Kịch bản xấu nhất của quan hệ Mỹ - Trung dần trở thành hiện thực
Thỏa thuận thương mại khó bền
Ngày 15/1/2020, Mỹ và Trung Quốc kí kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau nhiều tháng tranh chấp căng thẳng. Dường như hai siêu cường đã tránh được một cuộc Chiến tranh Lạnh của thế kỉ 21 mà nhiều người vẫn lo ngại.
Ở Washington trong buổi kí thỏa thuận "gắn kết hai quốc gia", Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố "quan hệ của Mỹ với Trung Quốc đang tốt đẹp chưa từng thấy". Thỏa thuận đã nhóm lên tia hi vọng rằng Mỹ có thể dàn xếp trong hòa bình những xung đột và khác biệt với một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Cùng trong ngày 15/1, các quan chức y tế tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) thừa nhận rằng không thể loại bỏ khả năng một căn bệnh viêm phổi lạ mới xuất hiện ở thành phố này có thể lây từ người sang người.
Một người mới đến thăm Vũ Hán rồi trở về quê nhà ở bang Washington (Mỹ) cũng được xác nhận dương tính và trở thành bệnh nhân đầu tiên nhiễm chứng viêm phổi lạ sau này được đặt tên là COVID-19.
4 tháng sau, COVID-19 đã là đại dịch toàn cầu và trở thành cuộc khủng hoảng y tế đáng sợ nhất trong hơn một thế kỉ qua. Ít nhất 4,5 triệu người đã nhiệm bệnh và trên 311.000 người từ vong. Nền kinh tế toàn cầu rơi tự do vào vùng suy thoái, chưa biết lúc nào thoát được ra.
Chính đại dịch này đã thổi bùng lên những kịch bản tồi tệ nhất về mối quan hệ Mỹ - Trung, đẩy hai siêu cường vào thế đối đầu nhau hơn bao giờ hết.
Từ chuỗi cung ứng tới thị thực, an ninh mạng và vấn đề Đài Loan, hai nước Mỹ - Trung đang leo thang tranh chấp trong hàng loạt lĩnh vực. Tổng thống Trump thậm chí còn tỏ ra bực bội về thỏa thuận thương mại vừa kí ba tháng trước. Ngày 14/5 vừa qua, ông Trump cho biết không muốn nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và rằng Mỹ có thể tiết kiệm 500 tỉ USD nếu cắt đứt mọi quan hệ với Trung Quốc.
Lời qua tiếng lại giữa hai bên nhiều khả năng sẽ càng thêm ồn ào khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020 đang đến gần. Ông Trump ngày càng lớn tiếng đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch COVID-19 nhằm gia tăng khả năng tái đắc cử.
Chính quyền của ông Tập đứng trước vấn nạn thất nghiệp tràn lan và xuất khẩu giảm sút cũng quyết định khơi dậy tinh thần dân tộc chống lại nước Mỹ để khuấy động tâm lí nhân dân.
Ông Gao Zhikai - người từng phiên dịch cho cố Chủ tịch Đặng Tiểu Bình nhận xét: "Tác động của COVID-19 đối với cả Mỹ và Trung Quốc đã khiến cho quan hệ song phương xấu đi tới mức sắp đứt gãy hoàn toàn. Kể từ khi hai nước bình thường hóa năm 1979, quan hệ Mỹ-Trung chưa bao giờ nguy hiểm và đối đầu như hiện nay".
Thỏa thuận thương mại đã giảm bớt rủi ro đánh thuế lẫn nhau nhưng các tranh chấp khác hiện vẫn còn nguyên hoặc thậm chí là xấu đi. Ông Trump và cấp dưới liên tục chọc giận Trung Quốc bằng các chỉ trích và cáo buộc vô cớ như virus gây COVID-19 thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Bắc Kinh cố ý vơ vét hết vật tư y tế của thế giới hay hacker Trung Quốc tìm cách đánh cắp nghiên cứu về vắc xin.
Để đáp trả, giới ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc tung ra giả thuyết rằng các vận động viên thể thao thuộc Lục quân Mỹ đã phát tán COVID-19 khi tới Vũ Hán. Trung Quốc còn cáo buộc "một số chính trị gia Mỹ" tấn công Trung Quốc để trốn tránh trách nhiệm khi Mỹ dẫn đầu thế giới cả về số người xác nhận nhiễm và tử vong vì đại dịch.
Nhiều quan chức Mỹ bị truyền thông Trung Quốc gọi là kẻ dối trá, Ngoại trưởng Mike Pompeo bị gắn mác là "xấu xa".
"Khơi mào chiến tranh"
Cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay đã tạo điều kiện cho những "diều hâu" (người mang tư tưởng thù địch) ở cả hai bên tung ra những lời đe dọa lẫn nhau.
Một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa nổi tiếng đã đề nghị Mỹ "quỵt" luôn khoản tiền hơn 1.000 tỉ USD mà Mỹ vay của Trung Quốc. Nếu làm thật thì hành động này chẳng khác gì công khai tuyên chiến.
Ông Hồ Tích Tiến - Tổng Biên tập Thời báo Hoàn Cầu thì gợi ý rằng Trung Quốc nên tăng số lượng đầu đạn hạt nhân từ khoảng 300 hiện nay lên 1.000.
