Hơn 4.000 con heo 'bay' qua từ Pháp để giúp Trung Quốc tái đàn
Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu để tái đàn sau khi dịch tả heo châu Phi (ASF) bùng phát trên khắp cả nước từ cuối năm 2018, khiến hàng chục triệu con heo bị chết và tiêu huỷ, đồng thời giảm lượng heo nái tới 60%.
Giá thịt heo tăng vọt và nỗ lực xây dựng lại ngành chăn nuôi heo của chính phủ đã thúc đẩy những người nông dân đặt hàng trở lại, với một số hợp đồng đôi đã được kí trước khi xảy ra dịch bệnh. Mỗi chuyến trị giá tới 1,6 triệu USD.
"Giống như sau Thế chiến thứ hai, họ đã mất một nửa đàn heo và cần phải tái đàn nhanh để phục hồi như trước", Marie Pushparajalingam, chiến lược gia toàn cầu của công ty di truyền heo Axiom của Pháp, cho biết.
Trung Quốc nhập khẩu heo giống để tận dụng các đặc điểm như tăng năng suất và chất lượng thịt tốt hơn được các công ty di truyền toàn cầu lựa chọn trong quá trình chăn nuôi. Một con heo nái tốt nhất có thể đẻ một lứa tới 16 heo con.
Theo Reuters, Axiom đã gửi hai máy bay 777 đến Trung Quốc vào tháng 1, sau đó là hai chiếc 747 vào tháng trước, tổng cộng khoảng 3.400 con heo. Công ty đã kí thỏa thuận điều thêm 6 máy bay chuyển heo tới Trung Quốc vào cuối năm nay, ông Pushparajalingam nói, và dự đoán sẽ có thêm các hợp đồng bổ sung.
500 con heo đực giống khác của công ty Topigs Norsvin (Hà Lan) được vận chuyển từ Pháp tới phía tây nam Quý Châu tuần cuối cùng của tháng 3, Tập đoàn Dekang của Trung Quốc cho hay. Dekang sẽ sử dụng heo trong một trang trại nhân giống để sản xuất 20 triệu con heo cho giết mổ.
Trung Quốc thường giết mổ khoảng 700 triệu con heo mỗi năm để sản xuất hơn 50 triệu tấn thịt heo, khoảng một nửa lượng tiêu thụ toàn cầu. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến sản lượng thịt heo giảm 21% vào năm ngoái, khiến giá tăng vọt và sản lượng dự kiến giảm trong năm nay.
Heo nuôi lấy thịt ở Trung Quốc hiện có giá khoảng 35 nhân dân tệ/kg, gấp ba lần giá ở Pháp.
Dưới áp lực phải đáp ứng các mục tiêu sản xuất thịt heo của chính phủ, một số tỉnh đã bắt đầu cung cấp trợ cấp nhập khẩu khoảng 2.000 nhân dân tệ/con heo cho nông dân vào tháng trước.
Các nhà sản xuất phải đối mặt với tình trạng thiếu heo nái nghiêm trọng và thậm chí còn dùng những con cái thường được định sẵn cho giết mổ để sử dụng trong các trang trại chăn nuôi. Những con heo đó sẽ sinh ra những lứa nhỏ hơn nhiều so với một con heo nái nuôi với mục đích sinh sản.
Chỉ tính riêng nhập khẩu từ Pháp trong năm nay, lượng heo nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến vượt 11.000 con nhập khẩu từ tất cả quốc gia trong năm 2017, một năm sau khi giá thịt heo đạt kỉ lục.
Theo một ước tính của một công ty di truyền, Trung Quốc có thể cần hơn 150 máy bay chở đầy heo thuần chủng để tái đàn.
Các công ty di truyền hưởng lợi lớn
Nhu cầu tăng vọt đã mang đến lợi ích cho các công ty di truyền toàn cầu.
Hải quan Trung Quốc cho biết sẽ cho phép nhiều quốc gia vận chuyển heo sống sang quốc gia châu Á và cũng đang nỗ lực để nguồn cung từ Mỹ có thể quay trở lại thị trường lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, các thủ tục kiểm dịch rườm rà đối với nhập khẩu heo và các trở ngại liên quan đến sự bùng phát của virus corona sẽ hạn chế tổng khối lượng nhập khẩu.
Trước khi xuất khẩu, heo phải trải qua một tháng kiểm tra sức khỏe và mất thêm 30 ngày để cách li dưới sự giám sát của bác sĩ thú y Trung Quốc. Khi đến nơi, những con heo phải ở lại trong một trung tâm kiểm dịch thêm 45 ngày để đảm bảo chúng không có bệnh.