|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch virus corona phơi bày những lỗ hổng trên con tàu kinh tế quá lệ thuộc vào Trung Quốc

12:04 | 28/02/2020
Chia sẻ
Tác động của dịch virus corona (covid-19) đã phơi bày mức độ phụ thuộc của nền kinh tế Australia vào Trung Quốc, đồng thời dịch covid-19 còn đặt ra câu hỏi rằng liệu người khổng lồ châu Á có đang chi phối Australia quá nhiều hay không.

Những con tàu im lìm trên bến cảng vì virus corona

Theo Bloomberg, mức độ phụ thuộc nói trên đang được thể hiện rõ ở thị trấn ven biển Geraldton thuộc vùng Tây Úc, nơi mà một loài "rồng" biển có thể "thổi bay" thu nhập của các ngư dân địa phương.

Tôm hùm (hay longxia trong Hoa ngữ) thường được đánh giá cao trong các dịp lễ ở Trung Quốc vì sắc đỏ, càng và sống lưng đẹp mắt của chúng gợi nhớ về rồng - một sinh vật thần thoại, trong lòng người dân Trung Quốc.

Các lệnh phong tỏa tại Trung Quốc vì dịch virus corona dịp giáp Tết Nguyên đán đồng nghĩa rằng đội tàu đánh cá của thị trấn Geraldton đã mắc kẹt trên bến cảng vào đúng thời điểm bội thu của họ trong năm.

Bloomberg: Dịch virus corona phơi bày lỗ hổng ở nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc - Ảnh 1.

Tàu thuyền im lìm trên bến cảng của thị trấn Geraldton vì dịch virus corona đã đóng sập cánh cửa vào thị trường Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)

Ông Matt Rutter - Tổng Giám đốc của Hợp tác xã Ngư dân Geraldton, ước tính sản lượng khai thác tôm hùm từ thời điểm Tết Nguyên đán của Trung Quốc đến cuối tháng 3 thường đạt gần 2.000 tấn, với giá trị thị trường hơn 120 triệu AUD (tương đương 79 triệu USD).

Tuy nhiên, năm nay lại không may mắn như vậy. Ông Rutter cho hay các thuyền trưởng, thuyền viên, tài xế xe tải, cơ sở đóng gói xuất khẩu và nhiều công ty khác không có nhiều việc để làm và do vậy cũng chẳng kiếm được bao nhiêu.

"Đây là lần đầu tiên thị trấn Geraldton ngưng đánh bắt", ông Rutter chia sẻ với Bloomberg.

Bloomberg nhận định trong nhóm các nước phát triển, Australia là nền kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc nhất, khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu của nước này là đến Trung Quốc.

Công dân Trung Quốc chiếm khoảng 38% số sinh viên nước ngoài và 15% khách du lịch đến Australia.

Chúng tôi đang bị thử thách, nhưng không phải do căng thẳng chính trị như nhiều người lo ngại mà là do một cuộc khủng hoảng y tế.

Ông Richard McGregor - một thành viên cấp cao của Viện Lowy (có trụ sở ỏ Sydney), cho hay.

"Nhờ đó, chúng tôi sẽ thấy nền kinh tế Australia chống đỡ như thế nào. Đồng thời, nhiều lĩnh vực như du lịch và giáo dục sẽ trải qua một phép thử để biết liệu các ngành này có thể đa dạng hóa cơ sở khách hàng hay không", ông lí giải.

Lô hàng mật ong điêu đứng vì dịch virus corona

Ở ví dụ khác, một lô hàng mật ong sẽ cho thấy cán cân đang thay đổi như thế nào. Vào tháng 12 năm ngoái, tập đoàn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng Eve Investments đã kí được hợp đồng đầu tiên với một nhà phân phối Trung Quốc cho sản phẩm mật ong hữu cơ từ thương hiệu Meluka Australia.

Container vận chuyển đơn hàng gồm hơn 21.000 sản phẩm mật ong từ một cơ sở của Eve Investments hiện đang bị giữ lại trên bến cảng ở Sydney, chờ đợi cảng đích ở Thượng Hải cho phép thông quan.

