Heo 'siêu to khổng lồ' ở Trung Quốc: Thành quả lai tạo của các doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân
Năm 2018, dịch tả heo châu Phi (ASF) lây lan dữ dội tại Trung Quốc, xóa sổ hơn một nửa đàn heo tại nền kinh tế tỷ dân. Đó là một vấn đề nghiêm trọng đối với một quốc gia yêu thích thịt heo như Trung Quốc, chưa kể điều này còn góp phần đẩy giá thịt heo tăng phi mã và thổi bùng nguy cơ lạm phát.
Để giải quyết bài toán nguồn cung thịt heo, các doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân Trung Quốc buộc phải tìm giải pháp để xoa dịu tình hình, và lai tạo những giống heo khỏe mạnh, trọng lượng cao là ý tưởng khả thi nhất.
Hành trình lai tạo giống heo "siêu to khổng lồ"
Tháng 10/2019, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa từng cảnh báo rằng tình trạng thiếu nguồn cung thịt heo sẽ "cực kỳ nghiêm trọng" và kéo dài cho đến nửa đầu năm 2020, theo đưa tin từ Bloomberg.
Trong chuyến thăm đến các tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc và Hà Nam, ông Hồ mong muốn chính quyền địa phương phải gấp rút nối lại hoạt động chăn nuôi heo, với mục tiêu đưa sản lượng trở lại mức bình thường vào năm 2020.
Đáp lại lời kêu gọi, các doanh nghiệp nuôi heo lớn ở Trung Quốc như Wens Foodstuff Group, Cofco Meat Holdings và Beijing Dabeinong Technology Group cho biết họ đang cố gắng tăng trọng lượng trung bình của đàn heo.
Giới chuyên gia và nông dân Trung Quốc cũng tham gia giúp sức. Thời điểm đó, các nhà khoa học Trung Quốc đang tìm hướng lai tạo một giống heo đột phá bằng công nghệ chỉnh sửa gen. Giống heo này vừa khỏe vừa "siêu to khổng lồ".
Từ vài năm trước, Viện Nghiên cứu Động vật của Học viện Khoa học Trung Quốc đã nỗ lực tạo ra những con heo lớn nhanh hơn và thịt ngon hơn bằng cách sửa đổi mã ADN của chúng.
Trang trại quy mô của viện này tại thủ đô Bắc Kinh nuôi một số giống heo thử nghiệm, có khả năng chống chọi với mùa đông khắc nghiệt nhờ một loại gen đặc biệt trong cơ thể. Họ cũng đã lai tạo thành công một giống heo "siêu nạc" với tỷ lệ mỡ dưới 24% bằng cách chỉnh sửa tế bào của chúng.
Ông Zhao Jianguo, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết ưu tiên khi đó của ông và các đồng nghiệp là đảm bảo nguồn cung thịt heo của Trung Quốc trong bối cảnh dịch ASF hoành hành.
Cũng theo Bloomberg, nhóm nghiên cứu của ông Zhao chỉ là một trong nhiều phòng thí nghiệm ở Trung Quốc đang chạy đua để tạo ra các giống heo cứng cáp và có trọng lượng ưu việt hơn so với trọng lượng trung bình 125 kg.
Bình luận về nỗ lực của các chuyên gia Trung Quốc, Tiến sĩ Simon Lillico tại Đại học Edinburgh (nơi nhân bản thành công cừu Dolly năm 1996), cho hay: "Hiện nay, cường quốc về nghiên cứu khoa học chính là Trung Quốc".
"Trung Quốc rót rất nhiều tiền của và nguồn lực vào khoa học, đến chúng tôi cũng không thể so bì với số tiền mà các chuyên gia ở đất nước tỷ dân đang đầu tư vào lĩnh vực đột biến gen ở heo", ông Lillico nhấn mạnh.
Trước các công trình nghiên cứu giống heo "siêu to khổng lồ", các nhà nghiên cứu Trung Quốc còn từng sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen để phát triển lúa mì kháng mốc, chó cảnh sát mập mạp hơn,...hoặc gây tranh cãi hơn là biến đổi gen của những đứa trẻ song sinh để giúp chúng có khả năng chống lại HIV, Bloomberg đưa tin.
