Mỹ siết qui định kế toán, cổ phiếu Trung Quốc có thể bị hủy niêm yết
Dự luật Trách nhiệm của Doanh nghiệp Nước ngoài (HFCAA) yêu cầu các công ty quốc tế phải chứng minh họ "không thuộc sở hữu hoặc bị kiểm soát bởi chính phủ nước ngoài".
Giá cổ phiếu Alibaba niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đã giảm 2% sau khi tin tức trên được công bố.
Dù dự luật này áp dụng với mọi công ty nước ngoài, các nhà lập pháp cho biết động thái siết chặt yêu cầu công bố thông tin chủ yếu nhắm vào Bắc Kinh.
Thượng nghị sĩ John Kennedy, một thành viên Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện viết trên Twitter hôm 19/5: "Trung Quốc luôn gian lận, và dự luật Thượng viện đang thảo luận sẽ ngăn Trung Quốc gian lận trên sàn chứng khoán Mỹ".
Cụ thể, dự luật yêu cầu các báo cáo tài chính của doanh nghiệp nước ngoài phải do Hội đồng giám sát kế toán công ty đại chúng Mỹ (PCAOB) kiểm toán bởi vì doanh nghiệp sử dụng công ty kế toán nước ngoài không chịu sự kiểm tra của Hội đồng.
Nếu không, doanh nghiệp phải chứng minh mình không thuộc sở hữu hoặc bị thao túng bởi chính phủ nước ngoài.
Trong trường hợp PCAOB không thể kiểm tra công ty kế toán trong ba năm liên tiếp, chứng khoán của doanh nghiệp sẽ bị cấm giao dịch.
Việc dự luật được thông qua với sự nhất trí tuyệt đối phản ánh các nhà phập pháp Mỹ đang ngày càng giận dữ với Trung Quốc. Không chỉ về cách xử lí COVID-19, nhiều nhà quản lí Mỹ cho rằng Trung Quốc không coi trọng các tiêu chuẩn công khai thông tin trên sàn chứng khoán của nước này.
Khác với nhiều quốc gia, Trung Quốc không cho phép PCAOB thanh tra sổ sách của các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở Mỹ.
Ngoài ra, các cơ quan quản lí nước ngoài, bao gồm cả Mỹ, cũng không được phép trực tiếp điều tra và thu thập bằng chứng trên đất Trung Quốc.
"Hi vọng rằng đây sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh đến Trung Quốc, để nước này tuân thủ các điều luật giống như phần còn lại của thế giới, và cho phép hoạt động kiểm toán các doanh nghiệp Trung Quốc được diễn ra minh bạch", ông Clete Willems, cựu cố vấn thương mại chính quyền Tổng thống Trump nói với CNBC.
Sức ép từ chính phủ và nhà đầu tư Mỹ
Quốc hội Mỹ không phải là bên duy nhất thấy không hài lòng với Trung Quốc.
Tuần trước, Nhà Trắng đã chỉ đạo cơ quan phụ trách giám sát hàng tỉ USD tiền tiết kiệm hưu trí liên bang tạm dừng kế hoạch đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Bộ trưởng Lao động Eugene Scalia cảnh báo rằng các kế hoạch đầu tư của cơ quan này "sẽ rót hàng tỉ USD tiền tiết kiệm cho các công ty rủi ro và đe dọa an ninh quốc gia".
Bộ trưởng Scalia cho biết Tổng thống Donald Trump lo ngại tiền tiết kiệm của viên chức liên bang – bao gồm cả giới quân nhân - có thể bị đem đi ủng hộ những doanh nghiệp bất đồng với lợi ích địa chính trị của Mỹ.
Theo CNBC, Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ (SEC) gần đây cũng đã cảnh báo rằng việc đầu tư vào các doanh nghiệp nước ngoài có thể gây ra những rủi ro cực lớn. Chủ tịch SEC Jay Clayton khuyên nhà đầu tư cần đặc biệt thận trọng khi có ý định nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc.
Các nhà đầu tư Mỹ từ lâu đã kêu gọi SEC gây sức ép để chấm dứt các hoạt động bất chính của doanh nghiệp Trung Quốc. Nhà đầu tư ngày càng lên tiếng mạnh mẽ hơn sau vụ bê bối khai khống doanh thu của Luckin Coffee.
Giá cổ phiếu Luckin niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đã bốc hơi hơn 90% kể từ đầu năm 2020. Công ty cũng đã sa thải CEO và COO sau vụ bê bối trên.
Luckin cho biết công ty đã nhận được thông báo bằng văn bản từ đại diện của sàn giao dịch Nasdaq. Phía Nasdaq đã xác định rằng cổ phiếu của Luckin nên bị hủy niêm yết do "các lo ngại về lợi ích của công chúng" và "không công bố thông tin trọng yếu".