|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

An ninh lương thực hạ lưu sông Mê Kông bị đe dọa: Vì hạn hán hay 11 đập thủy điện ở Trung Quốc?

17:53 | 11/05/2020
Chia sẻ
Ngư dân ở phía đông bắc Thái Lan cho biết sản lượng đánh bắt ở sông Mê Kông đang sụt giảm, trong khi nông dân ở Việt Nam và Campuchia bỏ công việc đồng án lên thành phố kiếm sống vì sản lượng lúa gạo và các hoa màu khác đều thu hẹp.
SCMP: Nông dân bỏ quê lên phố, ngư trường vắng cá tôm vì đập thủy điện Trung Quốc - Ảnh 1.

Ngư dân trên dòng sông Mê Kông kéo lưới nhưng chẳng có mấy tôm cá. (Ảnh: AFP)

Đập thủy điện Trung Quốc giữ nước?

Theo South China Morning Post (SCMP), nguyên nhân gây ra sự sa sút trong sinh kế người dân hạ nguồn sông Mê Kông chính là mực nước thất thường trên tuyến đường thủy dài thứ ba châu Á này.

Dòng chảy trên con sông Mê Kông dài 4.300 km thay đổi tự nhiên giữa mùa mưa và mùa khô, tuy nhiên nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) cho biết 11 đập thủy điện ngăn sông của Trung Quốc (5 trong số này bắt đầu hoạt động từ năm 2017) đã làm gián đoạn dòng chảy.

Nhịp điệu dòng chảy bị phá vỡ đang đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của hơn 60 triệu dân ở hạ lưu sông Mê Kông, SCMP dẫn lời 11 tổ chức NGO trên cho hay.

Ông Teerapong Pomun - Giám đốc Viện Nghiên cứu Cộng đồng Mekong (có trụ sở tại Chiang Mai, Thái Lan), nói: "Thông thường, mực nước trên sông Mê Kông tăng và giảm chầm chậm trong khoảng 3 - 4 tháng từ mức cao nhất xuống mức thấp nhất. Tuy nhiên giờ đây mực nước dao động cứ sau mỗi 2 - 3 ngày trong suốt cả năm, năm này qua năm khác vì những con đập".

Chính quyền Bắc Kinh đã kịch liệt phản đối các cáo buộc cho rằng đập thủy điện của Trung Quốc làm thay đổi mực nước trên sông Mê Kông, đặc biệt là sau khi viện chính sách Eyes on Earth (Mỹ) công bố báo cáo hôm 13/4, khẳng định các đập thủy điện của Trung Quốc cố tình giữ nước trên sông.

Đáp lại, Trung Quốc khẳng định báo cáo không tính đến trường hợp lượng mưa thấp gây ra hạn hán vào năm 2019. Trong khoảng 50 năm qua, đợt hạn hán hồi năm ngoái được xem là tồi tệ nhất tại khu vực sông Mê Kông.

SCMP: Nông dân bỏ quê lên phố, ngư trường vắng cá tôm vì đập thủy điện Trung Quốc - Ảnh 2.

Một đập thủy điện mới đang được xây dựng tại Lào. (Ảnh: Shutterstock)

Dù lập luận như thế nào, nguồn cung thực phẩm và sinh kế của hàng chục triệu người đang bị đe dọa. Đại dịch COVID-19 bùng phát lại càng làm tình hình thêm trầm trọng hơn.

"Tình hình ở sông Mê Kông rất đáng lo ngại vì hạn hán kéo dài sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các nước trong khu vực nếu xét trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là về an ninh lương thực", ông Zhang Hongzhou - nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nhận định.

"Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của Bắc Kinh với các nước trong khu vực sông Mê Kông", ông Zhang nhấn mạnh.

Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long oằn mình chịu hán hạn, xâm nhập mặn

Sông Mê Kông nuôi dưỡng các vùng đồng bằng được gọi là vựa lúa châu Á nhờ vào phù sa mà dòng chảy mang đến. Vì rất nhiều người dân sống phụ thuộc vào dòng sông, mực nước gián đoạn có thể gây ra hậu quả nặng nề.

"Năng suất cây trồng giảm, động vật chết dần chết mòn đều ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân, vì cuộc sống của họ phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên của dòng sông Mê Kông", ông Bunleap Leang - Giám đốc Điều hành Mạng lưới Bảo vệ Sông 3S, cho hay.

3S là tổ chức NGO hoạt động nhằm hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi hệ thống đập thủy điện ở miền đông bắc Campuchia.

Theo SCMP, mực nước sông Mê Kông đã giảm xuống mức thấp kỉ lục vào tháng 7 năm ngoái, khiến Việt Nam - nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho 5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Chính quyền địa phương đã cảnh báo hạn hán có thể kéo dài đến tháng 5 năm nay hoặc lâu hơn.

Vào tháng 4, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo năm 2020 của Việt Nam sẽ giảm 3,3% so với ước tính trước đó vì hạn hán và xâm nhập mặn, khiến thu hoạch trong năm nay giảm 0,9% so với năm ngoái.

Nông dân sẽ chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề khi mực nước giảm vì phải mua thêm nhiên liệu để bơm nước cho vụ mùa, đẩy chi phí sản xuất tăng lên ngay tại thời điểm tồi tệ nhất, ông Pomun của Viện Nghiên cứu Cộng đồng Mekong cho hay.

