|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các nước nghèo chật vật chống dịch, Trung Quốc đau đầu với áp lực đòi xóa nợ

09:29 | 13/05/2020
Chia sẻ
Các nhà phân tích cho hay, Bắc Kinh có thể sẽ phải tự xóa nợ cho các nước nghèo từng vay tiền Trung Quốc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường hoặc lựa chọn một phương án khác giữa lúc những nước này đang chật vật với đống nợ khổng lồ ngày càng tăng cao do đại dịch COVID-19.
Hoán đổi nợ thành cổ phần: Gây tranh cãi nhưng phù hợp để xử lí cuộc khủng hoảng nợ 'Vành đai, Con đường'? - Ảnh 1.

Công nhân tháo dỡ tấm biển bên ngoài địa điểm tổ chức Diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường ngày 27/4/2019. (Ảnh: AFP)

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) - kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng qui mô khủng của Trung Quốc, đang gây tranh cãi và bị chỉ trích mạnh mẽ vì khiến các nước nghèo phải mang nợ.

Theo CNBC, đây là một dự án đầy tham vọng nhằm xây dựng một mạng lưới phức tạp gồm các tuyến đường sắt, đường bộ và đường biển trải dài từ Trung Quốc đến Trung Á, châu Phi và châu Âu. Sáng kiến BRI còn nhằm mục đích thúc đẩy thương mại.

Các tổ chức tài chính Trung Quốc đã cung cấp hàng trăm tỉ USD tài trợ cho các nước tham gia những dự án trong khuôn khổ sáng kiến.

"Nhiều quốc gia tham gia sáng kiến BRI đã vay nợ rất nhiều tiền từ Trung Quốc để đầu tư vào các dự án mới, tuy nhiên đại dịch đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và sẽ gây khó khăn cho quá trình thanh toán nợ", bà Kaho Yu - nhà phân tích cấp cao tại Verisk Maplecroft cho hay.

Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, đại dịch COVID-19 đã lây lan đến hơn 180 quốc gia/vùng lãnh thổ, khiến hơn 4,1 triệu người nhiễm và ít nhất 286.513 người tử vong.

Nhiều dự án BRI qui mô lớn, chẳng như tại Indonesia, Malaysia, Campuchia, Sri Lanka và Pakistan, đều bị đình trệ do lệnh phong tỏa, ông Simon Leung - đối tác tài chính tại hãng luật Baker McKenzie, cho biết.

"Doanh thu xuất khẩu giảm trong khi chi tiêu công tăng để giảm thiểu thiệt hại của đại dịch đã khiến đồng nội tệ mất giá đáng kể, từ đó ảnh hưởng xấu đến khả năng trả nợ bằng ngoại hối của con nợ với các ngân hàng Trung Quốc", ông Leung cho hay.

Nhu cầu hàng hóa đi xuống cũng thường làm giảm nhu cầu đối với tiền tệ, khiến đồng tiền yếu đi.

Tất cả các yếu tố trên đã ảnh hưởng đến khả năng thanh toán khoản vay bằng đồng USD của các nước với Trung Quốc. Theo công ty nghiên cứu Green Belt and Road Initiative Center (Bắc Kinh), hiện đang có hơn 130 quốc gia/vùng lãnh thổ tham gia sáng kiến BRI.

Theo bà Yu, các nước nghèo tham gia dự án BRI đều đang yêu cầu Trung Quốc giảm nợ, các phương án khả thi có thể bao gồm bỏ lãi suất, gia hạn thời gian thanh toán hoặc tạm dừng thanh toán hoàn toàn trong trung hạn.

Trao đổi hiện vật

Theo CNBC, các nước còn kí kết "thỏa thuận trao đổi hiện vật" với Trung Quốc. Nhà phân tích Kaho Yu nhận định các nước này "thậm chí đang ở tình huống hiểm nghèo hơn nhiều".

Một số khoản vay của Trung Quốc được cho là tính bằng thùng dầu - một hành vi mà World Bank cảnh báo là thiếu minh bạch vì các thỏa thuận dạng này thường che giấu giá trị số tiền thanh toán nợ trên thực tế.

"Kể từ khi đại dịch khiến giá dầu thô lao dốc, các nước sẽ phải bơm thêm dầu để trả nợ. Tuy nhiên, đại dịch cũng làm gián đoạn hoàn toàn hoạt động sản xuất, khiến con nợ khó có thể đáp ứng mức sản lượng cần thiết", bà Yu lí giải.

"Kết quả là, các công ty Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được trao quyền kiểm soát liên doanh hoặc thanh toán bằng tài sản khác", nhà phân tích của Verisk Maplecroft cho hay.

