|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đối đầu với Trung Quốc dù phụ thuộc về kinh tế: Australia can đảm hay dại dột?

13:09 | 22/05/2020
Chia sẻ
Mối bất hòa giữa Australia và Trung Quốc đã bị thổi bùng lên trong thời gian gần đây sau khi Australia kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến hành điều tra nguồn gốc COVID-19. Trung Quốc nhanh chóng đáp trả mạnh mẽ bằng các biện pháp kinh tế và thương mại.
Đối đầu với Trung Quốc dù phụ thuộc kinh tế: Australia can đảm hay ngu ngốc? - Ảnh 1.

Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc ngày càng rạn nứt. Ảnh: Big Stock

Australia là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới. GDP đứng thứ 10 toàn cầu. Tỉ lệ thất nghiệp thấp. Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng dân số chỉ có khoảng 25 triệu người.

Trong khi toàn bộ thế giới phải vật lộn với Khủng hoảng Tài chính châu Á 1997, bong bóng công nghệ (dot-com) đầu những năm 2000, suy thoái toàn cầu 2008, Australia lại chưa phải trải qua cuộc suy thoái nào kể từ năm 1991. GDP của nước này liên tục tăng trưởng trong suốt 29 năm. Gần như không một quốc gia phát triển nào có được thành tích ấn tượng như vậy.

Nhưng thành công của Australia không phải hoàn mỹ. Điểm yếu chí mạng của kinh tế Australia là sự phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc. Theo một nghiên cứu của ngân hàng trung ương Australia, nếu GDP Trung Quốc giảm 5%, GDP nước này sẽ giảm 2,5%.

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Australia. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước có trị giá khoảng 137 tỉ USD, với các mặt hàng chủ đạo là thực phẩm, quặng sắt và than. 

Đối đầu với Trung Quốc dù phụ thuộc kinh tế: Australia can đảm hay ngu ngốc? - Ảnh 2.

Việt hóa: Giang.

Khoảng 30% hàng xuất khẩu của Australia được bán sang Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa của Australia nhiều hơn cả ba đối tác thương mại lớn tiếp theo của Australia là Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc cộng lại.

Kinh tế Australia còn phụ thuộc vào Trung Quốc vào khía cạnh quan trọng khác là giáo dục. Giáo dục quốc tế đóng góp 37,6 tỉ USD cho nền kinh tế Australia trong năm tài chính 2018. Trong khi đó, có đến 37,3% du học sinh đến Australia mang quốc tịch Trung Quốc.

Australia khơi mào cuộc chiến ngoại giao, Trung Quốc đáp trả bằng kinh tế

Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/4, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã đứng ra kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19.

Động thái này đã khiến Trung Quốc tức giận và nhanh chóng tuyên bố cuộc điều tra "được thúc đẩy bởi động cơ chính trị". Trung Quốc cũng đe dọa người tiêu dùng nước này có thể sẽ tẩy chay sản phẩm của Australia. Du học sinh và khách du lịch Trung Quốc cũng sẽ suy nghĩ lại về việc đến Australia.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg đã bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc, và khẳng định Australia sẽ không chịu cúi đầu khuất phục trước "các cưỡng ép về kinh tế".

Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc gọi lời kêu gọi tiến hành điều tra của Australia là "không khác gì một trò đùa". Đáp trả, Bộ trưởng thương mại Australia Simon Birmingham gọi những bình luận này là "rẻ tiền", "khiêu khích" và "không phù hợp".

Ngày 18/5, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp đặt thuế quan 80,5% lên lúa mạch nhập khẩu từ Australia. Đây sẽ là đòn đánh mạnh tới nông sản xuất khẩu của Australia. Giá trị xuất khẩu lúa mạch trị giá khoảng 1,3 tỉ AUD (834 triệu USD) sang Trung Quốc mỗi năm chiếm khoảng một nửa kim ngạch xuất khẩu lúa mạch của Australia, theo tờ South China Morning Post.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã tuyên bố ngừng nhập khẩu thịt bò từ 4 công ty chế biến lớn nhất của Australia.

