Cục Chăn nuôi: 'Nếu Việt Nam nuôi heo 'siêu to khổng lồ' như Trung Quốc thì chắc chắn lỗ'
Lỗ càng thêm lỗ nếu nuôi heo siêu to khổng lồ
Năm 2019 - 2020, thời điểm Trung Quốc chịu thiệt hại nặng nề từ dịch tả heo châu Phi khiến nguồn cung giảm nghiêm trọng khiến giá tăng cao. Nhiều hộ chăn nuôi nước này đã bắt đầu nuôi heo cỡ "siêu to khổng lồ" nhằm thu về số tiền nhiều hơn.
Cuối năm 2019, Bloomberg từng đưa tin một trại heo ở thành phố Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) thậm chí còn lai tạo được giống heo nặng 500 kg. Thời điểm đó, nếu đem đi giết mổ, những con heo này có thể bán với giá tới 10.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 36 triệu đồng).
Tuy nhiên, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết nếu người dân càng nuôi dài ngày thì càng tiêu hao thức ăn, chi phí tăng thêm và lợi nhuận sẽ không cao. Do đó, nuôi heo hiệu quả nhất là nuôi heo ở mức 100 - 120 kg là xuất chuồng. Lúc giá heo hơi cao có thể xuất chuồng ở mức khoảng 80kg.
Ở Việt Nam chiến lược này càng không phù hợp nhất là trong bối cảnh hiện nay giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, càng nuôi càng lỗ.
"Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi cao như thế này không ai nuôi dài ngày cả, càng tiêu tốn thức ăn. Người ta chỉ nuôi tầm 150 ngày, bán phạm vi 100 kg là vừa phải nếu thức ăn cao quá thì có thể bán sớm hơn, dưới 100 kg", ông Trọng cho biết.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay tăng khoảng 40% do giá quốc tế tăng mạnh.
Trong khi đó, tới 90% nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam là nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước châu Mỹ. Do đó, thức ăn hỗn hợp trong nước cũng tăng mạnh theo khiến chi phí chăn nuôi cao.
Giá thức ăn chăn nuôi cao trong khi giá heo hơi trong nước đang có xu hướng giảm mạnh. Hiện giá heo hơi đã giảm xuống dưới 70.000 đồng/kg. Với mức giá này người chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ đã phải chịu lỗ; còn đối với những doanh nghiệp chăn nuôi khép kín thì mức giá hiện tại chỉ lãi "mỏng".
"Giá thức ăn chăn nuôi đang tăng chóng mặt. Thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 60 - 65% giá thành chăn nuôi heo", ông Trọng cho biết.
Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết thêm thực chất thế giới chưa có giống heo nào "siêu to khổng lồ" mà chỉ có 4 giống heo chính. Bản chất heo khổng lồ của Trung Quốc không phải là giống gì đặc biệt mà là giống dài ngày.
"Giống cao sản nhất thì tốc độ sinh trưởng cũng chỉ 1 kg/ngày còn không thì trung bình khoảng 750 - 800 gram/ngày. Các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Đan Mạch, Mỹ, Canada cũng chỉ được như vậy", ông Trọng cho biết.
Bài học đau đớn từ Trung Quốc
Trên thực tế, những người nuôi heo cỡ siêu lớn đã phải nếm "trái đắng" khi giá heo hơi giảm.
Theo Bloomberg, trái với mong mỏi của người nông dân, giá thịt heo bán buôn tại đất nước tỷ dân lại giảm hơn 40% kể từ giữa tháng 1 năm nay vì do nhu cầu đình trệ, nhập khẩu thịt heo ngoại tăng cao và nông dân hoảng loạn bán tháo đàn heo sau khi dịch tả heo châu Phi (ASF) tái bùng phát.
Đầu tuần này, Muyuan Foods - công ty chăn nuôi heo lớn nhất Trung Quốc, dự đoán giá thịt heo trong nước sẽ tiếp tục giảm và dự kiến chạm đáy vào năm 2022 hoặc thậm chí là vào năm 2023.
Ông Lin Guofa, chuyên gia phân tích cấp cao tại công ty tư vấn Bric Agriculture Group, cho biết nhiều nông dân cố gắng tăng trọng cho heo vì tin tưởng giá thịt heo sẽ phục hồi. Song, giá thịt heo quay đầu giảm mạnh kể từ tháng 2 năm nay và gây ra tình trạng bán tháo đàn heo, có lẽ chính điều này đang kìm hãm triển vọng phục hồi của giá heo tại Trung Quốc, ông Lin nói tiếp.
Theo trang Pig Progress, ông Zhu Zengyong, chuyên gia phân tích thuộc Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc cho biết sản lượng heo nước này sẽ tăng đáng kể trong quý IV năm nay.
Người chăn nuôi Trung Quốc vẫn lạc quan vào tương lai giá sẽ còn tiếp tục lên nên họ vẫn đang tập trung nuôi heo cỡ vừa và lớn. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng số đàn heo cỡ này khi xuất chuồng sẽ càng khiến đà phục hồi giá chậm lại trong tháng 5 và 6.