|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gần 100.000 người Mỹ chết vì đại dịch và những cái tên phủ kín trang bìa New York Times

21:24 | 27/05/2020
Chia sẻ
Mỗi sinh mạng ra đi trong đại dịch COVID-19 sẽ là nỗi đau cho một ai đó trong lòng thế giới. Để giữ những cái tên sống mãi trong tâm trí hậu thế, để kể về những mất mát của nước Mỹ, tờ New York Times đã nảy ra ý tưởng trang bìa chưa từng có, khiến thế giới thổn thức nhiều ngày qua.

Thay vì sử dụng các bài báo, hình ảnh hoặc đồ họa thường xuất hiện trên trang nhất, vào chủ nhật tuần trước (ngày 24/5), New York Times đã đăng tải một danh sách dài và trang trọng liệt kê những người dân Mỹ đã thiệt mạng vì đại dịch COVID-19.

Câu chuyện lay động lòng người đằng sau trang nhất 'không ảnh bìa' của New York Times - Ảnh 1.

Trang bìa lay động lòng người của New York Times.

Khi số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ gần chạm ngưỡng 100.000 người, các biên tập viên tại New York Times đã trăn trở nên làm thế nào để đánh dấu cột mốc đau thương này.

Bà Simone Landon - trợ lí biên tập của mục Đồ họa, muốn thể hiện con số trên để làm sao truyền tải được cả mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh lẫn câu chuyện của những sinh mạng đã rời bỏ thế giới.

Vì thế, các phòng ban của tờ New York Times phải khẩn trương tổng hợp tin tức về đại dịch COVID-19 trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, bà Landon và đồng nghiệp nhận ra rằng "trong lòng chính các nhà báo và có lẽ là cả công chúng đều sẽ không gợn lên nhiều nỗi đau mất mát khi nhìn vào số liệu".

"Chúng tôi biết nước Mỹ sắp chạm đến cột mốc đau thương đó", bà Landon nói. "Chúng tôi cảm thấy New York Times cần tìm một cách nào đó ý nghĩa hơn để thể hiện con số này".

Thể hiện 100.000 dấu chấm hay 100.000 hình que trên mặt báo "không thực sự kể ra câu chuyện cụ thể về những người đã mất, họ là ai, họ sống ở đâu và họ đáng quí như thế nào với nước Mỹ", bà Landon chia sẻ.

Vì thế, vị trợ lí biên tập này nảy ra ý tưởng thu thập điếu văn về cái chết của những nạn nhân COVID-19 từ hàng trăm tờ báo lớn nhỏ trên khắp nước Mỹ để gạn lọc những thông điệp ý nghĩa về cuộc đời từng người.

Những "sợi chỉ" dệt nên nỗi đau thương

Ông Alain Delaquérière, một nhà nghiên cứu, đã lần mò qua nhiều nguồn thông tin khác nhau trên mạng về cáo phó cho những cái chết của bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ông biên soạn một danh sách dài gần một nghìn cái tên từ hàng trăm báo lớn nhỏ.

Một nhóm nhà biên tập từ đủ phòng ban cùng ba phóng viên mới tốt nghiệp dành thời gian đọc danh sách này và lượm lặt những miêu tả nổi bật về những cuộc đời đã ra đi.

"Alan Lund, 81 tuổi, Washington, người nhạc trưởng 'với đôi tai cảm nhạc tuyệt vời'"...

"Theresa Elloie, 63 tuổi, New Orleans, nổi tiếng với hãng kinh doanh hoa cài áo tỉ mẩn, chi tiết"...

"Florencio Almazo Morán, 65 tuổi, thành phố New York, một quân nhân độc chiến"...

"Coby Adolph, 44 tuổi, Chicago, một doanh nhân đồng thời là một nhà thám hiểm"...

Trợ lí Landon ví thành quả của tòa soạn như "một tấm thảm công phu" mà cá nhân bà không thể tự dệt nên. Bà Landon cho hay ông Clinton Cargrill - trợ lí biên tập mục Tin trong nước, là "người cộng sự đồng hành" cùng bà trong khối công việc này.

Những nhân vật chủ chốt khác trong dự án còn có ông Matt Ruby - Phó ban biên tập mục Thiết kế tin công nghệ; bà Annie Daniel - kĩ sư phần mềm; và các biên tập viên đồ họa Jonathan Huang, Richard Harris và Lazaro Gamio. Ông Andrew Sondern, Giám đốc nghệ thuật, đứng sau khâu thiết kế in ấn.

Ông Marc Lacey, biên tập viên mục Tin trong nước, đã cảnh báo Giám đốc sáng tạo Tom Bodkin rằng cột mốc đau thương sắp tới.

"Tôi muốn cho ra một thành phẩm mà dù 100 năm sau, người đời vẫn ngoái nhìn lại để hiểu nỗi đau thương mất mát của chúng ta", ông Lacey viết trong một email.

Ông Bodkin chia sẻ, về trang nhất thì các biên tập viên có hai ý tưởng nổi bật: một mạng lưới đồ sộ gồm hàng trăm bức ảnh của những người đã mất hoặc tất cả thể hiện "toàn bằng chữ".

Bất kể phương án nào được duyệt, vị giám đốc sáng tạo đều nói: "Chúng tôi muốn chiếm sóng toàn trang nhất". Sau cùng, ý tưởng "toàn bằng chữ" được chọn.

Phương án thứ hai tham khảo thiết kế của những tờ báo đã có hàng trăm năm tuổi mà ông Bodkin rất quan tâm. Trong nhiều năm sau khi New York Times bắt đầu lên ấn bản đầu tiên vào năm 1851, các tờ báo đều không có tiêu đề như thời hiện đại bây giờ.

"Đây là dạng văn bản chạy dài trên trang với các tiêu đề nhỏ, chính là hình thức của các tờ báo vào giữa những năm 1800", ông Bodkin giải thích.

Với báo mạng ngày nay, độc giả có thể cuộn xuống để đọc tên, mô tả ngắn và một bài tiểu luận được cây viết Dan Barry của New York Times chắp bút. Con số "100.000" cứ lặp đi lặp lại mãi.

Hồi tưởng lại suốt 40 năm sự nghiệp ở New York Times, ông Bodkin cho biết ông từng thấy những trang bìa chỉ toàn đồ họa nhưng chưa bao giờ thấy trang bìa nào chỉ toàn chữ như lần này.

Giám đốc sáng tạo Bodkin khẳng định: "Đây chắc chắn là trang bìa đầu tiên không có hình ảnh trong thời kì báo chí hiện đại".

Bên trong bài báo, danh sách cứ chạy dài, xâu chuỗi với bài tiểu luận của Dan Barry. Dù vậy, chủ yếu chỉ có các cái tên, ngày càng nhiều cái tên và ngày càng nhiều sinh mạng ra đi...

Yên Khê