Hậu quả kinh tế từ các biện pháp thương mại trả đũa của Trung Quốc tới kinh tế Australia sẽ rất lớn, nhất là trong bối cảnh Australia đang sắp phải đối mặt với cuộc suy thoái đầu tiên trong gần 30 năm.

"Ngay cả trong thời kì tốt đẹp nhất, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng đã đủ khó, và trong thời khủng hoảng hiện nay, đây gần như là bất nhiệm vụ khả thi", nhà kinh tế Roland Rajah của Viện Lowy nhận định.

Ông Mark van Dyck, giám đốc thị trường châu Á – Thái Bình Dương của nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm Compass Group lo ngại: "Đề xuất cắt giảm thương mại với Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với việc cắt giảm chất lượng sống của người dân Australia, và giảm thiểu năng lực hồi phục kinh tế sau đợt suy thoái do COVID-10 gây ra".

Trước những động thái trả đũa của Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Australia vẫn tuyên bố "Australia sẽ luôn kiên định trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia".

Bộ trưởng Nông nghiệp Australia cho biết chính phủ sẽ hối thúc Trung Quốc hủy bỏ thuế quan, và nếu yêu cầu này không được chấp nhận thì sẽ kiện lên WTO.

Hướng đi nào cho Australia?

Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã có những rạn nứt từ trước khi COVID-19 bùng phát. Chính phủ Australia cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này, đồng thời cũng lo ngại về việc Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương.

Có vẻ như Australia muốn nhân cơ hội vấn đề y tế toàn cầu như COVID-19 để lôi kéo sự ủng hộ của các nước khác nhằm đối đầu với Trung Quốc, và làm suy yếu sự ảnh hưởng của Bắc Kinh đến chính trị nước này. 

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia. Điều này cũng có nghĩa hàng hóa Australia rất cần thiết đối với Trung Quốc, và Bắc Kinh sẽ không dễ dàng tìm được đối tác thương mại để thay thế Australia. 

Việc áp dụng thuế quan lên hàng nhập khẩu Australia cũng sẽ làm tổn thương người tiêu dùng Trung Quốc. Có thể Australia cho rằng điều này sẽ khiến các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh không quá nặng nề, và do đó nền kinh tế nước này sẽ đủ sức chống chọi được. 

Cũng có thể Australia cho rằng Trung Quốc khó có thể leo thang các biện pháp trả đũa kinh tế do lo ngại mang tiếng xấu. Trên thực tế, Trung Quốc gọi việc áp đặt thuế quan lên lúa mạch Australia là biện pháp nhằm chống hành vi bán phá giá, chứ không liên kết quyết định này với cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19. 

Tuy nhiên, chính phủ Australia dù muốn cũng không thể phủ nhận rằng nền kinh tế nước này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Và trong bối cảnh Australia cần chuẩn bị để đối phó với cuộc suy thoái đầu tiên trong 3 thập kỉ, nhu cầu hàng hóa từ Trung Quốc càng đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.

Giáo sư Thời Ân Hoằng, cố vấn cho nội các Trung Quốc cho biết: "Nếu chính phủ Australia vẫn lớn tiếng yêu cầu điều tra, các biện pháp đối phó của Trung Quốc sẽ ngày càng mạnh tay. Nhưng nếu chính phủ nước này lưu tâm đến lợi ích kinh tế và sự phản đối của cộng đồng doanh nghiệp và chịu lùi bước, thì Trung Quốc sẽ không cần đẩy mọi chuyện đi xa hơn". 

"Lùi bước" có thể là một từ mà giới chính trị gia Australia thấy khó chấp nhận. Nhưng ít nhất, có lẽ họ nên ngừng hô hào điều tra sâu hơn chuyện nguồn gốc của COVID-19.

Giang