|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sau đại dịch, Trung Quốc còn lại bao nhiêu người bạn?

09:20 | 14/05/2020
Chia sẻ
Ông Long Yongtu - người từng giữ vai trò nhà đàm phán thương mại chính của Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh có thể sẽ bị Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới xa lánh sau đại dịch COVID-19.

Loại Trung Quốc khỏi trật tự kinh tế mới

Tờ Inkstone News dẫn lời ông Long Yongtu - cựu quan chức từng giúp Trung Quốc giành được chiếc ghế trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi năm 2001, cho hay đất nước tỉ dân có thể bị cô lập trong trật tự kinh tế toàn cầu hậu đại dịch COVID-19.

Đây không phải là lời cảnh báo đầu tiên từ một nhân vật có ảnh hưởng tại Trung Quốc khi mà ngày càng có nhiều người lo ngại về khả năng chính quyền Bắc Kinh bị xa lánh sau đại dịch.

Khi nhiều nước nối gót Mỹ chỉ trích Trung Quốc che đậy tình hình dịch bệnh, một số quan chức ở đất nước tỉ dân đang lo ngại rằng Washington và đồng minh sẽ cố gắng loại trừ Bắc Kinh khỏi trật tư kinh tế quốc tế mới.

Hậu đại dịch, Trung Quốc có thể mất thêm 'bạn' trên trường quốc tế? - Ảnh 1.

Nhà đàm phán thương mại kì cựu Long Yongtu. (Ảnh: SCMP)

Ông Long nói: "Trung Quốc cũng là một thành viên quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa, vì vậy khi ai đó bắt đầu nói về xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa thì cũng có người lên tiếng về chủ nghĩa bài xích Trung Quốc. Dĩ nhiên, chúng tôi cần phải cảnh giác cao độ".

"Hậu đại dịch, chuỗi thương mại, đầu tư và công nghiệp quốc tế sẽ đón nhận những thay đổi đáng kể. Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại lớn cho toàn cầu hóa", ông Long nhận định.

Đại dịch lây lan trên toàn cầu đã phá vỡ chuỗi cung ứng và phơi bày sự phụ thuộc của các nước khác vào Trung Quốc - thị trường cung ứng nhiều sản phẩm quan trọng. Đại dịch có thể đẩy nhanh cuộc di cư của các doanh nghiệp nước ngoài, một xu hướng đã bắt đầu diễn ra từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Ông Li Yang - Giám đốc Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia (thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc), đồng tình với ông Long Yongtu: "Chúng tôi có nhiều lí do để khẳng định có một liên minh quốc tế đang dần hình thành và không bao gồm cả Trung Quốc lẫn đồng nhân dân tệ".

"Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc làm cho đồng nhân dân tệ mạnh lên, biến nó thành một loại tiền tệ quốc tế. Tương tự, làm cho Trung Quốc mạnh lên cũng rất quan trọng", ông Li Yang cho hay.

Chính trường cũng cam go không kém

Ngoài áp lực kinh tế, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia và các nước khác đang kêu gọi tổ chức điều tra độc lập nhằm xác định nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, theo Inkstone News.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc COVID-19 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, tuy nhiên giới khoa học và chính phủ một số nước đã bác bỏ suy luận này. Ngoài ra, ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức và chính phủ yêu cầu Trung Quốc xin lỗi và bồi thường.

Một số nhà bình luận ở Trung Quốc cho biết xu hướng trên gợi nhắc đến "bách niên quốc sỉ" (hay nỗi nhục trăm năm của đất nước) - thời kì mà các cường quốc phương Tây và Nhật Bản tranh nhau xâu xé Trung Quốc. Cũng từ thời kì này, tinh thần dân tộc trong công chúng Trung Quốc mới được khơi dậy cho đến ngày nay.

Các nhà lập pháp hàng đầu Bắc Kinh, dẫn đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình, đã kêu gọi đất nước chuẩn bị cho những thay đổi lâu dài và bền vững trong môi trường bên ngoài.

Một số chuyên gia dự đoán quan hệ quốc tế, đặc biệt là với Mỹ, sẽ là một chủ đề quan trọng tại cuộc họp quốc hội của Trung Quốc vào cuối tháng 5.

Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến hôm 8/5, ông Shi Yinhong - giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, đồng thời là cố vấn cho nội các của chính quyền Bắc Kinh, cho rằng đại dịch góp phần khiến Mỹ - Trung cách xa nhau hơn.

"Tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng công nghiệp và suy giảm mạnh mẽ trong hoạt động du lịch quốc tế là hai trong số các đặc điểm dễ thấy nhất", ông Shi nói.

Hồi tháng trước, ông Cao Dewang - một doanh nhân có nhà máy thủy tinh tự động từng được giới thiệu trong bộ phim tài liệu American Factory, cảnh báo rằng vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu hậu đại dịch có thể yếu đi.

Bất chấp thái độ thù địch của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc đang gia tăng, nhà đàm phán thương mại Long Yongtu vẫn lạc quan về triển vọng lâu dài của tiến trình toàn cầu hóa.

Ông Long kêu gọi Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường nội địa cho nhà đầu tư bên ngoài và doanh nghiệp Trung Quốc cũng nên theo đuổi nhiều thương vụ M&A ở nước ngoài hơn để giúp đất nước hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Yên Khê

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.