"Vấn đề lớn nhất ở thời điểm này là logistics. Khi một số bến cảng ở Thượng Hải cho nhân viên trở về nhà cách li, việc tiếp nhận hàng hóa kịp thời ở Trung Quốc trở nên phức tạp hơn", Giám đốc quản lí Bill Fry của Eve Investments cho hay.

Hiện tại, tương tự nhiều doanh nhân Australia khác, ông Fry vẫn gắn bó với "miếng bánh khổng lồ" mà một đất nước 25 triệu dân như Australia có thể chia nhau thông qua khai thác nhu cầu của 1,4 tỉ dân tại Trung Quốc.

Về lâu dài, virus corona có thể thúc đẩy nhu cầu đối với mật ong Meluka khi mọi người chuyển sang dùng các sản phẩm có giá trị y khoa "để tăng cường hệ miễn dịch", ông Fry nói.

Ông Ben Woodward - người đang cùng hai anh trai điều hành Tập đoàn CaPTA để cung cấp các chuyến tham quan rừng rậm và công viên tự nhiên khắp khu vực Far North Queensland, cho hay ảnh hưởng nối tiếp của dịch virus corona hiện đang ở một mức độ khác biệt hoàn toàn.

Bloomberg: Dịch virus corona phơi bày lỗ hổng ở nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc - Ảnh 3.

Ảnh: Bloomberg/Tổng cục Thống kê Australia

"Tình hình hiện nay hoàn toàn xa lạ với chúng tôi", ông nói. "Dịch virus corona không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch, hiệu ứng lan tỏa của dịch còn kéo sang các ngành khác như bán lẻ, vận tải, ăn uống,..."

Xây dựng cơ ngơi từ năm 1976, gia đình Woodward giờ đây phải cắt giảm giờ làm của một số nhân viên trong đội ngũ hơn 200 lao động tại khu bảo tồn bướm, động vật hoang dã và một số mảng kinh doanh khác của công ty.

Ông Tim Toohey - cựu kinh tế trưởng của Goldman Sachs Australia, cho biết các doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc nhiều vào vốn lưu động ở nước này dễ gặp rủi ro nhất. Ông bày tỏ thái độ ngạc nhiên khi chính phủ Australia không công bố bất kì hệ thống nào để giảm thiểu tác động của dịch virus corona.

"Một hệ thống như vậy không quá tốn kém, và nó sẽ giúp duy trì được rất nhiều việc làm và cứu sống nhiều công ty mà sẽ rất khó để bắt đầu mọi thứ lại từ đầu", ông Toohey nói.

Bloomberg: Dịch virus corona phơi bày lỗ hổng ở nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc - Ảnh 4.

Ảnh: Bloomberg/Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia

Thời điểm dịch virus corona giáng đòn đau vào ngành đánh bắt hải sản và du lịch của Australia cũng đúng ngay lúc ngành giáo dục của nước này ngấm đòn. Theo Bloomberg, giáo dục là ngành xuất khẩu lớn thứ tư của Australia.

Ngành giáo dục Australia cũng dính đòn đau vì phụ thuộc vào Trung Quốc

Tại Sydney, ngay khi năm học mới bắt đầu, trường đại học lâu đời nhất của Australia đang phải vật lộn để xử lí 15.000 du học sinh Trung Quốc hiện đang không thể rời quê nhà vì các lệnh hạn chế di chuyển.

Điểm khó khăn là các bậc phụ huynh Trung Quốc sẽ rút hồ sơ của con họ khỏi các tổ chức giáo dục của Australia và chuyển chúng sang Anh hoặc Canada, nơi năm học bắt đầu vào tháng 8 hoặc tháng 9.

Bloomberg: Dịch virus corona phơi bày lỗ hổng ở nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc - Ảnh 3.

Đại học Sydney - cơ sở giáo dục lâu đời nhất Australia. (Ảnh: Bloomberg)

Các nhà quản lí tại Đại học Sydney đang cố gắng linh hoạt và duy trì liên lạc với du học sinh Trung Quốc. Trường này nêu rõ rằng hai bên có thể thảo luận thêm nếu cần, đồng thời còn có nhiều phương án thay thế nếu lệnh cấm di chuyển kéo dài.

