|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giới chuyên gia: Thỏa thuận mua lượng nông sản khổng lồ của Mỹ và Trung Quốc mang tính chính trị nhiều hơn thực tế

18:28 | 16/12/2019
Chia sẻ
Theo các chuyên gia phân tích, việc Trung Quốc tăng cường mua nông sản để đạt mức như yêu cầu của Washington sẽ trở thành một vấn đề đau đầu và Bắc Kinh có thể nhập khẩu nếu tình hình thị trường đảm bảo.

Những bình luận của các chuyên gia dấy lên sự hoài nghi về việc thu mua nông sản, một phần của thỏa thuận giai đoạn một được hai bên tuyên bố thời gian gần đây.

Gọi đó là khối lượng thu mua khổng lồ với sức mạnh làm biến dạng thị trường với qui mô toàn cầu, bà Deborah Elms, giám đốc điều hành của Asian Trade Centre, nhận định: "Việc tăng cường qui mô lớn với tốc độ như vậy sẽ trở thành vấn đề".

Trao đổi với CNBC, bà cho biết: "Tôi sẵn sàng đặt cược rằng chúng ta sẽ trở lại bàn đàm phán tường đối nhanh ngay cả khi chúng ta đã đạt được thỏa thuận, vì khả năng thực tế để đáp ứng khối lượng thu mua đó của Trung Quốc bị giới hạn".

Hôm 13/12, các quan chức Mỹ và Trung Quốc tuyên bố cả hai quốc gia cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận sau cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng.

Tuy nhiên, như một phần của thỏa thuận, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh Trung Quốc phải mua thêm nông sản Mỹ, và cho biết Bắc Kinh sẽ sớm mua 50 tỉ USD giá trị nông sản. Về phần mình, ông cam kết không theo đuổi một đợt thuế quan mới, dự kiến có hiệu lực hôm 15/12.

Tuy nhiên, bà Elms cảnh báo Trung Quốc rất cận trọng khi đề cập tới việc sẽ thu mua theo điều kiện thị trường và các qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

"Nói cách khác, đó là một cảnh báo rằng: 'ngay cả khi chúng tôi hứa như vậy ... nên cẩn thận vì nếu thị trường không hỗ trợ thu mua với khối lượng đó, chúng tôi có thể sẽ không đạt mục tiêu đưa ra'", bà cho biết.

Các chuyên gia phân tích khác cũng đưa ra quan điểm tương tự.

Một thỏa thuận mang tính tính trị nhiều hơn thực tế

"Một số trong thỏa thuận này thực sự thiên về chính trị hơn thực tiễn", ông Mark Jolley, chiến lược gia toàn cầu tại CCB International Securities, nói.

Một điểm sáng ở đây có thể là nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, với việc Trung Quốc sẽ cần tăng số lượng heo vì dịch tả heo châu Phi đã giết chết hàng triệu con heo tại quốc gia châu Á.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tiến hành nhiều đợt thu lớn đối với đậu nành, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính được sử dụng cho heo, cũng như lượng thịt heo lớn kỉ lục, theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc chắc chắn cần mua nông sản, họ hiện tại cũng có thỏa thuận với những quốc gia khác, bà Elms chỉ ra.

Chẳng hạn, Trung Quốc phần lớn đã chuyển sang Nam Mỹ để nhập khẩu đậu nành kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu. Xuất khẩu đậu nành Mỹ sang quốc gia châu Á giảm mạnh trong nửa cuối năm ngoái sau khi Bắc Kinh trả đũa thuế quan của Mỹ bằng thuế của riêng mình.

Trong khi Trung Quốc có thể thay đổi một số nguồn cung hiện tại để mua hàng từ Mỹ, khối lượng thu mua lớn trong một khung thời gian ngắn, từ mức hiện tại lên 50 tỉ USD như ông Trump yêu cầu, biến nó thành thử thách rất khó khăn.

Năm ngoái, Bắc Kinh chỉ mua khoảng 8,6 tỉ USD giá trị nông sản Mỹ.

Các cam kết hiện tại của Trung Quốc sẽ làm tăng bất ổn về thời gian tiến hành thu mua lượng nông sản đó, ông Jim Sutter, giám đốc điều hành của Hội đồng Xuất khẩu Đậu Nành Mỹ, nhận định.

Bất chấp việc ông Trump đàm phán với hi vọng thúc đẩy xuất khẩu nông sản, ông Sutter cũng cho biết ngành đậu nành không muốn chỉ làm ăn với Trung Quốc và muốn thấy một thị trường tự do và mở.

"Điều chúng tôi muốn thấy là đậu nành Mỹ cạnh tranh với nguồn cung từ các nơi khác... Chúng tôi không muốn trở thành nhà cung cấp chính của Trung Quốc. Chúng tôi muốn trở thành nhà cung cấp của toàn bộ thị trường trên thế giới", ông Sutter chia sẻ.


Lyly Cao

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.