Hôm 1/10 vừa qua Viện quản lí nguồn cung công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho thấy hoạt động sản xuất giảm sâu kỉ lục trong hơn 10 năm trở lại đây. Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Chủ tịch Fed Jerome Powell giống như những lần số liệu kinh tế tiêu cực trước đây.
Tuy nhiên ông Trump không thể cứ trốn tránh trách nhiệm của mình đối với sự suy yếu của nền kinh tế.
Diễn biến nền kinh tế hiện nay đang rất giống với tình trạng khiến ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton để tuột ghế Tổng thống hồi năm 2016.
Có thể Mỹ hiện không rơi vào một cuộc suy thoái toàn diện nhưng theo các số liệu mới nhất, gần như chắc chắn Mỹ đã gặp phải một cuộc suy thoái cục bộ hoặc suy thoái "mini" giống với năm 2015.
Số liệu PMI gần đây nhất thậm chí còn thấp hơn hồi đầu năm 2016 và đà lao dốc còn nhanh hơn rất nhiều.
Trong một năm từ tháng 1/2015 đến tháng 1/2016, PMI giảm từ 54,1 xuống 48 điểm. Trong khi chỉ trong 6 tháng gần đây, PMI giảm từ 55,3 xuống 47,8 điểm. Chỉ số PMI trên 50 điểm thể hiện hoạt động sản xuất mở rộng so với tháng trước, bằng 50 điểm chứng tỏ không thay đổi và nhỏ hơn 50 cho thấy sự thu hẹp.
Càng đáng lo hơn khi chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới – thường được coi là dự báo về lợi nhuận doanh nghiệp trong tương lai – sụt xuống chỉ còn 41 điểm.
Triển vọng nhìn chung hầu như không có điểm tích cực nào. Đa phần nền kinh tế Mỹ có thể miễn nhiễm với thương mại nhưng hoạt động sản xuất lại kết nối với phần còn lại của thế giới thông qua nhiều kênh khác nhau.
Trước tiên phải kể đến hoạt động xuất khẩu trực tiếp máy móc hạng nặng. Sản phẩm này cùng lúc dính phải hai đòn chí mạng từ thuế quan, một là chi phí nguyên liệu đầu vào tăng lên và nhu cầu giảm xuống ở cả thị trường Trung Quốc, Đức và Nhật Bản. Nền kinh tế suy yếu còn kìm hãm giá dầu.
Các vụ tấn công vào Saudi Arabia đã phần nào giúp giá dầu đi lên trong mấy tuần gần đây nhưng nhu cầu suy yếu trên toàn thế giới đã đè nặng lên thị trường dầu từ suốt mùa hè.
Giá dầu thấp dẫn tới đầu tư khai thác dầu fracking tại Mỹ thấp và từ đó kéo theo nhu cầu với trang thiết bị sản xuất suy giảm.
Yếu tố tiêu cực thứ hai là động thái trả đũa thuế quan của Trung Quốc đã khiến ngành nông nghiệp Mỹ thiệt hại nặng nề, người nông dân vì vậy mà không mua sắm nhiều máy móc mới. Năm 2015 kinh tế Mỹ chững lại khi giá dầu và giá nông sản sụt giảm do kinh tế Trung Quốc suy thoái, và sự giảm tốc Mỹ chứng kiến hiện nay cũng có những nguyên nhân trực tiếp khá tương tự, nhưng là xuất phát từ cuộc chiến thương mại.
Sự giảm tốc của nền kinh tế này mới nghe có vẻ không đến mức quá ghê gớm. Nhiều người không làm việc trong ngành năng lượng, nông nghiệp và sản xuất có thể không biết đến đợt "suy thoái mini" hồi năm 2015 do tăng trưởng GDP vẫn dương và tỉ lệ thất nghiệp vẫn đi xuống.
Tuy nhiên trong bối cảnh cử tri chia rẽ như hiện nay, sự giảm tốc của nền kinh tế có thể sẽ khiến cán cân bầu cử nghiêng về phía Đảng Dân chủ đối lập Tổng thống Trump.
Theo số liệu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố tháng 9 vừa qua, nước Mỹ đã có hai quí suy giảm hoạt động sản xuất liên tiếp.
Lần gần đây nhất hoạt động sản xuất của nước Mỹ giảm hai quí liên tiếp là nửa đầu năm bầu cử 2016. Khi đó, nước Mỹ mất tổng cộng 30.000 việc làm sản xuất do giá dầu giảm gây ảnh hưởng tới ngành năng lượng rồi lan rộng ra cả toàn khu vực sản xuất. Tuy nhiên năm 2016 cũng không có quí nào mà sản lượng công nghiệp giảm mạnh tới 3,1% như quí II năm nay.
Nhìn chung, hoạt động sản xuất của Mỹ không đến mức sụp đổ, nhưng chiều hướng biến động lại không có lợi. Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, tính từ khi ông Trump nhậm chức tới cuối tháng 8 vừa qua, nước Mỹ có thêm 485.000 việc làm sản xuất.