Du học sinh Trung Quốc chiếm gần 1/4 tổng số sinh viên của Đại học Sydney vào năm 2019.

Ông Michael Spence - Hiệu trưởng Đại học Sydney, cho hay sinh viên có thể "chọn hoãn hoặc rút khỏi chương trình học mà không bị phạt trước ngày ghi danh cuối cùng là 31/3/2020".

Chính sách một con của Trung Quốc khiến du học sinh nước này dư giả hơn bất kì nhóm sinh viên quốc tế nào khác. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ lưu trú, quán cà phê, nhà hàng,...sẽ phải chịu hiệu ứng dây chuyền nếu thiếu vắng đi du học sinh Trung Quốc.

Liệu Australia có thể thoát khỏi cái bóng của người khổng lồ châu Á?

Ngành bán lẻ của Australia, vốn đã gặp vấn đề về doanh số từ trước, cũng đang rơi vào tình thế khốn đốn. Các chuỗi cửa hàng lớn như Harvey Norman và JB Hi-Fi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn hàng.

Bloomberg: Dịch virus corona phơi bày lỗ hổng ở nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc - Ảnh 6.

Ảnh: Bloomberg/Tổng cục Thống kê Australia

Trung Quốc là nguồn cung chính về điện thoại di động, máy tính và tivi cho Australia. Riêng với chuỗi Harvey Norman, Trung Quốc là nhà cung cấp đồ nội thất và nệm chủ yếu.

Nếu tình trạng thiếu hụt nguồn cung xảy ra, sẽ rất khó để các chuỗi bán lẻ tạo ra doanh số và giảm giá sản phẩm để kích cầu tại Australia.

Qui mô thống trị của Trung Quốc trong các lĩnh vực trên cho thấy không nước nào có thể dễ dàng bù đắp sự thiếu hụt này. Điều đó cũng có thể gây ra một hiện tượng không xuất hiện trong gần 20 năm qua ở Australia: lạm phát đối với hàng điện tử và tiêu dùng khác.

Bloomberg: Dịch virus corona phơi bày lỗ hổng ở nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc - Ảnh 4.

Nhiều chuỗi bán lẻ của Australia than thiếu hàng hóa từ Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)

Hiệu ứng dây chuyền của dịch virus corona trên toàn nền kinh tế Australia đã gợi lại câu hỏi cũ: Liệu nước này có đang quá chú trọng vào việc cung ứng hàng hóa cho Trung Quốc và được Trung Quốc cung cấp các sản phẩm mà họ thiếu hay không?

Trong quá khứ, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) Philip Lowe từng lập luận rằng quốc gia châu Đại Dương này sẽ tìm các thị trường thay thế nếu nhu cầu của Trung Quốc suy yếu, tuy nhiên giá hàng hóa có thể thấp hơn và do đó Australia sẽ không còn thịnh vượng như hiện tại.

"Sự bùng phát của dịch virus corona gây ra rủi ro ngắn hạn đối với triển vọng kinh tế Trung Quốc cũng như cho dòng chảy thương mại quốc tế, trong đó bao gồm cả Australia", RBA nêu rõ trong biên bản cuộc họp chính sách hôm 4/2.

Ngay cả trước khi dịch covid-19 bùng phát, chính phủ Australia đã cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu với một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA).

Gần đây nhất, Australia đã kí hiệp định với Indonesia - quốc gia đông dân thứ 4 thế giới và vẫn đang đàm phán với Ấn Độ - nước sắp vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong thập kỉ này.

Ngoài ra, Australia còn đang đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, bên cạnh kí kết thành công thỏa thuận với Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như tham gia Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tuy nhiên, Bloomberg nhận định Australia khó có thể thoát khỏi Trung Quốc. Ngay cả trong lĩnh vực mà Australia đã bắt đầu hợp tác với nhiều đối tác mới như khí hóa lỏng (LNG), Bắc Kinh vẫn đang tăng cường mua thêm sản phẩm này từ họ mỗi năm.

Dịch virus corona phơi bày những lỗ hổng trên con tàu kinh tế quá lệ thuộc vào Trung Quốc - Ảnh 9.

Nguồn: Bloomberg/Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia

Yên Khê