Bất đồng về đại dịch còn làm nóng lại những vấn đề căng thẳng trước đây như vị thế của Đài Loan trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar đã có một cuộc nói chuyện điện thoại hiếm hoi với Bộ trưởng Y tế Đài Loan. Trong tuần này, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật đề nghị cho Đài Loan làm thành viên chính thức của WHO, một tàu khu trục của Mỹ mới đây cũng đi qua Eo biển Đài Loan.
Dòng chảy thông tin giữa hai nước dường như chịu thiệt hại nặng nề nhất khi hàng chục nhà báo hai bên bị trục xuất trong mấy tháng gần đây. Mỹ đã giảm thời hạn visa (thị thực) cho nhân viên báo chí Trung Quốc xuống còn 90 ngày và chính quyền Bắc Kinh đe dọa sẽ trả đũa thích đáng.
Quan hệ sẽ cải thiện dưới thời Biden?
Nhiều nhà quan sát Trung Quốc từng vui mừng khi ông Trump đắc cử Tổng thống năm 2016 vì cho rằng ông Trump là một người thực dụng, không quá coi trọng vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Tuy nhiên những xung đột hiện nay đã khiến cho Trung Quốc không còn hi vọng nhiều vào triển vọng đạt được thỏa thuận với ông Trump.
Ông Thời Ân Hoằng - Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh và cố vấn cho chính phủ Trung Quốc cho rằng nước này nên bớt lời lẽ chỉ trích Mỹ để giữ hòa khí với Đảng Dân chủ sau cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/2020. Cả Đảng Dân chủ và Trung Quốc đều đang yêu cầu ông Trump chịu trách nhiệm vì để COVID-19 hoành hành làm hàng triệu người Mỹ mắc bệnh và hơn 88.000 người chết.
Bà Susan Shirk - Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc Thế kỉ 21 của Đại học California San Diego nhận định: "Nếu ông Biden đắc cử, chính sách của Mỹ sẽ ít mang tính ý thức hệ và nặng về thực tiễn hơn. Thay vì đối đầu toàn diện với Trung Quốc mà không có mục tiêu rõ ràng, ông Biden sẽ gia tăng áp lực ở một số lĩnh vực như an ninh quốc gia và công nghệ với mục tiêu thỏa thuận sự thay đổi chính sách của Trung Quốc".
Triển vọng tương lai phụ thuộc nhiều vào việc thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một có được duy trì đến sau cuộc bầu cử tổng thống hay không. Ông Trump tỏ ra ngày càng mất kiên nhẫn với Trung Quốc, S&P Global Ratings thì dự báo đất nước tỉ dân khó có khả năng thực hiện cam kết mua thêm 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ trong năm nay và năm sau.
Ngày 13/5, ông Trump đăng tweet: "Giao du với Trung Quốc gây ra rất nhiều thiệt hại. Chúng ta vừa có một Thỏa thuận Thương mại tuyệt vời, mực còn chưa kịp ráo, vậy mà thế giới đã bị tấn công bởi Dịch Hạch từ Trung Quốc. 100 Thỏa thuận Thương mại cũng không thể bù đắp cho được tổn thất sinh mạng của những người vô tội đã mất!"
Cả ông Trump và ông Tập đều không muốn một cuộc chiến thuế quan vào lúc này do đại dịch COVID-19 đã đẩy cả hai nền kinh tế vào cuộc suy thoái lịch sử. Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hai nhà lãnh đạo là tình trạng thất nghiệp liên tục tăng cao, có khả năng gây ra nhiều bất ổn xã hội.
Quan hệ căng thẳng hiếm thấy
Mỗi cuộc tranh chấp lại khiến cho sự ngờ vực giữa hai siêu cường thêm sâu sắc. Mỹ muốn lợi dụng những gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19 gây ra cho Trung Quốc để đẩy hoạt động sản xuất đi nơi khác.
Sáng 14/5, ông Trump cho biết ông "đang xem xét" các doanh nghiệp Trung Quốc giao dịch tại sàn chứng khoán New York (NYSE) và Nasdaq nhưng không tuân theo qui định kế toán của Mỹ.
Cùng trong ngày 14/5, Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua dự luật nhằm trừng phạt những quan chức Trung Quốc bị cho là vi phạm nhân quyền người Hồi thiểu số.
Đầu tuần này hôm 11/5, ông Trump đã chỉ đạo cho Ủy ban đầu tư tiết kiệm hưu trí Liên bang (FRTIB) dừng ngay kế hoạch đầu tư 4 tỉ USD vào cổ phiếu Trung Quốc.
Giáo sư Thời Ân Hoằng của Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng sự mâu thuẫn giữa hai nước hiện nay có qui mô toàn diện hơn so với trước và cả hai bên đều "ưu tiên những vấn đề trong nước".
"Quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã rơi vào hố sâu tồi tệ nhất nhiều thập kỉ trở lại đây và sẽ ngày càng căng thẳng hơn", vị giáo sư này nói. "Đối đầu về chiến lược sẽ tạm lắng nhưng xung đột về chính trị và hệ tư tưởng đang cố tình bị đẩy lên cao".