|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cú đánh kép cản trở Trung Quốc hoàn thành mục tiêu mua nông sản Mỹ như đã hứa hẹn trong thỏa thuận giai đoạn một

17:35 | 20/04/2020
Chia sẻ
Tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 và khó khăn trong quá trình tái đàn đàn heo có thể ngăn cản Trung Quốc - nước tiêu thụ đậu nành lớn nhất thế giới, hoàn thành cam kết mua khoảng 40 - 50 tỉ USD nông sản Mỹ như đã đề ra trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Cú đánh kép cản trở Trung Quốc hoàn thành mục tiêu mua nông sản Mỹ như đã hứa hẹn trong thỏa thuận giai đoạn một - Ảnh 1.

Nông dân trồng đậu nành Mỹ lo lắng Trung Quốc không thể hoàn thành lời hứa nhập khẩu khối lượng lớn nông sản Mỹ. (Ảnh: AP)

Theo South China Morning Post, cam kết nhập khẩu khối lượng lớn nông sản Mỹ của Trung Quốc là một phần trong thỏa thuận thương mại mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được hồi giữa tháng 1 năm nay.

Cam kết này sẽ phụ thuộc phần lớn vào đậu nành vì cho đến nay, sản phẩm này là mặt hàng nông sản nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc từ thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã tăng dự trữ đậu nành từ Brazil - đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ trên thị trường, vì sản phẩm của Brazil đã trở nên rẻ hơn nhiều do tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Trung Quốc đã nhập khẩu lượng đậu nành Brazil cao kỉ lục là 11,6 triệu tấn vào tháng 3, trong khi lượng đậu nành nước này nhập khẩu từ Mỹ vẫn ở mức thấp - chỉ 12,6 triệu tấn từ đầu năm 2020 đến nay. Cùng kì năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 12,9 triệu tấn đậu nành từ Mỹ. 

Đáng chú ý, hai năm trước - thời điểm trước khi chiến tranh thương mại nổ ra, thị trường tỉ dân đã đặt mua gần 30 triệu tấn đậu nành Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2018.

Ông Dave Walton - một nông dân trồng đậu nành người Mỹ, đang lo lắng rằng khách hàng lớn nhất của ông là Trung Quốc sẽ không giữ đúng lời hứa trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

"Nhóm đàm phán thương mại của Bắc Kinh đã làm rõ rằng họ có ý định thực hiện thỏa thuận, tuy nhiên nếu nhìn vào khối lượng giao dịch của phía họ, rõ ràng Trung Quốc chưa hoàn thành hạn mức mà họ đáng lẽ đã phải đạt được vào lúc này", ông Walton nói.

"Chúng tôi cần phải được đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ thực hiện đúng như thỏa thuận đã kí, và sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu họ không giữ lời hứa. Thỏa thuận là thỏa thuận!", người nông dân trên nói thêm.

Đại dịch COVID-19

Các chính trị gia, bao gồm cả Tổng thống Donald Trump, đang cố gắng duy trì tâm lí lạc quan cho nông dân, tuy nhiên các nhà phân tích nhận thấy Trung Quốc khó có thể đạt được hạn mức thu mua nông sản như đã hứa hẹn trong thỏa thuận, tức nhập khẩu tương đương gần 50% lượng đậu nành trong hai năm trước thương chiến.

Phát biểu hôm 14/4, ông Trump cho biết các giao dịch mua nông sản của Trung Quốc "bị ảnh hưởng đôi chút bởi đại dịch" nhưng ông hi vọng Bắc Kinh sẽ tuân thủ thỏa thuận.

"Tôi hiểu Chủ tịch Tập Cận Bình. Tôi tin ông ấy sẽ thực hiện thỏa thuận. Nếu không cũng không sao, phía Mỹ có rất nhiều phương án thay thế tốt hơn nhiều", ông Trump nói.

Nhà kinh tế học Cailin Birch của The Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định tình hình khá khó dự đoán, "tuy nhiên chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không thể hoàn thành thỏa thuận mua nông sản Mỹ như trong thỏa thuận giai đoạn một".

EIU dự báo kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 1% trong năm 2020.

"Chúng tôi không cho rằng mức tăng trưởng như vậy đủ mạnh để củng cố nhu cầu nông sản cần thiết để Trung Quốc đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận giai đoạn một", bà Birch nói.

"Do đó, chúng tôi nhận thấy chính phủ Mỹ sẽ gia tăng áp lực lên Trung Quốc, buộc đất nước tỉ dân mua thêm nông sản Mỹ. Dù vậy, hạn mức thực tế thì khó mà đạt đến mức đề ra trong thỏa thuận nếu Mỹ không áp dụng các biện pháp trừng phạt", bà Birch lí giải.

Phục hồi đàn heo 

Ngoài tác động kinh tế của đại dịch COVID-19, Trung Quốc còn đang nỗ lực tái đàn sau khi dịch tả heo châu Phi (ASF) khiến khoảng 60% đàn heo tại Trung Quốc phải tiêu hủy. Mặc dù đàn heo đang dần tăng lên, nhu cầu đậu nành trong tương lai nhiều khả năng vẫn sẽ yếu. Đậu nành là thành phần chính để chế biến thức ăn chăn nuôi heo.

Ông Darin Friedrichs, nhà phân tích hàng hóa cấp cao tại sàn giao dịch INTL FCStone ở Thượng Hải, cho hay ông nghĩ Trung Quốc gần như không thể hoàn thành hạn mức mua nông sản Mỹ.

"Mọi thứ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của ngành chăn nuôi heo Trung Quốc. Điều này có liên kết chặt chẽ với tình hình COVID-19 - nhu cầu thịt tại Trung Quốc có liên quan mật thiết với sức khỏe của nền kinh tế cũng như việc người dân có sẵn lòng ra ngoài ăn uống hay không. Tuy nhiên, nhu cầu về cơ bản là không lớn lắm", ông Friedrichs nhận định.

Theo South China Morning Post, Trung Quốc đã gặp không ít khó khăn trong quá trình kiểm soát dịch ASF suốt 18 tháng qua. Bộ Nông nghiệp nước này vừa báo cáo thêm hai ổ dịch ASF mới hôm 19/4, một tại tỉnh Cam Túc và ổ còn lại ở Thiểm Tây. Hàng chục con heo tại hai điểm này đã chết do nhiễm ASF.

Khả Nhân