Sau một thời gian tìm tòi, đến cuối năm 2019, một nông dân tên Pang Cong tại thành phố Nam Ninh đã nuôi thành công một con heo "siêu to khổng lồ" nặng đến 500 kg. Thời điểm đó, nếu đem đi giết mổ, con heo này có thể bán với giá tới 10.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 36 triệu đồng).
Giá thịt heo cao ở tỉnh Cát Lâm cũng thúc đẩy nông dân địa phương tăng trọng cho heo. Ông Zhao Hailin, một người chăn nuôi heo trong vùng, cho biết người dân muốn nuôi heo "càng lớn càng tốt", nặng bằng một con hà mã lùn hoặc gấu Bắc Cực cái.
Từ đó, nông dân trên khắp đất nước Trung Quốc thi nhau lai tạo giống heo khổng lồ để tăng gấp đôi trọng lượng của heo với hy vọng thu lợi nhuận cao hơn.
Ông Lin Guofa - nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn Bric Agriculture Group, cho biết hồi cuối năm 2019 rằng trọng lượng trung bình của heo tại các cơ sở giết mổ ở những trang trại lớn đã tăng lên 140 kg, so với mức thông thường là 110 kg. Lợi nhuận của nông dân có thời điểm tăng hơn 30%.
Quả ngọt chưa hưởng đã nếm trái đắng
Trong năm 2020, giá thịt heo có một số giai đoạn giảm mạnh, song nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi đều tin tưởng giá thịt heo sẽ phục hồi trong năm 2021.
Tưởng chừng sẽ được hái quả ngọt nhờ heo "siêu to khổng lồ" trong năm nay thì họ lại phải nếm trái đắng khi giá thịt heo bán buôn tại đất nước tỷ dân lại giảm hơn 40% kể từ giữa tháng 1/2021 do nhu cầu đình trệ, nhập khẩu thịt heo ngoại tăng cao và nông dân hoảng loạn bán tháo đàn heo sau khi dịch ASF tái bùng phát.
Đầu tuần này, Muyuan Foods - công ty chăn nuôi heo lớn nhất Trung Quốc, dự đoán giá thịt heo trong nước sẽ tiếp tục giảm và dự kiến chạm đáy vào năm 2022 hoặc thậm chí là vào năm 2023.
Tại một hội nghị hồi tuần trước, ông Qiu Huaji - người đứng đầu bộ phận bệnh truyền nhiễm ở heo tại Viện Nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân, khẳng định giống heo "siêu khổng lồ" là một nguyên nhân khiến giá thịt heo giảm mạnh.
Bà Qian Xiaoyun, một nông dân ở thành phố Thiên Tân, cho biết gia đình bà sẽ không nuôi thêm heo "siêu to khổng lồ" sau khi giá heo giảm. Trước đó, bà Qian đã bán hết những con heo nặng hơn 150 kg. "Giá thịt heo giảm và giá ngô quá cao khiến chúng tôi không dư được là bao, vì giống heo khổng lồ này ăn rất nhiều", bà Qian chia sẻ.
Hơn nữa, tác động của giống heo khổng lồ cũng đang trở nên phức tạp hơn bởi chính sách phân vùng đàn heo của Bắc Kinh. Cuối tháng 4, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo từ tháng 5 năm nay, chính phủ sẽ phân chia cả nước thành 5 khu vực và người dân không được vận chuyển heo hơi giữa các lằn ranh mà Bắc Kinh đã vạch ra.
Cố vấn Wang Zhong của công ty tư vấn Systematic, Strategic & Soft Consulting cho rằng các biện pháp phân vùng mới của Bắc Kinh sẽ giúp kiềm chế giá heo ở khu vực phía bắc và tăng giá thịt heo ở khu vực phía nam trong ngắn hạn.
Các công ty chăn nuôi heo lớn sẽ có thêm động lực để xây dựng trang trại ở vùng phía nam cũng như mở thêm cơ sở giết mổ ở khu vực phía đông bắc và tây bắc, ông Wang nói thêm.