật tự thế giới sẽ bị đảo lộn nghiêm trọng.

Theo SCMP, nếu Mỹ quỵt tiền để giải quyết tranh chấp về tài chính thì các nước khác cũng có thể làm theo, sự hỗn loạn trên thị trường tài chính sẽ phá hỏng những khuôn khổ luật pháp căn bản nhất được áp dụng từ sau Thế chiến II đến nay.

Trung Quốc nỗ lực tự chủ công nghệ

Lựa chọn thứ ba là hạn chế chuyển giao công nghệ. Hành động này sẽ gây tổn hại lớn và làm chậm tốc độ tăng trưởng của ngành công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên tác động lâu dài đối với sự phát triển của Trung Quốc sẽ không quá nghiêm trọng. 

Từ năm 2016 Mỹ đã thắt chặt hoạt động chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, doanh nghiệp Mỹ từ lâu đã bị cấm bán các sản phẩm có khả năng điều khiển từ xa cho mục đích quân sự.

Chính sự hạn chế này giải thích tại sao mặt hàng mà Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ là tàu bay và đậu nành.

Tháng 4/2018, ông Trump cấm doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện cho hãng công nghệ ZTE của Trung Quốc, khiến tập đoàn này suýt nữa phá sản. Tuy nhiên lệnh cấm của ông Trump cũng bị các hãng sản xuất chip của Mỹ phản đối mạnh mẽ vì Trung Quốc là khách hàng lớn những của các nhà cung cấp này.

Cấm doanh nghiệp Mỹ bán hàng cho Trung Quốc tức là khiến doanh nghiệp mất đi một thị trường khổng lồ.

Chính sách hà khắc mà Mỹ áp dụng với ZTE đã trở thành lời cảnh tỉnh đối với chính phủ Trung Quốc và cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó đến nay, Trung Quốc liên tục rót nguồn lực khổng lồ vào ngành công nghiệp bán dẫn và tự phát triển các mẫu chip riêng cho công ty trong nước.

Theo SCMP, mặc dù khoảng cách công nghệ giữa các nước phương Tây và Trung Quốc vẫn còn rất lớn nhưng thị phần của sản phẩm chip nội địa Trung Quốc đã tăng từ 20% của ba năm trước lên thành 40% hiện nay.

Một lệnh cấm vận công nghệ với Trung Quốc sẽ không khả thi nếu các nước khác không tham gia cùng Mỹ. Và nếu chính quyền ông Trump quyết định một lần nữa cấm bán chip cho Trung Quốc, các nhà cung cấp ở châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có cơ hội gia tăng thị phần.

Quan trọng hơn, chính quyền Bắc Kinh đã hạ quyết tâm tự chủ về công nghệ bán dẫn vào năm 2025.

"Điểm nhạy cảm" Đài Loan

Một phương án gây căng thẳng khác là Mỹ có thể tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan hay thậm chí công khai ủng hộ Đài Loan độc lập khỏi Trung Quốc đại lục. Để chọc giận Trung Quốc và thể hiện ủng hộ với các quốc gia trong khu vực, Mỹ cũng có thể đẩy mạnh cường độ và tần suất hiện diện ở Biển Đông.

Đài Loan là một vấn đề rất nhạy cảm và Bắc Kinh chắc chắn sẽ nổi trận lôi đình nếu Mỹ ủng hộ Đài Loan độc lập, lãnh đạo Trung Quốc đại lục sẽ buộc phải dùng đến các biện pháp quân sự mạnh tay.

Nếu chiến tranh nổ ra giữa hai bờ eo biển Đài Loan, liệu Mỹ có đưa quân đến bảo vệ Đài Loan không? 

Từ sau khi Tổng thống Richard Nixon tới thăm Trung Quốc năm 1972, chính sách của Mỹ về vấn đề Đài Loan là giữ lập trường "mập mờ chiến lược". Chính sách này tỏ ra hiệu quả trong việc tránh được các phản ứng gay gắt từ cả Trung Quốc đại lục lẫn Đài Loan. Nếu ông Trump thay đổi chính sách, rủi ro xung đột quân sự sẽ là rất lớn.

Những kịch bản trên cho thấy những đe dọa của ông Trump tỏ ra chỉ là những lời nói sáo rỗng, đặc biệt là đối với một siêu cường như Trung Quốc. Cấm vận kinh tế hay đe dọa trừng phạt sẽ không khiến Trung Quốc hợp tác hơn với Phương Tây mà trái lại chỉ khiến cho tư tưởng dân tộc của Trung Quốc thêm mạnh mẽ, tâm lí thù ghét Mỹ thêm lan tỏa, thế giới hậu COVID trở nên biến động và nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Song Ngọc

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.