Trung Quốc tham vọng soán ngôi vương công nghệ của Mỹ bằng kế hoạch 1.400 tỉ USD
Theo kế hoạch được Chủ tịch Tập Cận Bình hậu thuẫn, Trung Quốc sẽ đầu tư 1.400 tỉ USD vào lĩnh vực công nghệ trong từ nay cho đến 2025.
Bắc Kinh kêu gọi chính quyền địa phương và những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Huawei xây dựng mạng lưới mạng 5G, lắp đặt camera, phát triển phần mềm AI làm nền tảng cho các nhà máy tự động và hệ thống giám sát hàng loạt.
Kế hoạch cơ sở hạ tầng mới được cho là sẽ thúc đẩy những gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc như Alibaba và Huawei, trong khi khiến doanh nghiệp Mỹ chịu thua thiệt.
Những kế hoạch tương tự của Bắc Kinh đã hứng chịu sự chỉ trích gay gắt từ chính quyền Tổng thống Trump, dẫn đến các động thái của Mỹ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei.
Bà Maria Kwok, Giám đốc điều hành của Digital China Holdings nhận xét: "Đây là một sự kiện chưa từng có tiền lệ, là bước đầu để Trung Quốc chiến thắng cuộc đua công nghệ toàn cầu".
Cú thúc cho công nghệ là một phần nội dung của gói tài khóa đang chờ được cơ quan lập pháp Trung Quốc thông qua trong tuần này. Dự kiến Bắc Kinh sẽ công bố kinh phí 563 tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Alibaba Group Holding và Tencent Holdings sẽ là những công ty chủ chốt trong kế hoạch trên. Huawei đã được giao nhiệm vụ xúc tiến mạng 5G.
Theo Bloomberg, Trung Quốc không xa lạ gì với các kế hoạch xa vời, có chi phí khổng lồ nhưng hiệu quả lại thấp. Không gì có thể đảm bảo được chương trình này sẽ giúp nền kinh tế hồi sinh trở lại như các cam kết ban đầu.
Theo Trung tâm Phát triển Công nghiệp Thông tin Trung Quốc, 1.400 tỉ USD dự kiến cấp cho kế hoạch sẽ được đổ vào trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, đường dây siêu cao áp và đường sắt tốc độ cao.
Còn theo ước tính của Morgan Stanley, dự án cơ sở hạ tầng mới sẽ tiêu tốn của Trung Quốc tổng cộng 1.980 tỉ USD trong vòng 11 năm, tương đương 180 tỉ USD mỗi năm. Con số này gần gấp đôi số tiền Trung Quốc chi trung bình trong vòng ba năm qua.
Dù thậm chí còn chưa được kí thông qua, dự án của Bắc Kinh đã khuấy động thị trường chứng khoán. Dự án này cũng là một trong những lí do chính khiến cho 5 trong số 10 cổ phiếu sinh lời tốt nhất trong năm nay của Trung Quốc là cổ phiếu công nghệ.
Nhiều khả năng doanh nghiệp Mỹ sẽ không được hưởng lợi gì từ gói kích thích này của Bắc Kinh, mà thậm chí còn bị thiệt hại.
Đầu năm nay, khi nhà mạng viễn thông lớn nhất nước China Mobile tìm kiếm đối tác cho các hợp đồng trị giá 37 tỉ nhân dân tệ (5,2 tỉ USD) xây dựng các trạm 5G, phần lớn số hợp đồng này rơi vào tay Huawei và các doanh nghiệp Trung Quốc.
Digital China sẽ giúp các thành phố Trường Xuân thay thế dịch vụ của doanh nghiệp điện toán đám mây Mỹ như IBM, Oracle và EMC bằng công nghệ nội địa.
Phần lớn việc phát triển cơ sở hạ tầng mới sẽ tập trung vào các trung tâm dữ liệu. Từ đó, dòng tiền đầu tư sẽ tiếp tục chảy vào những lĩnh vực liên quan. Tập đoàn Chindata ước tính với mỗi 1 USD đầu tư vào trung tâm dữ liệu, sẽ có thêm 5 – 10 USD đổ vào các lĩnh vực như sản xuất mạng lưới điện và thiết bị tiên tiến.
Cũng có những ý kiến lo ngại về việc liệu chiến lược dài hạn này có nhiều tác dụng trong việc kích thích kinh tế hiện nay hay không, cũng như nguồn tài trợ sẽ đến từ đâu.
Giáo sư Zhu Tian tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc Châu Âu cho biết: "Nền kinh tế không thể được thúc đẩy chỉ bằng xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Nếu bạn thấy lo về những khoản nợ gia tăng của chính phủ, cũng như khả năng chi trả nợ hiện nay, dĩ nhiên bạn sẽ không thực hiện các dự án này. Nhưng đây là điều cần thiết trong thời kì khủng hoảng".