Trung Quốc sắp phân vùng cho heo
Heo được nuôi theo 5 vùng
Tuần trước, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo từ tháng 5 năm nay, chính phủ sẽ phân chia cả nước thành 5 khu vực và người dân không được phép vận chuyển heo hơi giữa các lằn ranh mà Bắc Kinh đã vạch ra.
Chuyên gia phân tích Lin Guofa của công ty nghiên cứu nông sản Bric Agricultural Group thông tin, khoảng 20% đàn heo của Trung Quốc - tương đương khoảng 140 triệu con, được vận chuyển trên khắp đất nước mỗi năm. Chủ yếu, số heo hơi này được đưa từ khu vực phía đông bắc đến miền nam Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu thịt tươi của người dân.
Nếu Bắc Kinh duy trì chính sách mới trong dài hạn, doanh nghiệp chăn nuôi heo sẽ buộc phải mở thêm các trang trại gần khách hàng để tiết kiệm chi phí sản xuất, Bloomberg nhận định.
"Một số khu vực từng được mệnh danh là thành phố không nuôi heo sẽ sớm phải xây dựng trang trại chăn nuôi", nhà phân tích Lin đưa ra dự đoán tương tự Bloomberg. Tuy nhiên, chính phủ cũng đang khuyến khích vận chuyển thịt heo đông lạnh thay vì thịt tươi sống, do đó các doanh nghiệp sẽ cần phải mở rộng thêm chuỗi bảo quản lạnh.
Theo Bloomberg, vùng đông bắc Trung Quốc là khu vực chăn nuôi heo hàng đầu do có nguồn cung ngô dồi dào và đất đai rộng lớn. Ngoài ra, khu khu vực tây bắc của khu tự trị Tân Cương cũng được xác định là có thể tăng cường sản lượng thịt heo cho đất nước tỷ dân.
Ông Wang Zhong, cố vấn trưởng của công ty tư vấn Systematic, Strategic & Soft Consulting, cho rằng các biện pháp phân vùng mới của Bắc Kinh sẽ giúp kiềm chế giá heo ở khu vực phía bắc và tăng giá thịt heo ở khu vực phía nam trong ngắn hạn.
Nhờ đó, các công ty chăn nuôi heo lớn như Muyuan Foodstuff, New Hope Liuhe và Wens Foodstuff Group sẽ có thêm động lực để xây dựng trang trại ở vùng phía nam cũng như mở thêm cơ sở giết mổ ở khu vực phía đông bắc và tây bắc, ông Wang tiếp tục.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc khẳng định các quy định mới có tính chất tương tự hệ thống chăn nuôi heo được phát triển ở Brazil và Tây Ban Nha, mà đây vốn là những mô hình đã đạt được thành công trong kiểm soát dịch tả heo châu Phi (ASF).
"Do dịch ASF còn xuất hiện trên diện rộng và khó bị triệt tiêu trong thời gian ngắn nên các biện pháp phân vùng để kiểm soát là một lựa chọn dễ hiểu", Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nhấn mạnh.
Tạm thời nhập khẩu heo để đáp ứng nhu cầu
Ngành công nghiệp chăn nuôi heo trị giá hơn 300 tỷ USD của Trung Quốc bị dịch ASF tàn phá nặng nề vào năm 2018 và đến nay đàn heo chỉ mới phục hồi phần nào. Gần đây, dịch ASF tái bùng phát tại một số tỉnh thành đã buộc Trung Quốc phải mua thêm thịt heo từ nước ngoài.
Tháng trước, nhập khẩu thịt heo của đất nước tỷ dân vừa chạm mức kỷ lục mới khi tăng 16% so với cùng kỳ năm trước lên 460.000 tấn. Tính chung quý I năm nay, nhập khẩu thịt heo tăng 22% lên 1,16 triệu tấn, dữ liệu hải quan Trung Quốc chỉ ra.
Bà Pan Chenjun, nhà phân tích chăn nuôi cao cấp của Rabobank, cho rằng đàn heo của Trung Quốc có thể đã giảm tới 30% so với tháng 11 vì các bệnh trên heo vào mùa đông, bao gồm các chủng ASF mới xuất hiện. Bà Pan ước tính tồn kho heo hơi của Trung Quốc có thể đang bằng 60 - 70% so với bình thường.
Chuyên gia phân tích Lin Guofa cho biết các công ty ở nền kinh tế tỷ dân sẽ tiếp tục nhập khẩu thêm thịt heo từ nước ngoài trong tháng 5, vì thương nhân dự đoán giá thịt heo trong nước sẽ tăng trở lại sau một thời gian đi xuống.
Hồi đầu tháng 3, Bắc Kinh từng dự đoán nguồn cung thịt heo trong nước sẽ phục hồi ổn định trong năm nay sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ vào năm ngoái, Bloomberg đưa tin.
Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng các biến thể virus ASF mới có thể đe dọa dự báo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc chưa có phương pháp điều trị hoặc vắc xin ngừa ASF, dù cho nước này đã tổ chức thử nghiệm lâm sàng một loại vắc xin từ năm ngoái.