Trung Quốc thách thức ông Trump với dự luật an ninh Hong Kong
Ngày 22/5, Bắc Kinh xác nhận chính quyền ông Tập Cận Bình sẽ phớt lờ cơ quan lập pháp của Hong Kong để thực thi luật an ninh quốc gia. Người dân tại đặc khu hành chính Hong Kong từ lâu đã phản đối luật an ninh mới vì lo sợ bộ luật sẽ làm xói mòn quyền tự do ngôn luận, hội họp và báo chí của họ.
Sau thông báo trên, người dân Hong Kong đã ngay lập tức kêu gọi biểu tình phản đối. Chỉ số chứng khoán MSCI Hong Kong đánh dấu phiên lao dốc tồi tệ nhất kể từ năm 2008, chỉ số Hang Seng mất 5%.
Đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, luật an ninh quốc gia mới cho phép Bắc Kinh tái khẳng định quyền thống trị đối với Hong Kong sau khi chính phủ Trung Quốc không thể kiểm soát hoàn toàn phong trào biểu tình đôi khi chuyển biến thành bạo lực tại Hong Kong vào năm ngoái.
Bắc Kinh đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng tại Trung Quốc đại lục do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và nguy cơ tổn thất lớn trong cuộc bầu cử lập pháp tại Hong Kong vào tháng 9 tới.
Do đó, chính phủ Trung Quốc tin chắc rằng hành động quyết liệt để ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng sẽ mang lại nhiều lợi thế hơn, Bloomberg nhận định.
Động thái mới của Bắc Kinh có nguy cơ gây leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Từ chuỗi cung ứng, thị thực (visa) đến không gian mạng và Đài Loan, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đã sẵn sàng đối chọi nhau trên nhiều mặt trận khi cả ông Trump lẫn ông Tập đều muốn giành lấy niềm tin của cử tri giữa lúc người dân muốn tìm một ai đó để đổ lỗi khi mức sống đi xuống.
Tâm lí bất an trong giới lãnh đạo Trung Quốc đã được thể hiện tại lễ khai mạc phiên họp quốc hội ở thủ đô Bắc Kinh, nơi Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố Trung Quốc sẽ từ bỏ việc đặt mục tiêu tăng trưởng sau nhiều thế kỉ vì "sự bất ổn lớn" trong nền kinh tế thế giới.
Theo Bloomberg, Trung Quốc đã cố tránh gây leo thang căng thẳng thương mại với Tổng thống Trump sau khi ông chủ Nhà Trắng liên tục chỉ trích Bắc Kinh che đậy đại dịch.
Thủ tướng Lý Khắc Cường từng cam kết Trung Quốc sẽ làm việc với Mỹ để thực hiện thỏa thuận giai đoạn một, chỉ ngay trước khi đại dịch COVID-19 đẩy cả nền kinh tế và khả năng tái đắc cử của ông Trump vào thế nguy khốn.
"Giới lãnh đạo Trung Quốc không muốn bị cáo buộc là hủy bỏ thỏa thuận thương mại hay bội ước với Mỹ", ông James Green - cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay. "Nếu thỏa thuận thất bại, Trung Quốc muốn Mỹ là bên phải phá vỡ cam kết".
Câu hỏi lớn lúc này là liệu ông Trump sẽ phản ứng ra sao. Trong nhiều tuần qua, ông Trump đã nhiều lần đe dọa từ bỏ thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và vào ngày 21/5, ông nói Mỹ sẽ phản ứng "rất mạnh mẽ" nếu Trung Quốc thực hiện luật an ninh quốc gia ở Hong Kong.
Trừng phạt kinh tế
Bất kì hành động đáp trả cụ thể nào từ phía Mỹ nhiều khả năng đều sẽ có liên quan đến đánh giá của Washington về quyền tự trị của Hong Kong. Vào đầu tháng này, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã trì hoãn đưa ra một báo cáo đánh giá, dường như ông đã tiên đoán được động thái mới nhất của Trung Quốc.
Theo các điều khoản của Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992, Mỹ đã công nhận quyền tự trị hoàn toàn của Hong Kong đối với các vấn đề thương mại và kinh tế ngay cả sau khi Trung Quốc nắm quyền kiểm soát vào năm 1997.
Một đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2019 cho phép Washington đưa ra biện pháp trừng phạt với bất kì quan chức Trung Quốc nào được xem là phá hoại quyền tự trị hoặc thu hồi qui chế thương mại đặc biệt của đặc khu hành chính Hong Kong.
Quốc hội Mỹ cũng có thể can thiệp thêm, chẳng hạn như cấm Hong Kong nhập khẩu các công nghệ nhạy cảm có thể ứng dụng trong lĩnh vực tiêu dùng và quân sự như sợi carbon từ Mỹ.
Dù vậy, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cách Trung Quốc cai trị Hong Kong sau các quyết định gần đây của giới lãnh đạo tại Bắc Kinh, ông Antony Dapiran - một luật sư kiêm tác giả cuốn "City on Fire: The Fight for Hong Kong", nhận định.
Các lựa chọn khác để ông Trump trả đũa Trung Quốc đều không phù hợp: Suy thoái kinh tế khiến Washington ít có khả năng gây áp lực với Bắc Kinh thông qua thuế quan, do đây còn là phương án làm tăng thêm chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ.
Thay vào đó, Mỹ có thể tập trung cắt bớt quan hệ tài chính với Trung Quốc như thông qua dự luật có thể hủy niêm yết của một số công ty Trung Quốc trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ và cơ cấu lại chuỗi cung ứng cho các mặt hàng thiết yếu.
Trung Quốc cũng đang cảm thấy sức nóng từ các quốc gia khác: Tranh chấp về đại dịch đã làm căng thẳng mối quan hệ giữa Trung Quốc với Australia và Liên minh châu Âu, trong khi các nước nghèo vay vợ theo Sáng kiến Vành đai và Con đường đều đang chật vật thanh toán nợ.
Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất với Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn là tình trạng thất nghiệp đang gia tăng tại quê nhà. Ông David Zweig - giáo sư danh dự tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong kiêm Giám đốc công ty Transnational China Consulting, cho rằng khi ngày càng có nhiều người trẻ tại đại lục mất việc, Bắc Kinh sẽ không muốn các cuộc biểu tình bạo lực ở Hong Kong tái bùng phát.
"Giới lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa, vì vậy họ mới ra dự luật an ninh mới", ông Zweig nói.