Hoán đổi nợ thành cổ phần: Gây tranh cãi nhưng phù hợp để xử lí cuộc khủng hoảng nợ 'Vành đai, Con đường'? - Ảnh 2.

Một đoàn tàu chạy trên tuyến đường sắt Ethiopia-Djibouti trong một cuộc thử nghiệm gần Addis Ababa (Ethiopia) vào ngày 3/10/2016. Đây là tuyến đường sắt điện hiện đại đầu tiên của châu Phi được xây dựng bởi các công ty Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Theo CNBC, Trung Quốc đã nhiều lần tiếp quản tài sản khi các nước không thể trả nợ. Một trường hợp điển hình là Sri Lanka. Năm 2017, Sri Lanka đã phải bàn giao một cảng chiến lược cho Bắc Kinh sau khi không thể trả hết nợ cho các công ty Trung Quốc.

Hoán đổi nợ thành cổ phần - gây tranh cãi nhưng hợp lí?

Trung Quốc sẽ phải "chịu áp lực" giãn nợ hoặc thậm chí xóa nợ cho các nước trong sáng kiến BRI, công ty nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) cho hay. Chính quyền Bắc Kinh từng bày tỏ họ "có thể sẵn lòng" cung cấp các chương trình giảm nợ cho một số nước nghèo nhất định, EIU nói.

"Tuy nhiên, cũng khả năng Trung Quốc sẽ phải xóa nợ trên diện rộng do các điều khoản bất khả kháng hoặc theo các thỏa thuận khác, khả năng này đang lớn dần. Xóa nợ trên diện rộng có thể tạo tiền lệ xấu, ngăn cản hoạt động cho vay của Trung Quốc trong nửa cuối năm 2020 và cả năm 2021", EIU nhận định.

Theo ông Leung của Baker McKenzie, phần lớn các khoản vay đều được thực hiện thông qua hai ngân hàng chính sách có liên hệ mật thiết với chính quyền Bắc Kinh: Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung quốc.

Khi chuyển đổi nợ của Sri Lanka trong dự án cảng biển thành cổ phần, Trung Quốc đã bị chỉ trích nặng nề. Tuy nhiên, Bắc Kinh không nên để quan điểm sai lệch trên cản trở họ hoán đổi nợ thành cổ phần tại các nước nghèo trong sáng kiến BRI, South China Morning Post viết.

Hoán đổi nợ thành cổ phần sẽ ngay lập tức giảm bớt hoặc loại bỏ gánh nặng nợ nần đối với các nước đang gặp khó khăn, thay thế khoản vay bằng quyền sở hữu tài sản vật chất. Trong trường hợp của sáng kiến BRI, đây cũng là một cách giúp Trung Quốc trở thành đối tác chủ động hơn chứ không "ngủ yên" như hiện tại.

Nếu chỉ đơn giản là xóa nợ, Trung Quốc rõ ràng đang bất công với những nước đã thanh toán xong nợ, dù một phần hay toàn bộ.

Theo cây bút Merryn Somerset Webb của Financial Times, nguyên tắc hoán đổi nợ thành cổ phần nhìn chung có thể được áp dụng hàng loạt, tạo tiền đề cho một quĩ đầu tư quốc gia khổng lồ. Ý tưởng này chắc chắn rất đáng cân nhắc một cách bình tĩnh và kĩ lưỡng trước khi các nước vay nợ phải dùng đến điều khoản bất khả kháng.

Theo South China Morning Post, việc tài trợ cho sáng kiến Vành đai - Con đường tương tự hoạt động đầu tư dài hạn hơn là cho vay, do bản chất của các dự án cơ sở hạ tầng mà sáng kiến hỗ trợ. Do đó, phương thức hoán đổi nợ thành cổ phần có thể giúp xử lí vấn đề.

Các nước đi vay cần phải có cổ phần trong những dự án BRI vì sáng kiến này được lập ra nhằm mục đích gắn kết họ vào một mạng lưới cơ sở hạ tầng toàn cầu gồm nhiều liên kết giao thông đường bộ và đường biển. Nếu không thể đóng góp cổ phần bằng tiền, các nước này có thể quyên góp các tài sản khác như đất đai.

Do đó, cuộc khủng hoảng nợ hiện tại tạo cơ hội cho Trung Quốc thay đổi bản chất của BRI bằng cách biến đổi sáng kiến thành một loại quĩ đầu tư quốc gia qui mô khủng, thay vì chỉ đơn giản là một nước cho vay để phát triển cơ sở hạ tầng.

Yên Khê