Tuy nhiên phần lớn sự tăng trưởng này đến từ hai năm đầu của nhiệm kì Tổng thống. Trong nửa sau của nhiệm kì khi cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần, đà tăng chậm lại, thậm chí là chuyển sang sụt giảm tại một số bang.
Diễn biến này đe dọa khả năng chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử 2020. Trong 8 tháng đầu năm 2019, nước Mỹ tạo mới 44.000 việc làm sản xuất, giảm sâu so với con số 170.000 của 8 tháng đầu năm ngoái.
Cho dù ông Trump muốn đảo ngược tình hình thì cũng không ai biết là nên làm thế nào. Nếu ngay ngày mai Tổng thống Mỹ tuyên bố chấm dứt chiến tranh thương mại thì nông dân và doanh nghiệp Mỹ cũng phải đợi vài tháng mới dám tin lời ông vì ông Trump nổi tiếng là nay nói một đằng, mai làm một nẻo.
Sau đó sẽ cần có thêm một khoảng độ trễ khác trước khi doanh số bán trang thiết bị công nghiệp phục hồi và số lượng việc làm ngành sản xuất tăng lên.
Ngày 11/10 mới đây, ông Trump tuyên bố Trung Quốc đã đồng ý mua 40-50 tỉ USD nông sản Mỹ, nhưng thực tế chưa có thỏa thuận nào được kí kết và nông dân cũng như doanh nghiệp vẫn còn rất hoài nghi, chưa vội ăn mừng.
Đáng chú ý hơn nữa là sự trì trệ trong hoạt động sản xuất và nông nghiệp lại đánh mạnh nhất vào các bang dao động (swing state) cực kì quan trọng trong cuộc bầu cử sắp tới như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania.
Bloomberg dẫn số liệu của Economic Innovation Group cho thấy trong 7 tháng đầu năm, có 22 bang của Mỹ sụt giảm về số lượng việc làm ngành sản xuất. Trong đó Pennsylvania mất 8.300 việc làm, Wisconsin mất hơn 4.000 việc làm.
Trong tình huống lạc quan nhất, ông Trump cũng khó có thể tuyên bố chính sách của mình đã vực dậy nền kinh tế. Trong trường hợp xấu nhất, các số liệu cho thấy chính sách của ông Trump đã phản tác dụng.
Tổng thống Trump từng hứa vực dậy khu vực sản xuất của nước Mỹ, đưa việc làm trở về quê nhà thông qua chính sách thương mại, cắt giảm thuế trong nước và tháo gỡ nhiều qui định quản lí.
Ông Trump rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại NAFTA, đối đầu với Trung Quốc và dùng thuế quan như một thứ vũ khí kinh tế tầm xa. Tuy nhiên kết quả thực tế lại không được như mong đợi.
Khi tranh cử năm 2016, ông Trump đã lớn tiếng chỉ trích hệ thống thương mại quốc tế và tiến trình toàn cầu hóa. Luận điểm này giúp ông nhỉnh hơn đối thủ và giành chiến thắng ở các bang "khó nhằn" như Wisconsin.
Nhưng dường như chính sách gây chiến thương mại khắp nơi này đang phá hỏng đợt hồi phục trong lĩnh vực sản xuất và khiến ông Trump không thể dùng hình ảnh nền kinh tế vững mạnh để thuyết phục cử tri trong năm 2020.
Khi nền kinh tế rơi vào cảnh trì trệ khiến ông Trump không thể khoe khoang công trạng bản thân, vị Tổng thống Mỹ chuyển sang dùng chiêu quen thuộc là "trăm dâu đổ lên đầu Fed".
Khi đổ lỗi cho một mình Fed vẫn chưa đủ, ông Trump quay sang công kích giới doanh nghiệp Mỹ. Hồi đầu tháng 9, Tổng thống Mỹ đăng lên Twitter: "Chỉ những công ty yếu kém và quản trị tồi mới đổ lỗi cho thuế quan thay vì tự nhận trách nhiệm về mình".
Ông còn đe dọa sẽ buộc doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc để tìm các cơ sở sản xuất thay thế khác.
Khi không chỉ trích Fed hay doanh nghiệp, ông Trump lại đổ lỗi cho hoàn cảnh. Cuối tháng 8 năm nay, ông Trump tuyên bố: Cho dù nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cũng phải đối đầu với Trung Quốc, không có lựa chọn nào khác.
Chiến thuật "đổ lỗi tứ tung" này có thể xuôi tai với những người ủng hộ trung thành nhất; nhưng các cử tri dao động (swing voters) thường là những người ít tiếp xúc với thông điệp tranh cử hay các tư liệu truyền thông của ông Trump và do vậy sẽ bỏ phiếu dựa theo tình hình thực tế.
Và nếu tình hình nền kinh tế tiếp tục sa sút, cơ hội thắng cử của ông Trump cũng đi xuống theo.