Ông Pomun cho rằng điều đó đang đẩy nông dân Việt Nam rời bỏ ruộng đồng để lên thành phố tìm việc làm, trong khi ngư dân Thái Lan trên dòng sông Mê Kông thu lưới về mà chẳng có tôm cá nào.

SCMP: Nông dân bỏ quê lên phố, ngư trường vắng cá tôm vì đập thủy điện Trung Quốc - Ảnh 3.

Cánh đồng lúa khô nứt nẻ do hạn hán tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Thông Hải/TTXVN)

Ngư trường vắng bóng tôm cá

Bên cạnh tác động đến lĩnh vực nông nghiệp, sông Mê Kông và các nhánh đã tạo thành ngư trường nước ngọt lớn nhất thế giới, thủy sản đánh bắt trên sông là nguồn thực phẩm chính cho người dân địa phương.

Theo báo cáo của Ủy ban Sông Mekong (MRC) - một tổ chức liên chính phủ đại diện cho Lào, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan, cá chiếm đến 82% nguồn protein động vật mà người dân sống dọc sông Mê Kông tiêu thụ.

Các ngư trường trên lưu vực sông Mê Kông là "phao cứu sinh" cho người dân địa phương, MRC cho hay trên trang web.

Bên cạnh đó, MRC còn cảnh báo về những hậu quả "nghiêm trọng" mà sự gián đoạn của dòng chảy có thể gây ra cho việc đánh bắt, đặc biệt là khi dân số tại hạ lưu sông Mê Kông dự kiến sẽ tăng từ 60 triệu người ở thời điểm hiện tại lên 100 triệu người vào năm 2025. Trên thực tế, các hậu quả này đã xảy ra, theo báo cáo năm 2018 của MRC.

"Sản lượng thủy sản được dự đoán sẽ giảm đáng kể ở thượng nguồn vì các đập thủy điện và tác động của chúng đến quá trình di cư, môi trường sống và sinh sản của các loài thủy sản", MRC cho hay.

Dựa trên các dự án về tài nguyên nước trong nhiều thập kỉ qua, báo cáo của MRC đã xem xét một số kịch bản khác nhau cho hệ thống ngư trường trên lưu vực sông Mê Kông. Tổ chức liên chính phủ này dự đoán sản lượng cá đánh bắt trong năm 2020 có thể giảm 40% và giảm tới 80% vào năm 2040.

Báo cáo trên cũng cho thấy, trong khi dân số được cho là sẽ tiếp tục tăng lên dọc theo dòng sông Mê Kông, trữ lượng cá nhiều khả năng sẽ lao dốc vì tác động kết hợp của đập thủy điện, đánh bắt bất hợp pháp và biến đổi khí hậu.

Kể từ những năm 1980, Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng đập thủy điện trên các dòng sông để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng khi nền kinh tế nội địa bắt đầu thời kì tăng trưởng vũ bão. Năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Việc Trung Quốc xây dựng đập thủy điện trên sông Mê Kông trong vài thập kỉ trở lại đây đã liên tiếp dấy lên lo ngại về thiệt hại đối với môi trường, biến động xã hội và giá trị của sự đánh đổi lợi ích kinh tế.

Bắc Kinh cho biết đã hợp tác với các nước ở hạ nguồn sông Mê Kông để cùng quản lí dòng chảy thông qua dự án Hợp tác Lan Thương - Mekong (LMC). Dự án này được thành lập vào năm 2015 bởi chính phủ Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất với các nước thành còn lại.

Tại hội nghị thượng đỉnh Lan Thương - Mekong hồi tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nói với người đồng cấp từ 5 nước còn lại rằng Bắc Kinh đã tăng cường dòng chảy từ sông Lan Thương để giảm thiểu tình trạng hạn hán ở khu vực sông Mê Kông. (Phần sông Mê Kông chảy ở Trung Quốc được gọi là sông Lan Thương)

Ông Vương Nghị nói Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Tại tỉnh Vân Nam, chính quyền địa phương cho hay khu vực này cũng đã gánh chịu thiệt hại trong đợt hạn hán tồi tệ nhất thập kỉ qua, lượng mưa trung bình giảm đến 18%.

Ông Teerapong Pomun - Giám đốc Viện Nghiên cứu Cộng đồng Mekong nhận định, một phần của vấn đề đến từ sự thiếu minh bạch và thiếu hợp tác từ Trung Quốc. Nhà phân tích này cho biết làng mạc ở hạ lưu sông Mê Kông thường "trở tay không kịp" khi các đập thủy điện của Trung Quốc xả nước. Khi nước được xả ra mà không có cảnh báo nào, hoa màu dọc bờ sông đều bị ngập lụt, ông Pomun nói.

"Đó là lí do tại sao chúng tôi yêu cầu sự minh bạch trong quá trình xác định nguyên nhân xảy ra hạn hán: bao nhiêu phần là do các con đập và bao nhiêu phần do biến đổi khí hậu", Giám đốc Viện Nghiên cứu Cộng đồng Mekong, nhấn mạnh.

Ông Pomun lo ngại đại dịch COVID-19 có thể làm tình hình tồi tệ hơn khi nhiều nước thay đổi chính sách để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của chính họ. Ông nói: "Mọi người sẽ trữ nước cho mình nhiều hơn để sản xuất điện năng phục vụ hoạt động kinh tế nội địa".

Yên Khê