Quốc hội Mỹ gửi dự luật trừng phạt Trung Quốc đến Tổng thống Trump
Theo CNBC, sau khi được Thượng viện thông qua với tỉ lệ áp đảo hồi đầu tháng này, dự luật trừng phạt mới đã được Hạ viện phê chuẩn với 413 phiếu thuận - 1 phiếu chống. Hiện tại, dự luật đang trên dường đến bàn làm việc của Tổng thống Donald Trump.
Ông Trump chưa từng nói rõ có ý định kí ban hành dự luật hay không.
Đây là cuộc bỏ phiếu đầu tiên diễn ra theo các qui định tạm thời được đưa ra trong tháng 5 nhằm cho phép các thành viên Hạ viện bỏ phiếu bầu bằng cách ủy quyền, mục đích là để đề phòng lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Một nghị sĩ có thể được ủy quyền bỏ phiếu thay cho 10 nghị sĩ.
Trước đó, Đảng Cộng hòa đã đâm đơn kiện Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, khẳng định bỏ phiếu thông qua ủy quyền là vi phạm hiến pháp Mỹ.
CNBC cho biết cuộc bỏ phiếu nêu trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi Ngoại trường Mỹ Mike Pompeo đã nhắm đến Bắc Kinh xoay quanh dự luật an ninh quốc gia mới dự kiến áp dụng tại Hong Kong.
Ông Pompeo tuyên bố Bộ Ngoại giao Mỹ không còn xem Hong Kong là đặc khu tự trị, đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ của chính phủ Mỹ với phong trào biểu tình dân chủ tại Hong Kong.
Ngoại trưởng Pompeo nói: "Đạo luật Chính sách Hong Kong yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ phải đánh giá lại quyền tự trị của đặc khu hành chính này. Sau khi nghiên cứu kĩ về các diễn biến trong giai đoạn được báo cáo, tôi chứng nhận trước Quốc hội Mỹ rằng Hong Kong không còn có thể hưởng ưu đãi thương mại đặc biệt theo luật pháp Mỹ như được áp dụng trước tháng 7/1997".
"Xét theo các phát hiện mới, không ai với đủ nhận thức lại có thể khẳng định rằng Hong Kong hiện nay đang duy trì được mức độ tự trị cao tại Trung Quốc", CNN dẫn lời ông Pompeo nói thêm.
Trong khi đó, Trung Quốc đã cảnh báo sẽ trả đũa bất kì lệnh trừng phạt nào từ phía chính phủ Mỹ và bác bỏ các cáo buộc lạm dụng quyền lực trong các trại cải tạo ở khu tự trị Tân Cương - địa điểm được cho là có hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc Kazakhstan và một số nhóm thiểu số khác.
Dự luật trừng phạt mà Hạ viện Mỹ thông qua hôm 27/5 sẽ cho Tổng thống Trump 180 ngày để đưa ra danh sách những quan chức Trung Quốc tham gia vào vụ việc ở Tân Cương.
Sau đó, các quan chức này sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt, mặc dù ông Trump có thể miễn trừ trừng phạt với một số cá nhân nhất định nếu ông khẳng định điều đó là vì lợi ích quốc gia.
Dự luật mới tương tự như một đạo luật mà Hạ viện thông qua vào năm ngoái với tỉ lệ 407 phiếu thuận - 1 phiếu chống. Đạo luật năm 2019 nêu đích danh một số quan chức Trung Quốc có liên quan đến các trại cải tạo ở Tân Cương.
Dự luật nhân quyền mới được Hạ viện thông qua khi mối quan hệ Mỹ - Trung đối mặt với căng thẳng trên nhiều mặt trận khác nhau.
Trong nhiều tháng qua, Mỹ và Trung Quốc liên tục đưa ra nhiều giả thuyết về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, lần đầu khởi phát tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Quan chức hai bên tìm cách đổ lỗi cho nhau về sự lây lan của dịch bệnh.
Mặc dù ông Trump lên tiếng chỉ trích phản ứng chống dịch của Bắc Kinh, mối quan hệ giữa ông và Chủ tịch Tập Cận Bình lại khá lẫn lộn. Sau nhiều năm đàm phán và gần hai năm thương chiến, hai nhà lãnh đạo đã kí được thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào đầu năm nay và có kế hoạch sẽ giải quyết thêm bất đồng trong tương lai.
Sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong chưa đầy 6 tháng nữa, ông Trump đã ca ngợi thỏa thuận giai đoạn một như một trong các thành tựu chính sách nổi bật trong nhiệm kì của ông. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch, các cam kết của Bắc Kinh về việc mua hàng trăm tỉ USD nông sản và dịch vụ từ Mỹ khó có thể được thực hiện.